itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Doanh nghiệp không dễ gắn mác “tập đoàn”

Doanh nghiệp không dễ gắn mác “tập đoàn”

Doanh nghiệp phải có vốn lớn hơn 1.000 tỷ đồng mới được đặt tên có cụm từ Tập đoàn

Bộ KH&ĐT đang lấy ý kiến Dự thảo Quyết định của Thủ tướng về tiêu chí đặt tên tập đoàn, tổng công ty. Những quy định khá nghiêm ngặt theo dự thảo quyết định sẽ siết việc lạm dụng cụm từ “Tập đoàn” tràn lan như hiện nay.

Khoác áo “Tập đoàn” cho oai

Dự thảo mới đây của Bộ KH&ĐT về tiêu chí đặt tên tập đoàn, tổng công ty nêu rõ những tiêu chí này chính là cơ sở cho các công ty có quy mô lớn, hoạt động liên kết với nhiều công ty khác dưới hình thức công ty mẹ - công ty con, tạo thành tổ hợp các doanh nghiệp gắn bó chặt chẽ và lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường...

Theo Dự thảo, doanh nghiệp được sử dụng cụm từ "Tập đoàn" để cấu thành tên doanh nghiệp khi đáp ứng đủ 3 điều kiện: (1) Là công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần; (2) Có vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên và sở hữu trên 50% vốn điều lệ của ít nhất 5 công ty khác và cuối cùng phải được Thủ tướng chính phủ cho phép.

Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, đây là một quy định khá cần thiết trong thời buổi “bùng nổ” tên gọi tập đoàn hiện nay, hạn chế việc các doanh nghiệp nhỏ lạm dụng cụm từ này cho “oai hơn, hoành tráng hơn”. Một thống kê trên cả 3 sàn chứng khoán HoSE, HNX và Upcom cho thấy, hiện có gần 30 doanh nghiệp cụm từ “Tập đoàn” trong tên gọi đang niêm yết.

Tuy nhiên, nếu áp theo tiêu chuẩn tại Dự thảo này, chỉ cần xét về quy mô vốn trên 1.000 tỷ đồng thì cũng chỉ có 5 “Tập đoàn” đạt chuẩn gồm Tập đoàn Bảo Việt (BVH), Tập đoàn MSN (MSN), Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Tập đoàn Đại Dương (OGC) và Tập đoàn Hoa Sen (HSG).

Đáng nói hơn, thực tế có tới trên 60 doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn có vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng nhưng cũng không hề sử dụng cụm từ “Tập đoàn” trong tên gọi, tiêu biểu như CTCP Hoàng Anh Gia Lai, CTCP Đầu tư công nghiệp Tân Tạo, CTCP FPT, CTCP Kinh Đô...

Ngoài quy định về việc sử dụng cụm từ “Tập đoàn” trong tên, Dự thảo cũng quy định rõ doanh nghiệp được sử dụng cụm từ "Tổng công ty" để cấu thành tên doanh nghiệp khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: Là công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần; Có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên và có góp vốn ít nhất tại 3 công ty với tỷ lệ góp vốn chiếm trên 50% vốn điều lệ của các công ty đó.

2 cách đặt tên doanh nghiệp

Về cách thức đặt tên doanh nghiệp, dự thảo này cho phép đặt tên theo cấu trúc: Loại hình doanh nghiệp + tổng công ty/tập đoàn + tên riêng của doanh (ví dụ: Công ty TNHH nhà nước MTV Môi trường Đô thị Hà Nội hay CTCP đầu tư, xây dựng Sông Đà).

Tuy nhiên, Dự thảo này còn cho phép đặt theo cấu trúc ngược với thực tế hiện nay là “Tổng công ty/tập đoàn + tên riêng của doanh nghiệp + loại hình. Trên thực tế, các doanh nghiệp đều đang đặt tên doanh nghiệp bằng tiếng Việt theo cách xuôi, tên tiếng Anh đi kèm và tên viết tắt thì được doanh nghiệp đặt theo ngữ pháp tiếng Anh.

Về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng đặt tên doanh nghiệp theo cách nào cũng được nhưng nếu áp dụng, nên chăng cần áp dụng áp dụng thống nhất cho toàn bộ doanh nghiệp chứ không chỉ nên áp với tập đoàn, tổng công ty còn doanh nghiệp khác thì không.

Thanh Bình/GTVT