itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Doanh nghiệp sợ lỗ, nông dân lo gạo ế

Doanh nghiệp sợ lỗ, nông dân lo gạo ế

Nông dân đang thu hoạch lúa hè thu. Ảnh: Lê Quang Nhật

Nhiều doanh nghiệp đang lo giá lúa trong nước tăng trong khi họ đã lỡ ký hợp đồng xuất khẩu với giá thấp. Đây phải chăng chính là lý do khiến cuối tuần qua, hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đưa ra thông tin: Trung Quốc mua tới 600 ngàn tấn gạo hè thu của Việt Nam có thể gây bất ổn nguồn cung lương thực?

Ông Nguyễn Văn Dũng, nông dân huyện Vị Thuỷ (Hậu Giang) than phiền, vụ lúa này khốn đốn. Giá lúa mới tăng chút đỉnh, chưa đủ lời 30% như Chính phủ nói, hiệp hội đã lo sốt giá. Nhiều nông dân cho rằng, dự báo lo thiếu gạo do VFA đưa ra ngay trong thời điểm nông dân vừa trải qua tình cảnh phải bán lúa rẻ, thậm chí không bán được… là một kiểu hành xử kỳ quặc.

Không phải chuyện mới

Xuất khẩu gạo tiểu ngạch sang Trung Quốc, ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia thương mại nhìn nhận là bình thường, vì hàng năm một số tỉnh của Trung Quốc giáp ranh Việt Nam vẫn thường bị thiếu gạo do ảnh hưởng thời tiết. Và, thay vì điều động lương thực từ các vùng khác tốn nhiều thời gian, chi phí thì họ chọn mua gạo Việt Nam vừa gần, vừa rẻ.

Thông tin Trung Quốc mua gạo được giới doanh nghiệp nói đến từ cuối tháng 6, đầu tháng 7, lúc lúa hè thu vào vụ thu hoạch rộ. Nhiều doanh nghiệp cho biết, có khá nhiều tàu từ các tỉnh phía Bắc vào cảng ở Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang mua gạo xuất sang Trung Quốc, hầu hết bán tiểu ngạch.

Ông Phạm Văn Bảy, phó chủ tịch VFA cũng nói rằng, ông có biết Trung Quốc vào mua gạo, nhưng không lường trước được họ mua nhiều đến như vậy.

Con số 600 ngàn tấn là do VFA đưa ra. Chưa có con số nào thống kê chính xác có bao nhiêu gạo đã bán cho Trung Quốc, cũng như khả năng gây tác động đến an ninh lương thực. Dù vậy, chủ tịch VFA, ông Trương Thanh Phong, trong cuộc họp cuối tuần qua liên tục nhắc đến mối lo ngại nếu Trung Quốc tăng sản lượng mua lên một triệu tấn gạo. Lo ngại thế, nhưng ông lại kết luận không khống chế sản lượng mà để doanh nghiệp tự do xuất khẩu!

Vì sao gióng trống?

Ngày 9.7, trong cuộc họp triển khai thu mua lúa hè thu, VFA vẫn cho rằng thị trường xuất khẩu gặp khó khăn. Các tỉnh đề nghị không mua giá lúa dưới 4.000 đồng/kg, nhưng doanh nghiệp chỉ đồng ý ở mức 3.500 đồng.

Trong khi đó, thống kê sản lượng gạo ký hợp đồng từ tháng 4 đến tháng 7 năm nay, không thấy có dấu hiệu khó khăn như VFA từng công bố. Doanh nghiệp vẫn bán gạo bình thường, thậm chí sản lượng tăng so với quý 1. Cụ thể, trong vòng bốn tháng này, doanh nghiệp bán tới gần 2,8 triệu tấn gạo. Ông Phạm Văn Bảy giải thích: do thời điểm này thị trường đầu ra khó khăn, áp lực tiêu thụ lúa hè thu lớn nên VFA bỏ quy định giá sàn, để doanh nghiệp tự do xuất khẩu.

Do không bị khống chế giá sàn và cho rằng, khi vào vụ thu hoạch rộ, giá lúa hè thu sẽ thấp nên doanh nghiệp bán gạo với mức giá thấp, dưới 300 USD/tấn gạo 25% tấm và 340 – 350 USD/tấn loại 5% tấm. “Ai cũng nghĩ tháng 8 vào vụ thụ hoạch rộ, giá lúa sẽ rẻ nên ký hợp đồng giao hàng tập trung vào thời điểm này”, ông Lê Minh Trượng, giám đốc công ty Sông Hậu thừa nhận trong cuộc họp cuối tuần qua.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc vào mua gạo, đã tạo ra cú hích về giá, diễn biến thị trường đã thay đổi ngoài ý muốn doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo ông Phạm Văn Bảy, mặc dù không đưa ra con số có bao nhiêu doanh nghiệp thua lỗ, nhưng khẳng định có nhiều hợp đồng bán gạo trước đây, nếu so với giá thành đầu vào hiện nay đã bị lỗ ít nhất 30 USD/tấn loại 25% tấm và 25 USD/tấn loại 5% tấm.

Chưa thể nói ảnh hưởng an ninh lương thực

Thực tế, đến ngày 5.8, trong số hơn 1,6 triệu ha lúa hè thu, nông dân mới thu hoạch trên 50%, còn lại những tỉnh được xem là vựa lúa như Long An, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng mới bước vào thu hoạch rộ. Lượng gạo hàng hoá còn tới trên 1 triệu tấn. Chưa kể, từ nay đến cuối năm, theo dự kiến sẽ có thêm 800 ngàn tấn gạo vụ thu đông, vụ mùa và dự kiến khoảng 1 triệu tấn lúa từ Campuchia đưa qua cung ứng thêm cho thị trường (theo cục Trồng trọt). Do đó, việc lo ngại thiếu hụt nguồn cung, chưa có bình luận nào từ các cơ quan quản lý.

Chi cục trưởng chi cục Bảo vệ thực vật An Giang, ông Nguyễn Hữu An, cho rằng, doanh nghiệp lo thiếu bởi lượng gạo dự trữ quá nhỏ so với khả năng xuất bán của họ. Nghịch lý ở chỗ doanh nghiệp đang lo thiếu thì nông dân đang phải ôm một khối lượng lúa khá lớn.

Minh Khoa – Ngọc Tùng/ SGTT

 

Cần làm rõ con số 600 ngàn tấn

Phải kiểm tra tính chính xác của con số 600 ngàn tấn gạo đã được Trung Quốc thu mua mà VFA đưa ra. Bản thân tôi không tin là trong một thời gian ngắn (một tháng?) mà họ có thể mua được số lượng lớn như vậy? Chí ít, thị trường sẽ náo động, hệ thống vận tải (đường thuỷ, bộ) cũng sẽ vậy, thì làm sao mà các cơ quan quản lý không để ý, không thấy bất thường? Nhất là khi, chỉ vừa mới đây thôi, nông dân còn kêu trời vì giá gạo rớt thấp. Phải kiểm tra vì nếu không đúng, sẽ gây ra những quan ngại không đáng có.

TS Trần Tiến Khai, đại học Kinh tế TP.HCM