itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Kinh tế khó “bật” trước quý 4 năm nay

Kinh tế khó “bật” trước quý 4 năm nay

Nền kinh tế vẫn chưa suy giảm đến đáy, nhưng khó có thể “bật lên” trước quý 4 năm nay hoặc đầu năm tới. Kinh tế vẫn tăng trưởng, nhưng đã giảm tốc độ so với trước. Quý II năm 2008 có tốc độ tăng trưởng kém hơn Quý I và cùng kỳ năm trước, khiến GDP của 6 tháng đầu năm nay giảm xuống còn 6,5%.

Đây là điểm trái ngược với những năm nền kinh tế đang trong giai đoạn tăng trưởng trước đây, khi GDP thường tăng dần từ quý 1 đến quý 3 và tăng mạnh trong quý 4.

Tăng trưởng GDP 6,5% trong 6 tháng đầu năm: Khả quan trong tình hình kinh tế có nhiều khó khăn. Nhưng con số này tăng trưởng một phần là do tác động từ giá cả tăng cao, mặt khác là do những kế thừa từ kết quả tăng trưởng cao trong năm 2007.

Sản xuất công nghiệp trong tháng 7 vừa qua chỉ còn tăng 16,1% so với cùng kỳ, trong khi con số tương ứng của tháng 7/2007 so với 7/2006 là 18,7%.

Năm ngoái, thị trường vốn tăng trưởng mạnh, tín dụng thừa thãi và các doanh nghiệp đã đầu tư rất nhiều vào sản xuất để duy trì lượng hàng hóa cung ứng lớn. Nguồn hàng này vẫn tiếp tục được tiêu thụ trong nửa đầu năm nay.

Con số 6,5% tăng trưởng GDP, hay con số tăng trưởng 16,1% giá trị sản xuất công nghiệp là kết quả có tính kế thừa của năm 2007, chứ không phải là kết quả có được từ những thuận lợi của kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, nếu nhìn trên con số tăng trưởng của doanh thu bán lẻ thì có vẻ vấn đề tiêu thụ không nghiêm trọng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 7 tháng qua đã tăng 29,8% so với cùng kỳ trong khi con số tương ứng của năm ngoái chỉ là 23,1%. Tuy nhiên, sự tăng trưởng tiêu dùng chủ yếu có nguồn gốc từ yếu tố giá cả của năm nay.

Trong cơ cấu tiêu dùng, các nhóm hàng lương thực, thực phẩm và xăng dầu đều tăng giá mạnh trong khi lượng tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu này không thay đổi trước các biến động của nền kinh tế. Điều này góp phần làm cho doanh thu bán lẻ tăng cao. Còn lại là hàng công nghiệp thì tăng không cao, chỉ khoảng 10%. Tức là mức tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ năm ngoái rất nhiều.

Điểm đặc biệt của tiêu dùng hàng công nghiệp trong năm nay là có sự tăng mạnh của hàng hóa tiêu dùng lâu bền, đặc biệt là máy bay, ôtô, bất động sản… Nguyên nhân là một phần thu nhập từ năm ngoái vẫn còn được tiêu dùng trong những tháng đầu năm nay.

Như vậy là sản xuất vẫn kế thừa những thuận lợi của năm ngoái, chưa phải chịu những khó khăn từ thắt chặt tiền tệ và tài khóa.

Mặt khác, tiêu dùng cũng được hậu thuẫn bởi những hệ quả từ năm trước, đặc biệt là thu nhập cao trong một bộ phận dân chúng.

Nông nghiệp là điểm sáng trong bức tranh kinh tế những tháng đầu năm. Mặc dù tình hình sâu bệnh, biến động thời tiết có nhiều bất lợi nhưng sản lượng lương thực và thực phẩm vẫn tăng cao. GDP ngành nông - lâm - thủy sản tăng 3,04% trong 6 tháng đầu năm, so với con số 2,67% của cùng kỳ năm 2007.

Thêm vào đó, sự nâng đỡ của yếu tố giá khiến giá trị sản xuất ngành này còn được tăng thêm. Hiệu quả sản xuất ngành nông nghiệp tăng cao đã tạo động lực cho ngành này phát triển. Tại khu vực phía Nam, nhiều diện tích trước đây trồng các loại cây công nghiệp lâu năm nay được nông dân chuyển mạnh sang trồng lúa.

Ngoài ra, ấn tượng ngành nông nghiệp đạt được còn có ý thêm nghĩa là vì nó ảnh hưởng đến số đông người dân, đặc biệt là nông dân nghèo, vùng sản xuất thuần nông, vùng sâu, vùng xa…

45,3 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký từ đầu năm đến nay. Chúng ta không nên lạc quan về con số này, mà còn thấy đáng lo ngại cho chất lượng các dự án đầu tư nước ngoài thời gian gần đây. Bởi vì những quyết định đầu tư dễ dãi sẽ rất đáng phải xem xét.

Căn cứ vào số vốn đăng ký trong 7 tháng qua, có khoảng 83% số vốn đầu tư thuộc diện tìm kiếm tài nguyên và xuất khẩu khí thải ở các ngành công nghiệp nặng như thép, hóa dầu… Đây là những lĩnh vực được cho là phát thải ô nhiễm gây hiệu ứng nhà kính.

Ngoài ra, trong số đó còn có nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, các dự án có nhu cầu quá lớn về năng lượng, những dự án không tạo ra nguồn thu ngoại tệ…Điều này trái ngược với hướng đầu tư trong giai đoạn trước là tập trung vào sản xuất và hướng tới xuất khẩu.

Kết quả xuất khẩu hiện nay cho thấy rõ ràng hiệu quả đầu tư nước ngoài trong giai đoạn trước, chiếm đến một nửa kim ngạch xuất khẩu gần đây của nước ta. Nếu nguồn vốn này đầu tư vào sản xuất thì có thể cho rằng đó là dấu hiệu tốt của cải thiện môi trường kinh doanh. Nhưng với tình hình hiện nay, chỉ có thể giải thích rằng các nhà đầu đầu tư nước ngoài đang tận dụng những ưu đãi mà chúng ta trao cho họ.

Những bất hợp lý, sai lệch cơ cấu đầu tư hiện nay chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế trong tương lai, đặc biệt là môi trường và nền sản xuất hàng hóa.

Trái lại với con số vốn đăng ký, giải ngân FDI chưa thực sự ấn tượng. Số vốn chưa giải ngân từ năm 1988 đến 2006 khoảng 40 tỷ USD. Nếu tính thêm trên 66 tỷ USD vốn đăng ký trong 2 năm gần đây, nhưng giải ngân đến nay mới được 14 tỷ USD thì số vốn FDI chưa giải ngân lên đến trên 90 tỷ USD.

Đầu tư khu vực Nhà nước không suy giảm tuy có sự điều chỉnh hợp lý hơn, tập trung vốn cho các dự án hiệu quả cao nhưng giải ngân chậm hơn so với năm ngoái. Trong 6 tháng đầu năm, đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân tăng 18,8% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, đây cũng là hệ quả của việc đầu tư mạnh tay từ năm 2007. Một số doanh nghiệp họ phải huy động nhiều nguồn khác nhau, kể cả bán tài sản cá nhân để tiếp tục đầu tư.

Nếu ngừng dự án, doanh nghiệp sẽ thiệt hại rất lớn từ việc đọng vốn vay ngân hàng và phải trả lãi suất cao. Hơn nữa, giãn tiến độ đồng nghĩa với việc phải điều chỉnh giá trị đầu tư vì nhiều loại nguyên vật liệu đang tăng giá mạnh.

Việc gia tăng dòng vốn đầu tư của khu vực tư nhân có thể coi là một động lực cho sản xuất trong nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chưa lường trước được những khó khăn còn đang ở trước mặt. Những khoản đầu tư trong giai đoạn này là động lực cho doanh nghiệp phát triển, nhưng có thể là gánh nặng nếu tình hình kinh tế không sớm khởi sắc.

Rủi ro đối với các doanh nghiệp

Hoạt động của các doanh nghiệp đến nay chưa phản ánh thực chất những tồn tại trong nền kinh tế những tháng vừa qua.

Những thuận lợi về tiếp cận vốn kinh doanh sẽ thay đổi trong những tháng cuối năm, khi mà những hợp đồng vay vốn lãi suất thấp đáo hạn. Mặt bằng lãi suất mới đã tăng cao lại cộng thêm những khó khăn trong bố trí vốn vay từ phía ngân hàng…

Hơn nữa, lạm phát cũng làm gia tăng sức ép tăng lương từ phía người lao động. Trong khi đó, giá cả nguyên liệu đầu vào lại tăng cao, đặc biệt là xăng dầu. Sự việc tăng giá nguyên liệu quan trọng này gần đây rất đáng lo ngại vì có có tác động dây chuyền và ảnh hưởng của nó còn kéo dài trong vài tháng tới.

Như vậy là các yếu tố sản xuất của doanh nghiệp đều gặp khó khăn, trong khi đó, tiêu thụ sản phẩm lại không dễ hơn. Trong điều kiện lạm phát, thu nhập người dân sẽ giảm tương đối và vì vậy ảnh hưởng đến chi tiêu. Việc bán hàng của doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn hơn. Lúc này, đáy của sự suy giảm kinh tế sẽ xuất hiện, và tôi cho rằng thời điểm đó sẽ rơi vào quý 4 năm nay hoặc đầu năm sau.

Tất cả những nguyên nhân này đều khiến các doanh nghiệp phải tính toán lại hiệu quả sản xuất và nhiều khả năng phải giảm sản lượng.

Rủi ro đối với kinh tế vĩ mô

Đương nhiên vẫn có những rủi ro khác đối với nền kinh tế, nhưng chúng ta nên quan tâm tới những tồn tại hiện nay có được khắc phục để chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng trở lại sắp tới.

Những tồn tại chúng ta đã nói nhiều vừa qua như đầu tư dàn trải, sự phát triển quá nóng của hệ thống ngân hàng… Những giải pháp đưa ra vừa rồi mới chỉ giải quyết vấn đề trước mắt. Còn phải quan tâm hơn nữa đến những sai lệch trong cơ cấu cần được giải quyết ngay để giảm thời gian trì trệ, tận dụng cơ hội nhanh chóng bứt phá đi lên trong giai đoạn tới.

Trương Định