itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Thờ ơ với chống bán phá giá

Thờ ơ với chống bán phá giá

Kiện không mất tiền mà doanh nghiệp vẫn không thèm làm.

Ngày 26-3, tại TP.HCM, Bộ Công thương và dự án hỗ trợ thương mại đa biên (Mutrap II) đã tổ chức hội thảo về các biện pháp tự vệ thương mại.

Có mà không thèm tận dụng

Ông Trương Quang Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công thương) cho biết nhiều năm qua Chính phủ đã quan tâm xây dựng hành lang pháp lý về chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ thương mại. Hành lang pháp lý này khá hoàn chỉnh và phù hợp với các quy định của WTO. Coi như doanh nghiệp có sẵn “công cụ” để đụng chuyện là dùng được liền. Thêm một điều thuận lợi nữa là kiện không mất tiền!

Ông Cao Xuân Hiến - chuyên viên Cục Quản lý cạnh tranh (thuộc Bộ Công thương) cho biết khi doanh nghiệp gửi đơn yêu cầu thì Cục sẽ tiếp nhận và sẽ điều tra xác định doanh nghiệp nước ngoài có bán phá giá hay không. Việc tư vấn lẫn làm hồ sơ, thủ tục đều miễn phí hoàn toàn. Nếu Cục điều tra và cuối cùng có thể áp dụng biện pháp chống bán phá giá được thì xem như doanh nghiệp đi kiện được “hoan hỉ”. Còn lỡ mà có thua, không thể áp thuế chống bán phá giá thì cũng không mất gì.

Theo ông Nam, tính ra doanh nghiệp chỉ phải làm độ 20%, bao gồm làm đơn yêu cầu, liệt kê thiệt hại, một vài số liệu chứng minh phá giá... đến 80% khối lượng công việc là do nhà nước làm.

Vậy mà nhiều năm qua, chưa hề có doanh nghiệp Việt Nam hay hiệp hội ngành nghề nào yêu cầu nhà nước áp dụng biện pháp chống bán phá giá hay biện pháp tự vệ!

Chưa thấy thiệt hại chưa muốn làm

Ông Hiến cho rằng doanh nghiệp Việt Nam chưa biết cách tận dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ thương mại, có thể chưa nắm vững quy định, ngại va chạm, quan trọng hơn là vai trò của các hội ngành nghề chưa đủ mạnh để thay mặt doanh nghiệp trong ngành làm động tác trên.

Tuy nhiên, ông Thái Bảo Anh, Văn phòng luật sư Bảo và cộng sự, cho rằng không kiện, muốn kiện thì doanh nghiệp Việt Nam phải chứng minh thiệt hại của mình, đồng thời tập hợp được số liệu cho rằng phía nước ngoài phá giá. Đơn cử như trường hợp thép Trung Quốc giá rẻ tràn vào thị trường Việt Nam. Các doanh nghiệp thép cũng lớn tiếng đòi kiện nhưng không có thông tin về thiệt hại, thực chất khó mà nói là thiệt hại khi làm ra bao nhiêu thép thì bán hết sạch bấy nhiêu, thị trường thép cung không đủ cầu. Vậy thì không cách nào kiện chống bán phá giá được.

Bên lề hội thảo, một hiệp hội than phiền rằng chính cơ quan nhà nước mới là “thủ phạm” khiến doanh nghiệp không tận dụng được các biện pháp tự vệ và chống bán phá giá. Bởi vì muốn kiện thì hiệp hội phải chuẩn bị thông tin, phải nắm diễn biến lượng hàng nhập khẩu, giá bán, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu... Những thông tin này phải xin từ Bộ Công thương, Hải quan, Tổng cục Thống kê. Thế nhưng hiệp hội xin không được. Thậm chí bỏ tiền ra đặt mua cũng không xong! Đến nỗi để theo dõi hàng nhập khẩu, hiệp hội này đành phải mua lại thông tin từ một công ty nước ngoài khác!

Chống bán phá giá dịch vụ: Không thể

Tại hội thảo, có ý kiến cho rằng quy định hiện nay của Việt Nam về chống bán phá giá và tự vệ chỉ áp dụng cho hàng hóa mà không áp dụng cho dịch vụ, liệu có cần bổ sung thêm hay không. Nếu không quy định thì nay mai các hãng hàng không quốc tế, các hãng vận tải biển lớn lâu năm của nước ngoài sẽ đến Việt Nam và “phá giá”, doanh nghiệp Việt Nam còn non yếu khó mà chống đỡ nổi.

Ông Gordon LaFortune, chuyên gia dự án Mutrap, cho rằng hiện WTO cũng chưa có quy định về chống bán phá giá đối với dịch vụ. Ông ví dụ, rất có thể xảy ra phá giá khi một hãng vận tải lớn của Canada sang Việt Nam và cung cấp dịch vụ vận tải với giá cực thấp, có thể là có trợ cấp trong đó. Thế nhưng việc xác định chi phí tạo nên giá dịch vụ không đơn giản như xác định chi phí sản xuất những hàng hóa cụ thể. Vì vậy, doanh nghiệp vận tải Việt Nam sẽ không thể kết luận có phá giá hay không và rất khó kiện chống bán phá giá.

Tương tự, ông Thái Bảo Anh ví dụ trường hợp phá giá rất thường gặp trong lĩnh vực hàng không, khách sạn. Một hãng hàng không giảm giá vé còn một USD và giải thích là để lấp đầy chỗ trống trên máy bay còn hơn để máy bay bay mà không có khách. Hãng hàng không khác không thể đòi chống bán phá giá hay tự vệ gì cả mà chỉ có nước bắt chước “khuyến mãi” như hãng kia mà thôi!

Như vậy, các ngành dịch vụ của Việt Nam không thể trông chờ gì vào sự trợ giúp pháp lý mà chỉ có thể cố gắng cạnh tranh bằng mọi cách.

Theo Pháp Luật