itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Một số giải pháp đẩy mạnh du lịch và kinh tế vùng biển

Một số giải pháp đẩy mạnh du lịch và kinh tế vùng biển

Biển Việt Nam giữ vai trò quan trọng về môi trường sinh thái của khu vực, tạo điền nền kinh tế đất nước tu kiện phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bờ biển dọc theo chiều dài của đất nước là lợi thế để quảng bá du lịch biển mà không phải nước nào cũng có.

Các nhà sinh vật học phát hiện tại vùng biển Việt Nam có tới 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình thuộc 6 vùng đa dạng sinh học biển khác nhau... Chưa kể thiên nhiên ưu đãi cho chúng ta có những vịnh nằm trong những vịnh đẹp nhất thế giới như: Vịnh Hạ Long, Vịnh Nha Trang; những vịnh có vẻ đẹp hoang sơ đang được khám phá như Vĩnh Hy (Ninh Thuận), Vịnh Vân Phong; có những bãi biển tuyệt đẹp ở khắp chiều dài đất nước: Nha Trang, Mỹ Khê (Đà Nẵng), Phú Quốc, Trà Cổ (Quảng Ninh), Thiên Cầm, Nhật Lệ, Cửa Tùng, Lăng Cô, Đại Lãnh (Vịnh Vân Phong), Mũi Né, Vũng Tàu... Tất cả tạo cho chúng ta một lợi thế về du lịch biển mà không phải nước nào cũng có. Cái mà chúng ta phải làm là quảng bá biển Việt Nam.

Những mặc hạn chế của du lịch biển ở nước ta

Theo phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, trong một thời gian dài, tỷ trọng khách du lịch, thu nhập từ du lịch biển so với du lịch cả nước không có sự thay đổi đáng kể, mặc dù vùng ven biển là lãnh thổ có nhiều thuận lợi hơn những vùng lãnh thổ khác về tài nguyên du lịch… Du lịch biển Việt Nam vẫn chưa tạo được sự hấp dẫn đặc biệt đối với khách du lịch. Thời gian neo đậu của tàu du lịch ở các cảng chỉ từ 8 đến 24 giờ, do đó, khách không có nhiều cơ hội tham quan, giải trí mua sắm.

Nguyên nhân được các chuyên gia đưa ra là hiện nay ở Việt Nam hầu hết các cảng biển là cảng hàng hóa, chưa có cảng chuyên biệt cho tàu du lịch. Nhiều cảng có trọng tải lớn không thể cập bờ và phải di chuyển khách bằng canô hoặc tàu du lịch mất nhiều thời gian, giảm hứng thú cho du khách. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền và quảng bá về du lịch biển VN lâu nay chưa được quan tâm đúng mức. Du lịch Việt Nam chưa tham gia các hội nghị, hội chợ chuyên về du lịch biển và du lịch tàu biển trên thế giới.

Một số giải pháp tham khảo

Về nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ phục vụ du khách nghỉ dưỡng biển, yếu tố quan trọng nhất trong việc thu hút khách du lịch biển là tạo sự khác biệt. Vấn đề ở đây là phải tạo hình ảnh biển VN có gì khác biệt so với biển nước khác. Nếu chỉ đơn thuần nhấn mạnh về tiện nghi của một khu resort nghỉ dưỡng 5 sao thì người ta có thể tìm thấy ở Hawaii, Bali hay Phuket…

Do đó bên cạnh dịch vụ cao cấp, cần đem đến cho du khách thú thưởng ngoạn những nét văn hóa truyền thống, các chương trình tham quan tìm hiểu cuộc sống thường ngày của người dân địa phương, các nét độc đáo về ẩm thực, di tích lịch sử, những lời ca, điệu múa… tại nơi đang nghỉ dưỡng

Để ngành du lịch Việt Nam phát triển bền vững, Tổng cục Du lịch đã trình Chính phủ Đề án phát triển du lịch biển, đảo mục tiêu năm 2010 và tầm nhìn 2020. Theo đó, đến năm 2020, kinh tế biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55% GDP cả nước, trong đó du lịch biển là khâu đột phá thứ 4 sẽ có mức đóng góp khoảng 14-15% GDP của nền kinh tế biển quốc gia.

Giải pháp đẩy mạnh kinh tế biển

Kinh tế biển đóng góp 12% GDP và khoảng 50% giá trị xuất khẩu của cả nước. Riêng sản lượng hải sản ven bờ biển khai thác đã chiếm tới 80% tổng sản lượng. Trữ lượng cá toàn vùng biển Việt Nam ước tính khoảng 4,2 triệu tấn, trong đó khoảng 1,7 triệu tấn ở ngoài khơi với ngưỡng khai thác bền vững từ 1,4-1,7 triệu tấn.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển bằng cách tận dụng nguồn lực và công nghệ hiện đại về khai thác biển từ nước ngoài cũng là ý kiến mà các đại biểu đưa ra tại buổi hội thảo.

Nhiều chuyên gia cho rằng điều quan trọng nhất là cả Nhà nước và người dân buộc phải thay đổi cách tư duy về quản lý và khai thác tài nguyên biển. Tư duy này không có nghĩa là ở bên cạnh biển mà phải đối mặt với biển, phải có bản năng chinh phục biển và chế ngự biển khơi. Có như vậy, mục tiêu “Việt Nam phải là một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển vào năm 2020” của Chính phủ mới có khả năng thành hiện thực.

Cơ sở hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo còn yếu kém, lạc hậu, hệ thống cảng nhỏ bé, manh mún, chưa đồng bộ. Các chỉ tiêu hàng thông qua cảng trên đầu người rất thấp so với các nước trong khu vực: Chỉ bằng 1/40 của Singapore, 1/7 của Malaysia... Các lĩnh vực kinh tế liên quan trực tiếp đến biển: Chế biến sản phẩm dầu, khí, thủy hải sản... mới đang bắt đầu xây dựng, hình thành...

Để đạt được mục tiêu trên, theo các chuyên gia về kinh tế biển, cần có những giải pháp đồng bộ như vấn đề quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển du lịch biển; đầu tư phát triển các loại hình du lịch biển; vấn đề môi trường biển; củng cố và mở rộng thị trường khách du lịch tàu biển; xây dựng một chương trình đào tạo mới, đào tạo lại nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch biển; vấn đề cạnh tranh trong phát triển du lịch; sự tham gia của cộng đồng và hoạt động phát triển du lịch; vấn đề quản lý tổng hợp sự phát triển của các ngành kinh tế biển…

Tổng cục Biển và hải đảo đang xây dựng chương trình bồi dưỡng kiến thức cơ bản và quản lý tổng hợp về biển và hải đảo, từ nay đến năm 2015 đào tạo khoảng 500-600 cán bộ trong lĩnh vực này để bổ sung cho các tỉnh thành có biển.

H.N (tổng hợp)