itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Doanh nghiệp gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn

Doanh nghiệp gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn

Chiều 5/8, dành toàn bộ thời gian buổi chiều để thảo luận về tình hình thực hiện 6 tháng đầu năm 2011 và các giải pháp cho 6 tháng cuối năm,

Chiều 5/8, dành toàn bộ thời gian buổi chiều để thảo luận về tình hình thực hiện 6 tháng đầu năm 2011 và các giải pháp cho 6 tháng cuối năm, đã có hàng chục ý kiến của đại biểu xung quanh những vấn đề nổi cộm của kinh tế - xã hội hiện nay.

Theo đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương), 6 tháng đầu năm 2011 tiếp tục chứng kiến việc tăng trưởng kinh tế (5,6%) thấp so với tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Đáng chú ý là hiện tượng này đã kéo dài đã nhiều năm. “Giai đoạn 2006 - 2010, CPI tăng bình quân 12,6% một năm. Như vậy, giá trị thật của tăng trưởng với đời sống người dân không nhiều, thậm chí âm”, đại biểu Đáng nhận định.

Theo phân tích của đại biểu đoàn Bình Dương chỉ trong vòng vài tháng qua, giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng cơ bản như thịt, trứng, rau - quả… đã tăng gấp đôi, gây ảnh hương lớn đến đời sống người dân, đặc biệt là nông dân, người có thu nhập thấp, công nhân lao động trong các doanh nghiệp FDI…

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh đoàn Hoà Bình cho rằng, nguy cơ lạm phát, bất ổn kinh tế vĩ mô đã trở thành đối với nền kinh tế nước ta trong năm 2011. Trong bối cảnh đó, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 11, trong đó tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội là đúng đắn, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách kiềm chế lạm phát cũng làm nảy sinh những vấn đề đáng quan tâm. Việc thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, hạn chế tăng trưởng tín dụng và điều chỉnh lãi suất ở mức cao đã làm cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận được nguồn vốn, nên gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Lãi suất quá cao đã làm cho nhiều doanh nghiệp không thể hoạt động, dẫn đến đời sống của công nhân đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Các đại biểu đều thống nhất cho rằng việc giá cả tăng chóng mặt trong một thời gian dài chủ yếu là do khiếm khuyết của cơ cấu kinh tế, của mô hình tăng trưởng. Riêng đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến (Long An) chỉ rõ hơn là do nhập siêu, đặc biệt là nhập siêu từ Trung Quốc (chiếm đến 94,4% tổng nhập siêu năm 2010).

Chia sẻ những quan ngại nêu trên với các đại biểu khác, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm cảnh báo việc kiểm soát giá sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong những tháng còn lại của năm 2011 do tác động của thiên tai (thường vào quý III) và chu kỳ tăng tiêu dùng cuối năm (quý IV).

Theo vị đại biểu của đoàn Thái Bình, để xử lý tốt vấn đề này, ngay sau khi thành lập, Chính phủ mới cần nhanh chóng cụ thể hóa các định hướng điều hành, phối hợp tốt các chính sách, công cụ… tránh mâu thuẫn, giật cục.

Chia sẻ ý kiến cho rằng việc thắt chặt tiền tệ là cần thiết trong điều kiện lạm phát tăng cao nhưng đại biểu Đào Tấn Lộc (Phú Yên) và Huỳnh Thành (Gia Lai) đều cho rằng đây là chỉ là giải pháp tình thế và có khả năng gây ra hiện tượng đình đốn trong sản xuất nếu Chính phủ không có giải pháp hiệu quả nhằm giúp các doanh nghiệp cũng như hộ nông dân tăng cường khả năng tiếp cận vốn.

Trích dẫn số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho biết hiện có đến hai phần ba số doanh nghiệp vừa và nhỏ khó hoặc không tiếp cận được vốn ngân hàng. Trong khi đó, lãi vay hiện lên tới 17 - 18%, thậm chí có nơi là 20 - 22% khiến doanh nghiệp không thể kinh doanh có lãi. Khó khăn tương tự cũng diễn ra trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp - nông thôn.

Cũng trong phiên thảo luận chiều 5/8, các đại biểu cũng dành nhiều thời gian phát biểu về một số vấn đề như cắt giảm đầu tư công, đầu tư phát triển các khu vực khó khăn - miền núi, nâng cao chất lượng giáo dục, an ninh - quốc phòng… Những vấn đề này sẽ tiếp tục được trao đổi và giải đáp bởi các thành viên Chính phủ trong phiên làm việc sáng mai (6/8).

Thu Anh