itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Giải pháp duy trì tăng trưởng xuất khẩu

Giải pháp duy trì tăng trưởng xuất khẩu

Bản báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 1 tháng 4 năm 2008 cho biết, năm 2008 sẽ là một năm thách thức đối với nền kinh tế các nước Đông Á. Theo đó, tăng trưởng kinh tế chậm lại, xuất khẩu giảm sút và chi phí tiêu dùng tăng, đồng thời giá thực phẩm tăng mạnh, đẩy tỷ lệ lạm phát lên cao. Tăng trưởng ở những nước Đông Á có thể chỉ còn ở mức 8,1% trong năm nay. Đây là mức tăng chậm nhất đối với khu vực Đông Á đang phát triển kể từ năm 2002.

Theo Bộ Công thương Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2008 ước đạt khoảng 13 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2007, song nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu tháng 3 năm 2008 lại giảm mạnh cả về tổng kim ngạch và mặt hàng. Một số mặt hàng không đạt mức độ tăng trưởng đề ra như thủy sản chỉ tăng 10%, điện tử và linh kiện máy tính tăng 13,4%, thủ công mỹ nghệ tăng 12,2%, đồ gỗ tăng 20%... trong khi dự kiến những mặt hàng này phải có tốc độ tăng trưởng tối thiểu từ 20% trở lên.

Tổng kim ngạch và mặt hàng xuất khẩu giảm mạnh tập trung ở ba nguyên nhân chính:

Thứ nhất: giá nguyên liệu đầu vào, lương công nhân, phí vận chuyển… đều tăng mạnh do giá các nguyên liệu chủ chốt (điện, than, xăng, dầu…) đều tăng.

Thứ hai: biến động của tỷ giá ngoại tệ và việc thu mua đồng USD của các ngân hàng rất hạn chế. Giảm thu từ xuất khẩu sau khi tỷ giá USD/VND sụt giảm không còn là hiện tượng, mà đã ảnh hưởng tới tất cả các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu.

Thứ ba: việc đồng loạt tăng lãi suất huy động vốn và cho vay của các ngân hàng do sự khan hiếm của tiền đồng.

Các ngân hàng cổ phần đang gặp nhiều khó khăn trước tình hình tài chính hiện nay. Với lãi suất đầu vào và đầu ra đều cao, các ngân hàng buộc phải tính toán thật kỹ để có khách hàng cho vay và trả nợ.

Với những khó khăn trên, chính phủ đang kêu gọi sự quan tâm của tất cả các ngành để cùng đưa ra giải pháp hữu hiệu nhất cho tình hình xuất khẩu hiện nay.

Đối với các doanh nghiệp: các hiệp hội yêu cầu doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, đa dạng hóa quan hệ với các ngân hàng thương mại, đa dạng thị trường để đa dạng hóa đồng ngoại tệ, chấp nhận các đồng euro, yên, mác, đôla Singapore… để giảm bớt áp lực và rủi ro khi sử dụng duy nhất một loạt ngoại tệ USD.

Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu xuất khẩu hàng nông sản và gia công nên cần thực hiện tín dụng bảo lãnh xuất khẩu. Cần thường xuyên cập nhật thông tin để nắm bắt và dự đoán những biến động về tiền tệ, thị trường để chủ động đối phó với rủi ro.

Về phía ngân hàng: Cần đảm bảo cung ứng nguồn vốn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất khẩu với lãi suất theo hướng có lợi cho xuất khẩu. Ưu tiên mua ngoại tệ của các doanh nghiệp xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng đang tiếp tục triển khai đàm phán các hiệp định FTA với các nước, các khu vực có lợi thế xuất khẩu để mở rộng thị trường, giảm thuế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu; cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài để phân phối một số mặt hàng, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu; mở rộng danh mục mặt hàng hưởng chính sách tín dụng xuất khẩu của nhà nước cũng như xây dựng các chính sách khuyến khích xuất khẩu phù hợp với quy định của WTO như bảo hiểm xuất khẩu, sử dụng cam kết về 10% giá trị hàng nông sản hỗ trợ cho sản xuất hàng nông sản, nông nghiệp…

Mới qua 3 tháng nhưng mức độ nhập siêu đã cao hơn mức nhập siêu cả năm trong các năm 2006 trở về trước và bằng trên ½ mức nhập siêu trong cả năm 2007. Nhập siêu quý I/2008 cao gấp 3,8 lần mức 1,933 triệu USD của quý I/2007. Tỷ lệ nhập siêu tăng mạnh tới 56,5%, cao nhất từ trước đến nay, gấp 3 lần tỷ lệ của cùng kỳ năm trước.

Đứng trước tình hình khó khăn chung của thế giới, khu vực, Chính phủ cũng như Doanh nghiệp Việt Nam đang cố gắng đưa nền kinh tế nước nhà đi qua được đoạn đường gian khó. Đây cũng chính là thời điểm để Doanh nghiệp Việt Nam khẳng định mình sau một năm cánh cửa WTO rộng mở.

T. Nga