itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Sự thật về Tân Hiệp Phát: Người tiêu dùng có quyền gì?

Sự thật về Tân Hiệp Phát: Người tiêu dùng có quyền gì?

Quyền lợi người tiêu dùng được bảo vệ bằng luật ra sao khi liên tiếp xuất hiện những sản phẩm biến chất, hư hỏng? Đây có lẽ là điều mà các cơ quan chức năng cần nhìn nhận thấu đáo…

Báo Năng lượng Mới ra ngày 7 và 11/7 đã đăng loạt bài "Sự thật về Tân Hiệp Phát" và nhận được nhiều ý kiến phản hồi. Từ cái cách mà "ông lớn" của ngành giải khát đang làm khiến dư luận không khỏi băn khoăn về trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp từng đón nhận giải thưởng sản phẩm "Thương hiệu quốc gia" là ở chỗ nào, khi gây tác động xấu triền miên về môi trường cho một bộ phận khu dân cư lân cận?

Quyền lợi người tiêu dùng được bảo vệ bằng luật ra sao khi liên tiếp xuất hiện những sản phẩm biến chất, hư hỏng? Đây có lẽ là điều mà các cơ quan chức năng cần nhìn nhận thấu đáo…

Người tiêu dùng có quyền nghi ngờ!

Trước tình trạng tràn lan các sản phẩm nước giải khát không rõ chất lượng thực hư ra sao như hiện nay, trong khi lời quảng cáo sản phẩm dường như được phóng đại vượt tầm kiểm soát của cơ quan chứng năng, điều đó khiến cho người tiêu dùng tự hỏi họ sẽ được bảo đảm an toàn, quyền lợi bằng luật như thế nào?

Xin thưa, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2011. Luật này quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; trách nhiệm của tổ chức xã hội, quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… Luật cũng xác định người tiêu dùng được bảo đảm an toàn về sức khỏe, tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác khi giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp.

Từ việc đảm bảo an toàn, quyền lợi của người tiêu dùng dựa theo Luật, trở lại vấn đề chất lượng các loại sản phẩm nước giải khát của Tân Hiệp Phát (THP) mà Báo Năng lượng Mới đã đăng tải, theo Tiến sĩ (TS) Nguyễn Mộng Hùng (Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh), người tiêu dùng có quyền nghi ngờ về chất lượng sản xuất nước giải khát của THP. Đồng thời, họ cũng có quyền đặt nghi vấn doanh nghiệp này sử dụng hương liệu, chất phụ gia để pha chế, sản xuất nước giải khát.

“Một khi phát sinh những sản phẩm liên tiếp bị hỏng, người tiêu dùng có quyền liên tưởng sự cố 2 năm về trước cơ quan chức năng từng phát hiện số lượng lớn hương liệu quá hạn của THP. Liệu đến giờ đã tiêu hủy hết toàn bộ số hương liệu quá hạn sử dụng đó hay chưa, cơ quan chức năng xử lý tiêu hủy ra sao, có hình ảnh, văn bản gì để chứng minh cho điều này?”, TS Hùng băn khoăn.

Từ cái quyền được nghi ngờ, vai trò của người tiêu dùng sẽ rất lớn đến quyết định sự tồn tại của nhà sản xuất. Họ có quyền không mua hàng hóa của nhà sản xuất nếu như doanh nghiệp không ý thức được trách nhiệm chất lượng sản phẩm.

Không chỉ có vấn đề về chất lượng, ngay như cách thức quảng cáo lập lờ của THP cũng dễ khiến các chuyên gia về sản phẩm tiêu dùng đặt dấu hỏi. TS Hùng lấy ví dụ điển hình từ sản phẩm trà thảo mộc Dr Thanh. Loại sản phẩm trà này được quảng cáo rằng, pha trộn từ 9 loại thảo mộc cung đình. Trên thực tế, không có bất kỳ loại thảo mộc quý nào gọi là “thảo mộc cung đình”. Bởi vì thảo mộc là loài cây cỏ, nó phải gắn với địa danh hay thổ nhưỡng ở vùng đất nào đó, chẳng hạn như có xuất xứ từ vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ…

“Còn 2 từ “cung đình” không phải là địa danh hay thổ nhưỡng và càng không phải là nơi xuất xứ của nguồn thảo dược. “Cung đình” là cung đình nào, có phải là Cung đình Huế hay Cung đình Pháp, Thái Lan? Có bao giờ nhà sản xuất thử quảng cáo gạo Chợ Đào, bưởi Năm Roi, trà Thái Nguyên… là gạo, bưởi, trà cung đình hay không? Điều ấy chắc chắn sẽ rất buồn cười! Do đó, với việc THP quảng cáo sản phẩm trà thảo mộc Dr Thanh, đã có vấn đề gây ngộ nhận về từ ngữ và không đúng nguồn gốc xuất xứ, tôi nghĩ sẽ dễ gây ngộ nhận cho người tiêu dùng. Nếu THP dùng nguyên liệu có nguồn gốc từ thảo dược ở nơi nào đó thì phải nêu minh bạch, cụ thể địa danh, nơi sản xuất, trồng trọt thảo dược đó, có như vậy người tiêu dùng mới tin được”, TS Hùng phân tích.

Nhận định về những lời quảng cáo phóng đại, có tác dụng “thần kỳ” như ngăn ngừa ung thư, chống lão hóa, tăng cường sức đề kháng… từ một số sản phẩm nước giải khát của THP, TS Nguyễn Mộng Hùng cho rằng, những gì quảng cáo quá mức sự thật sớm muộn cũng sẽ bị phát hiện.

Trên thực tế, chỉ khi cầm trên tay và trực tiếp sử dụng nước giải khát, đa phần người tiêu dùng mới phát hiện ra sự thật khác xa so với quảng cáo. Liệu có cơ quan chức năng nào đã thử tìm hiểu, kiểm tra để chứng thực về những hiệu quả ngăn ngừa bệnh từ các sản phẩm nước giải khát như lời quảng cáo hay không?

Điều nhất thiết, quảng cáo phải trung thực, tôn trọng người tiêu dùng. Quảng cáo càng cường điệu, không rõ ràng minh bạch, lạm dụng từ ngữ để đánh lừa người tiêu dùng thì người tiêu dùng càng dễ tránh xa. “Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ những thông tin của dư luận về sản phẩm nước giải khát của THP, về bảo vệ môi trường, về chất lượng sản xuất, về vấn đề quảng cáo của THP”, TS Hùng kiến nghị.

Nhìn lại vấn đề quảng cáo, chất lượng sản phẩm nước giải khát, từ đó chúng ta mới nhận ra tầm quan trọng của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đây là cơ sở pháp lý để ngăn ngừa những nhà kinh doanh bất chính, không trung thực xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng. Cần nhấn mạnh, luật này đã có nhiều điểm mới như cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện một số hành vi như: Lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về sản phẩm. Cũng theo quy định của luật, người tiêu dùng khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền lợi của mình.

Vấn đề người tiêu dùng mong mỏi là khi luật này được thực thi, cơ quan chức năng cần có hành động quyết liệt để Luật là công cụ pháp luật hữu hiệu bảo vệ người tiêu dùng. Đối với các sản phẩm nước giải khát do những doanh nghiệp trong nước sản xuất, điều chúng ta nhất thiết cần phải trân trọng là chủ trương “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhưng các doanh nghiệp không vì lạm dụng chủ trương này để mà không quan tâm nâng cao chất lượng. Một khi sản phẩm được đảm bảo, bằng con đường sản xuất kinh doanh chân chính thì người tiêu dùng mới hoàn toàn yên tâm sử dụng.

Nhìn lại trách nhiệm xã hội của nhà sản xuất

Nhìn lại vấn đề tác động xấu về môi trường đến một bộ phận dân cư lân cận nhà xưởng THP, theo Luật gia Nguyễn Mạnh Hùng (Hội Luật gia Việt Nam), đây là đều bức xúc về trách nhiệm xã hội, trách nhiệm bảo vệ môi trường của một doanh nghiệp vốn khá thành công trên thị trường nước giải khát trong nước hiện nay. Dư luận có quyền đặt dấu hỏi: Trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp từng đoạt giải thưởng sản phẩm “Thương hiệu quốc gia” là ở chỗ nào khi gây ô nhiễm môi trường cho cả một bộ phận khu dân cư, rồi nữa, là những mặt hàng nước giải khát chưa sử dụng đã biến chất, hư hỏng? Trách nhiệm của doanh nghiệp trước những khiếu nại, quyền lợi chính đáng của dân cư, của người tiêu dùng có bị phớt lờ hay không?

Cũng theo phân tích của vị luật gia này, bên cạnh việc xử phạt hành chính, thì doanh nghiệp vi phạm cũng phải chịu trách nhiệm về mặt dân sự. Bởi theo Điều 623 Bộ luật Dân sự 2005, cá nhân và các chủ thể khác làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. UBND cấp tỉnh nơi xảy ra thiệt hại phải có trách nhiệm điều tra, đánh giá thiệt hại và yêu cầu bồi thường. Thiết nghĩ, nếu có vi phạm, THP sẽ không thể chối bỏ trách nhiệm một khi nhà chức trách “tâm sáng” bắt tay vào cuộc.

…Như một quy luật tất yếu, xây dựng một doanh nghiệp lớn không phải là điều dễ dàng, giữ vững được lòng tin, sự tín nhiệm của người dân, người tiêu dùng càng là vấn đề khó hơn. Như thói thường, điều gì quá sức chịu đựng của người dân và người tiêu dùng sẽ trở thành tác hại. Liệu doanh nghiệp có nhận thức được vấn đề này? Còn các cơ quan chức năng thì nghĩ gì, làm gì để bảo vệ quyền lợi của người dân, người tiêu dùng hay là đứng về phía quyền lợi của doanh nghiệp?

Những câu hỏi bỏ ngỏ vẫn còn rất dài ở phía trước!

Theo Thế Vinh

Năng lượng mới