itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Đối phó với kinh tế khi tiền còn mất giá

Đối phó với kinh tế khi tiền còn mất giá

Việt Nam cần khắc phục những

rào cản kinh tế để khôi phục niềm tin

Các lãnh đạo liên ngành Việt Nam họp để bàn các biện pháp đối phó với giá tiêu dùng tăng cao, giá vàng và ngoại tệ có biến động và những đồn đoán về khả năng "tiền đồng Việt Nam mất giá".

Mục tiêu và thách thức hiện nay đối với chính phủ Việt Nam là ổn định kinh tế vĩ mô.

Giữa khi đó, Golman Sachs ước tính tiền đồng sẽ lên 22.150- 23.150 một đôla Mỹ trong một năm.

Bộ Tài Chính, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch, Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước có cuộc họp thường niên hôm 02/06/2008 để xác định chính sách cho nửa năm sau.

Điều quan trọng với chính phủ hiện nay là làm sao phục hồi niềm tin của người dân và các nhà đầu tư.

Phục hồi niềm tin

Trả lời phỏng vấn BBC Việt Ngữ, Kinh tế gia trưởng UNDP tại Hà Nội, Jonathan Pincus nói "Trong kinh tế vĩ mô thì uy tín hay lòng tin là 90%".

"Tức là phải đảm bảo với các ngân hàng, công ty, người dân rằng chính phủ đánh giá tình hình kỹ càng, có biện pháp hữu hiệu và sẽ thực hiện theo một thời gian biểu cụ thể".

Ông Pincus nói hôm 29/05 rằng: "Nếu mức lạm phát bắt đầu giảm thì lòng tin sẽ được khôi phục".

Thế nhưng mức lạm phát hiện chưa có chỉ dấu giảm. Tháng 5/2008 đã chứng kiến mức lạm phát cao nhất trong 13 năm là 25,2%.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên được trích lời nói: "Rút kinh nghiệm vụ sốt gạo vừa qua, Bộ đang xây dựng văn bản pháp quy nhằm xử lý hành chính các trường hợp đầu cơ, tuyên truyền tăng giá bất hợp lý để trục lợi."

Còn Kinh tế gia trưởng UNDP cảnh báo về bài học mà chính phủ Việt Nam cần rút ra trong thời gian qua.

Ông Pincus nói: "Nếu chính phủ không rõ ràng trong chính sách và các biện pháp và để những lời đồn đoán đóng vai trò lấn át thì những người không có được thông tin đầy đủ sẽ làm những việc có tính bảo vệ cho chính họ một cách rất quyết liệt".

Ông Pincus nói về thực trạng các hộ gia đình và thậm chí cả các công ty nữa đổ xô đi mua đôla vì lo sợ đồng bạc Việt Nam mất giá.

Tác động của vấn đề kinh tế đối với dân sinh ở Việt Nam, nhất là tần suất các cuộc đình công cũng được truyền thông Phương Tây quan tâm.

Báo tài chính The Wall Street Journal của Hoa Kỳ hôm 02/06 đưa tin khoảng 1000 công nhân tại một trong những nhà máy của Panasonic, thuộc tập đoàn Matsushita Electric Industrial, đình công và đòi tăng lương 25%.

Đặc biệt, tờ báo trích số liệu chính phủ cho thấy có khoảng 300 cuộc đình công tại các nhà máy trên toàn quốc trong quí I-2008, tăng nhiều so với con số 100 cuộc cùng kỳ năm 2007.

Giới lãnh đạo các bộ phụ trách kinh tế và thương mại được báo trong nước trích lời nói về điều được mô tả là "phương án giá sau tháng Sáu".

Họ bác bỏ thông tin các mặt hàng như điện, xăng, nước.... sẽ đồng loạt tăng giá sau ngày 30 tháng Sáu và nói thông tin này là không có cơ sở.

Sẽ còn mất giá

Hôm 03/06 Reuters đưa tin tập đoàn tài chính Golman Sachs trong báo cáo mới ra tính toán tiền đồng của Việt Nam sẽ mất giá 39% trong khoảng 12 tháng.

Họ định giá (theo dạng offshore forward pricing) là sẽ cần có khoảng 22.150- 23.150 VND để mua (trong tương lai) 1 USD.

Tuy nhiên Golman Sachs cũng đánh giá rằng có ít khả năng rủi ro đồng tiền Việt Nam mất giá đột biến.

Đánh giá của Golman Sachs được đưa ra sau một báo cáo trước đó của một ngân hàng đầu tư khác cũng của Hoa Kỳ là Morgan Stanley nói có nhiều khả năng xảy ra "khủng hoảng tiền tệ" tại Việt Nam.

Thị trường chứng khoán Việt Nam mất điểm liên tục trong ba tuần từ tháng Tư.

Báo VietnamNet ngày 03/06 đưa tin về chiến dịch cắt giảm nhân sự tại các công ty tài chính, môi giới chứng khoán mạnh mẽ nhất từ trước đến nay.

Báo này cũng trích phỏng vấn ông Martin Rama, Kinh tế gia Trưởng Ngân hàng Thế Giới tại Việt Nam nói các báo cáo của những tổ chức tài chính quốc tế gần đây và động thái của dư luận sẽ tác động ngắn hạn lên nền kinh tế.

Ông nói: "Việt Nam sẽ nhận được ít hơn nhiều những nguồn đầu tư ngắn hạn vào thị trường chứng khoán, bất động sản và dòng vốn dạng này sẽ nằm chờ."

Tuy nhiên phúc trình của Economist Intelligence Unit trong tháng Tư nhận định giới đầu tư nước ngoài tiếp tục tỏ ra khá tin cậy vào triển vọng kinh tế Việt Nam.

Các dự án cam kết vốn đầu tư trực tiếp (FDI) trong quí I-2008 đạt 5,4 tỷ đôla, cao hơn mức 4,1 tỷ đôla cùng giai đoạn năm 2007.

Nguồn: bbcvietnamese.com