itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Gạo: ăn đắt, bán rẻ!

Gạo: ăn đắt, bán rẻ!

Gạo Đồng Tháp xuất khẩu qua

Philippines tại cảng Sài Gòn.

TT - Trong khi người dân VN phải ăn gạo với giá cao thì các doanh nghiệp lại phải "cắn răng" xuất khẩu gạo với giá rẻ hơn nhiều. Vì sao?

Giá gạo và lúa đã tăng lên mức cao chưa từng có. Điều trớ trêu là trong khi người dân VN phải ăn gạo với giá cao, các doanh nghiệp (DN) lại phải chấp nhận lỗ để xuất khẩu gạo với giá rẻ!

Hơn một tuần nay, anh S. - đại lý kinh doanh gạo ở Bến Tre - lùng sục để tìm mua gạo, nhưng đành về tay không. "Giá gạo tăng từng ngày, không có để mua" - anh S. nói.

"Cháy" ở… vựa lúa

Đầu tháng mười, anh S. nhận được đơn đặt hàng từ một doanh nghiệp ở phía Bắc. Anh khấp khởi mừng thầm khi nhận một khoản tiền trả trước của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, ngay sau đó anh S. đã "ốm cả người" khi giá lúa, gạo tăng chóng mặt. Chỉ trong vòng chưa tới mười ngày, giá gạo lức - gạo mới chà bỏ lớp trấu - đã tăng hơn 10%, từ 4.000 đồng/kg lên hơn 4.400 đồng/kg, mức giá chưa từng có.

Theo ông H. - đại lý kinh doanh gạo (Tiền Giang), ngoài các doanh nghiệp thiếu hàng giao cho các hợp đồng xuất khẩu (XK) gạo tập trung đã ký trước đó, hút hàng là các đầu mối từ miền Trung và phía Bắc. Thông thường loại gạo XK có chất lượng thấp hơn gạo tiêu thụ nội địa, nhưng hiện nay các DN kinh doanh gạo nội địa cũng chấp nhận lấy gạo "xa cạ” như hàng XK.

Giá gạo leo thang cũng đã đẩy giá lúa tăng mạnh. Tại Tiền Giang, giá lúa hè thu lên tới 3.200-3.250 đồng/kg, trong khi trước đó chỉ có 2.900-2.950 đồng/kg. Tại An Giang, lúa hè thu lên tới 3.350-3.400 đồng/kg. Giám đốc một doanh nghiệp XK gạo tại An Giang cho biết lúa đông xuân vụ trước để lại được bán với giá chưa từng có, đến 3.700 đồng/kg.

Dân vựa lúa phải ăn gạo giá cao

Trong khi một số DN và đầu mối kinh doanh gạo "dở khóc, dở mếu" khi phải mua gạo giá cao, cơn "sốt giá” gạo hiện nay cũng làm phát sinh một câu chuyện thật "oái ăm". Đó là người dân VN phải ăn gạo với giá cao hơn nhiều so với giá gạo bán cho nước ngoài có cùng chất lượng. "Ngay cả người dân tại vựa lúa ĐBSCL cũng phải ăn gạo với giá đắt hơn gạo XK cùng chủng loại chứ nói gì đến những khu vực khác như miền Trung hay miền Bắc…" - một đại lý kinh doanh gạo nói.

Theo một số DN ngành gạo, ngoài sự tác động của thị trường gạo thế giới, tình trạng mất mùa tại các tỉnh phía Bắc và đặc biệt là lũ lụt nghiêm trọng tại khu vực miền Trung cũng góp phần tăng cấp cho cơn bão giá gạo.

Theo tính toán của các đại lý kinh doanh gạo, với giá gạo XK đã ký hợp đồng trước đó vào khoảng 296 USD/tấn đối với loại gạo 15% tấm, nếu trừ cả chi phí bao bì và vận chuyển, các DN đã bán gạo ra thị trường nước ngoài với giá chỉ hơn 4.630 đồng/kg.

Trong khi đó, tại khu vực ĐBSCL, loại gạo này đang được các đại lý bán sỉ với giá 4.900 đồng/kg. Chủ một đại lý kinh doanh gạo cho biết người tiêu dùng trong nước thường sử dụng loại gạo tốt hơn gạo XK do vậy có giá cao hơn. Nếu họ mua loại gạo để ăn, giá lên tới 5.100-5.200 đồng/kg. "Ngay khi mua gạo tận gốc, người dân trong nước cũng đã phải mua lẻ với giá lên tới 4.900 đồng/kg, cao hơn giá gạo XK gần 300 đồng/kg..." - một đại lý nói.

Giảm giá lúa, gạo: chờ vụ ba 

Theo dự báo của các DN, thị trường gạo sẽ tiếp tục căng thẳng cho đến đầu tháng tới, khi lúa vụ ba tại ĐBSCL bắt đầu được thu hoạch rộ. Giám đốc một DN kinh doanh gạo nội địa cho biết đây là thời điểm giáp hạt (kết thúc vụ hè thu và sắp vào vụ ba), sản lượng lúa trong dân không còn nhiều. Tuy nhiên chưa năm nào xảy ra hiện tượng khan hiếm và sốt giá như hiện nay.

Tưởng giá tốt, ai ngờ…

Giá gạo trên thị trường thế giới tăng mạnh, đặc biệt sau khi Ấn Độ ngừng XK gạo, nhiều nhà nhập khẩu quay trở lại mua gạo VN. Đây là một trong những nguyên nhân tác động đến giá gạo trong nước.

Cơn "sốt" giá gạo tại thị trường nội địa thời gian gần đây lại đẩy rất nhiều DN đối mặt với thua lỗ. Theo các DN kinh doanh gạo, giá thành gạo XK thấp nhất cũng lên tới 305 USD/tấn (gạo 25% tấm) và 326 USD/tấn (gạo 5% tấm). Mức này đã vượt khá xa so với giá đã ký trước đó. "Nếu đơn vị nào không có đủ hàng dự trữ trong kho, chắc chắn sẽ bị lỗ nặng khi gom hàng vào thời điểm này để giao theo hợp đồng đã ký trước đó…" - giám đốc một DN kinh doanh gạo XK thừa nhận.

Thông tin từ Hiệp hội Lương thực VN (VFA) cho biết trong năm nay VN chỉ ký hợp đồng XK 4,5 triệu tấn gạo. Hiện DN đã xuất khoảng 4,2 triệu tấn. "Hầu hết DN đều dự báo giá gạo sẽ tăng cao nhưng không ai ngờ giá lại tăng đến như thế. So với giá hiện nay thì các hợp đồng giá tốt đã ký trước kia đều coi như… thất bại" - giám đốc một DN thừa nhận.

ĐÌNH PHÚC