itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Đó đây / Mỹ thành nước 91 ký hiệp ước buôn bán vũ khí toàn cầu

Mỹ thành nước 91 ký hiệp ước buôn bán vũ khí toàn cầu

Ngày 25-9, bên lề kỳ họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đang diễn ra tại New York, ngoại trưởng Mỹ John Kerry thay mặt nước Mỹ ký tên vào Hiệp ước buôn bán vũ khí (ATT).

Theo đó, Mỹ, quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, trở thành nước thứ 91 tham gia hiệp ước này, theo AFP. Thị trường xuất khẩu vũ khí toàn cầu hiện trị giá khoảng 70-90 tỉ USD, trong đó Mỹ chiếm đến 30%.

Người phát ngôn của tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon đánh giá việc Mỹ tham gia hiệp ước có “ý nghĩa đặc biệt quan trọng”. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng gọi ATT là “một bước đáng kể” trong các nỗ lực hòa bình quốc tế.

“Hiệp ước này liên quan đến việc giữ cho vũ khí không rơi vào tay bọn khủng bố và các thành phần cực đoan” – AFP dẫn lời ông Kerry nói sau khi đặt bút ký vào bản hiệp ước trước sự chứng kiến của các quan chức LHQ.

“Hiệp ước này sẽ giúp tăng sức mạnh quốc phòng cho Mỹ và củng cố an ninh toàn cầu mà không làm ảnh hưởng đến việc mua bán vũ khí hợp pháp trên trường quốc tế” – ông Kerry bổ sung.

Thượng viện phản đối

Tuy nhiên ông Kerry và tổng thống Obama đang vấp phải sự phản đối dữ dội từ Thượng viện Mỹ, nơi công ước cần được phê chuẩn.

Thượng viện, cùng với Hiệp hội súng trường Hoa Kỳ (NRA), một nhóm vận động hành lang ủng hộ sử dụng súng có thế lực mạnh ở Mỹ, lên tiếng chỉ trích việc tham gia công ước sẽ xâm phạm quyền được sở hữu súng của công dân Mỹ.

Song ông Kerry khẳng định “hiệp ước sẽ không tước đoạt quyền tự do của bất kì ai cả”.

“Thực tế, hiệp ước này công nhận tự do của cả các cá nhân và quốc gia trong việc sở hữu và sử dụng vũ khí với mục đích chính đáng” – ông nhấn mạnh.

AFP dẫn lời thượng nghị sĩ Cộng hòa Jim Inhofe nói ông Kerry sẽ “không thể nào nhận được phiếu thuận từ thượng viện để phê chuẩn công ước này”.

Ngoài Mỹ, 16 quốc gia khác cũng đã ký hiệp ước ATT hôm qua, nâng tổng số các nước ký kết lên 107, theo Reuters. Trong khi đó, có thêm hai quốc gia đồng ý sẽ phê chuẩn hiệp ước này, đưa con số tổng cộng lên sáu quốc gia.

Hiệp ước ATT sẽ có hiệu lực 90 ngày sau khi nhận được sự đồng thuận chính thức của 50 quốc gia.

Các tổ chức quốc tế ủng hộ việc kiểm soát súng đạn hy vọng sẽ có thêm 100 quốc gia tham gia ký kết hiệp ước này.

Nội dung của hiệp ước buôn bán vũ khí là thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế cho hoạt động vận chuyển vũ khí xuyên biên giới bao gồm các chủng loại xe tăng, xe bọc thép chiến đấu, pháo hạng nặng, máy bay chiến đấu, trực thăng tấn công, tàu chiến, tên lửa và các hệ thống phóng tên lửa cũng như những loại vũ khí cá nhân khác.

Hiệp ước cũng yêu cầu các quốc gia phải rà soát lại các thỏa thuận buôn bán vũ khí xuyên biên giới để chắc chắn rằng những vũ khí này sẽ không dùng cho mục đích đàn áp nhân quyền, hoạt động khủng bố, tội phạm hay vi phạm luật nhân đạo.

TRƯỜNG SƠN/ TUỔI TRẺ