itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Điểm hẹn của trên 250.000 lao động

Điểm hẹn của trên 250.000 lao động

Hơn 20 năm hoạt động, các KCX-KCN TPHCM đã tạo việc làm, giúp người lao động nâng cao tay nghề, cập nhật công nghệ hiện đại

“Khi đầu tư vào Việt Nam, điều chúng tôi lo lắng nhất là vấn đề nhân lực. Chúng tôi đã hợp tác chặt chẽ với các trường đại học, cung cấp phòng thí nghiệm để sinh viên thực tập, mời chuyên gia nước ngoài sang hướng dẫn cho giáo viên, giảng dạy cho sinh viên những kỹ thuật mới… Nhờ vậy đến nay chúng tôi đã có được gần 600 kỹ sư lành nghề”. Ông Trần Ngọc Cang, Phó Tổng Giám đốc Công ty Renesas (KCX Tân Thuận TPHCM), cho biết như vậy khi nhìn lại những thành quả của công ty trong quá trình đầu tư tại Việt Nam.

Cơ hội tiếp cận công nghệ mới

Là công ty chuyên thiết kế vi mạch với 100% lao động có trình độ đại học, Renesas được xem là nơi có môi trường làm việc tốt, tạo điều kiện cho nhiều lao động trẻ học hỏi, nâng cao tay nghề. Trần Đắc Khoa, một kỹ sư gắn bó với công ty trong những ngày đầu, nhớ lại: “Khi tốt nghiệp ngành điện tử - viễn thông của Trường Đại học Bách khoa TPHCM, nghe Renesas tuyển nhân sự, tôi đã thử sức ở lĩnh vực thiết kế bán dẫn và được tuyển dụng”. Khoa còn nhớ mãi dự án do nhóm anh thực hiện đầu tiên là thiết kế dòng sản phẩm theo công nghệ 90 nm, mà một trong những ứng dụng là dành cho thiết bị giải trí. “Khi ấy, tôi đã gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu kiến thức thực tế. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, tôi đã được học hỏi rất nhiều từ các chuyên gia”.

Theo Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM, đến nay, TPHCM có 3 KCX và 10 KCN đang hoạt động, thu hút 1.043 doanh nghiệp (DN), giải quyết việc làm cho 252.568 lao động. Ông Nguyễn Tấn Định, Phó trưởng Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM, cho biết một bộ phận lao động trong KCX-KCN đã tiếp cận được với máy móc thiết bị hiện đại, làm việc với các chuyên gia nước ngoài nên đã nâng cao tay nghề, kỹ năng lao động; rèn luyện tác phong công nghiệp, phương pháp làm việc tiên tiến. Đến nay, đã có 6.000 công nhân ưu tú, cán bộ quản lý được chủ DN đưa sang các công ty mẹ ở Nhật, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore… để đào tạo nâng cao trình độ, từng bước thay thế chuyên gia nước ngoài.

Vẫn còn nhiều bất cập

Bên cạnh những thành tựu đạt được thì nguồn nhân lực tại KCX-KCN TPHCM vẫn còn nhiều bất cập. Tại hội thảo “Nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển KCX-KCN TPHCM” do Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM tổ chức mới đây, vấn đề nguồn nhân lực được nêu lên như là một trong những quan ngại lớn nhất của nhiều DN. Thống kê từ ban quản lý cho thấy số lao động đã qua đào tạo từ đại học, cao đẳng chỉ chiếm hơn 6,7%; trong khi đó lao động có trình độ THCS và THPT chiếm tới 84%. Hiện 60% lao động đang làm việc tại KCX-KCN là lao động nhập cư, tập trung vào những ngành thâm dụng lao động như may mặc, giày da và các ngành không có yêu cầu cao về trình độ cao nên họ sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp, điều kiện làm việc không bảo đảm.

Do mức lương của người lao động không cao đã dẫn đến tình trạng “nhảy việc”. Chỉ riêng từ đầu năm đến nay, các KCX-KCN mất 30.000 lao động. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm các KCX-KCN TP, cho biết thậm chí, để có nguồn lao động, các DN phải hạ chuẩn tuyển dụng. Từ đó càng làm cho nguồn nhân lực của các DN sụt giảm chất lượng, năng suất lao động thấp.

Thu hút thêm 100.000 lao động

Mục tiêu trong 5 năm tới, các KCX-KCN TP sẽ thu hút thêm 100.000 lao động; tập trung vào các ngành như cơ khí, điện tử, dệt may, chế biến hải sản. Trong đó, lao động qua đào tạo chiếm 30%, công nhân kỹ thuật 19%; trung cấp 12% và cao đẳng, đại học 7%.

Ông Hồ Xuân Lâm, Trưởng Phòng Quản lý Lao động các KCX-KCN TP, nêu giải pháp: Ngoài việc chăm lo việc làm, thu nhập, phúc lợi xã hội cho người lao động, các DN cần có kế hoạch nhân sự dài hơi và đặt hàng cho các cơ sở đào tạo. Có như vậy, DN mới chủ động được nguồn nhân lực, không phải loay hoay như hiện nay.

Huỳnh Nga/ NLĐ