itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Fitch nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam lên “BB-”, triển vọng “ổn định”

Fitch nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam lên “BB-”, triển vọng “ổn định”

Fitch Ratings đã nâng xếp hạng nhà phát hành (IDR) nội và ngoại tệ dài hạn của Việt Nam từ “B+” lên “BB-” nhưng lại hạ triển vọng từ “tích cực” xuống “ổn định”. Đồng thời, Fitch cũng nâng xếp hạng trái phiếu nội và ngoại tệ không đảm bảo có độ ưu tiên cao từ “B+” lên “BB-”. Tương tự, trần xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam được nâng từ “B+” lên “BB-” trong khi xếp hạng IDR ngoại tệ ngắn hạn được giữ nguyên ở mức “B”.

Fitch cho biết động thái nâng xếp hạng tín nhiệm cho thấy nền kinh tế vĩ mô Việt Nam ngày càng ổn định và cán cân đối ngoại cũng khả quan hơn. Trong khi đó, triển vọng ổn định cho thấy Fitch đánh giá rủi ro nâng/hạ bậc tín nhiệm của Việt Nam đã được cân bằng.

Liên quan đến nhận định về nền kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định của Việt Nam, Fitch cho biết Ngân hàng Nhà nước đã thắt chặt tiền tệ, khiến tăng trưởng tín dụng suy yếu về mức ước tính cho năm 2014 là 12% từ thực tế 32% năm 2010.

Tăng trưởng GDP thực vẫn còn tương đối khả quan tại khi duy trì tại mức bình quân 3 năm là 5.6% và lạm phát đã giảm về mức 3.2% trong tháng 10/2014, chỉ bằng một nửa so mức bình quân 6.6% trong năm 2013. Tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư cao so với các quốc gia có xếp hạng tín nhiệm tương tự đã hỗ trợ triển vọng tăng trưởng.

Còn về nhận định cán cân đối ngoại khả quan hơn, Fitch cho biết sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô đã đem lại sự chuyển biến mạnh mẽ cho cán cân tài khoản vãng lai, từ mức thâm hụt 3.7% trong năm 2010 lên mức dự báo thặng dư 4.1% cho năm 2014. Hiện cán cân tài khoản vãng lai sắp đạt được năm thặng dư thứ tư liên tiếp nhờ tăng trưởng xuất khẩu và kiều hối khả quan.

Bên cạnh đó, dòng vốn FDI đều đặn hàng năm ở mức bình quân 4.5% GDP trong giai đoạn 2011-2013 đã đem lại tình trạng thặng dư cho cán cân thanh toán và sự gia tăng nhẹ cho kho dự trữ ngoại hối. Tỷ lệ nợ nước ngoài bằng 14% GDP là gần khớp với dự báo bình quân 16%.

Cuối tháng 7 vừa qua, Moody's Investors Service cũng nâng một bậc xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu không đảm bảo có độ ưu tiên cao và xếp hạng nhà phát hành của Việt Nam từ “B2” lên “B1” với triển vọng “ổn định”, đánh dấu lần nâng xếp hạng tín nhiệm đầu tiên kể từ năm 2005 của tổ chức này đối với Việt Nam.

Trước đó vào cuối tháng 6/2014, Standard & Poor’s (S&P) lần lượt giữ nguyên xếp hạng trái phiếu ngắn và dài hạn của Việt Nam ở mức “B” và “BB-”. Đánh giá dài hạn “axBB+” và ngắn hạn “axB” của Việt Nam trong khu vực ASEAN cũng không thay đổi.

Phước Phạm (Theo Fitch, Reuters)