Lợi ích từ quả khế
Chuối chát, rau thơm, khế... là những loại rau quả ăn kèm trong món thịt luộc ai cũng biết, nhưng công dụng của quả khế thì không phải ai cũng biết tận tường.
Cây khế (Averrhoa carambola) thuộc họ Oxalidacées, có nguồn gốc từ Ceylan và Moluques, nhưng được trồng ở vùng Nam Á và Malaysia từ hàng thế kỷ nay, được người phương Tây biết đến từ rất lâu. Cây có đặc điểm là trổ hoa trên cành và cả trên thân cây. Do có hình ngôi sao khi cắt lát nên trái khế được gọi là “star fruit”. Tùy theo giống mà khế có vị chua hoặc ngọt và được dùng để ăn sống, làm mứt, làm nước uống, nước sốt hoặc để trang trí. Khế vị chua chứa nhiều vitamin C, một ít vitamin B1, B2, B3. Ngoài ra phải kể đến các protein, glucid, lipid, chất xơ, năng lượng (33 Kcal/100 gr) và đường đơn; một vài thành phần vi lượng và khoáng chất đáng kể thường thấy ở các trái cây là potassium, phosphor, calcium, ma giê, sodium, đồng, sắt, kẽm và mangan.
Theo Science & Vie thì khế chua có tính năng kháng ô xy hóa, kháng viêm và ngăn ngừa tiểu đường rất cao nên được sử dụng trong điều trị vài chứng bệnh về gan. Người ta còn dùng khế chín để làm ngưng xuất huyết và xoa dịu bệnh trĩ. Nước ép khế hoặc khế phơi khô được dùng để hạ sốt, chống táo bón, lợi tiểu. Lá khế được sử dụng nhiều trong các bài thuốc dân gian để trị viêm họng, ho khan, ho có đờm, chữa mề đay mẩn ngứa.
Trong đời sống hằng ngày, người Tahiti và Malaysia dùng nước khế để tẩy các vết ố trên vải trắng do sét hoặc để đánh bóng kim loại, đặc biệt là đồng thau. Gỗ cây khế có màu trắng, hạt mịn, không quá cứng sẽ ngả sang màu đỏ theo thời gian, được sử dụng để đóng bàn ghế.
Trong ẩm thực, khế có thể kết hợp để làm nhiều món canh, món xà lách như khế trộn cá, món mặn như tép rang khế, mắm ruốc xào khế đến món ăn vặt như ô mai khế xào, mứt khế... Tuy nhiên, những người suy thận nên hạn chế dùng khế bởi hàm lượng acid oxylic trong khế khá cao (1 mg/1 gr).
Minh Quân/ Thanh Niên