itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Hồ sơ / Chiến tranh lạnh quay lại?

Chiến tranh lạnh quay lại?

Tổng thống Putin từng đứng đầu FSB

Quan hệ giữa Nga và phương Tây trong năm vừa qua trở nên căng thẳng và người ta bắt đầu nói về một cuộc chiến tranh lạnh mới.

Như phóng viên tường thuật, một chỉ dấu dẫn đến nhận định này có thể là các hoạt động do thám, đặc biệt giữa Nga và Anh quốc.

Đầu thập niên 1990, lần đầu tiên trong lịch sử, một tổng thống Mỹ, George Bush cha đặt chân lên một nước Nga dân chủ.

''Chúng ta sẽ cùng nhau khởi đầu một công việc có ý nghĩa nhất từ trước tới nay là chuyển một mối quan hệ từ đối đầu sang hữu hảo và hợp tác.''

Nhưng trong 12 tháng vừa qua, không khí nghi kỵ và các hoạt động gián điệp giữa Nga và phương Tây làm cho người ta bắt đầu vỡ lẽ rằng các nhận định lúc đầu xem ra hơi quá lạc quan.

Gerald Seymour là một nhà văn chuyên viết truyện trinh thám và một cựu nhà báo truyền hình, người vẫn luôn nghĩ rằng chủ đề Chiến tranh lạnh luôn luôn hấp dẫn độc giả.

Phản gián

''Các hoạt động gián điệp giữa cơ quan tình báo Anh MI6 và tình báo Nga FSB nay lại nổi lên một cách sống động và rõ ràng như hồi trước.''

''Nhưng giờ đây người ta cũng thấy còn có một sự cứng rắn và khắc nghiệt làm mất đi chút lãng mạn ít ỏi còn lại từ những câu chuyện gián điệp hồi năm 1950-1960.''

Ông Seymour nói các nhân vật nắm quyền tại điện Kremlin nay cứng rắn và mạnh mẽ hơn nhiều so với 20, 30 năm trước.

Cách đây 5 năm ông Syemour viết cuốn "Traitor's Kiss" - Nụ hôn của kẻ phản bội - mô tả hoạt động của các điệp viên Nga thời nay.

Alexander Litvinenko bị đầu độc

Người giúp ông Seymour các tư liệu để viết cuốn sách về các điệp viên Nga thế kỷ 21 bản thân là một cựu điệp viên, người mà cái tên đã trở thành biểu tượng cho sự trở lại của Chiến tranh lạnh: Alexander Litvinenko.

''Ông Litvinenko kể cho tôi rất chi tiết về hoạt động của Nga tại Chechnya. Tôi có cảm giác ông ấy là một nhân vật khá buồn thảm. Ông ấy đã quay lưng lại với tất cả những gì mà ông quý trọng.''

''Năm năm sau khi chúng tôi làm việc với nhau, thì tôi thấy bức ảnh ông ấy nằm cấp cứu trong bệnh viện và vỡ lẽ ra rằng đó chính là người đã giúp tôi tạo dựng nhân vật trong sách của tôi,'' ông Seymour nói.

Xuống tay

Vụ đầu độc ông Litvinenko đã gây chấn động trong giới tình báo, không phải chỉ vì sự tính toán chuẩn xác và tàn nhẫn của người thực hiện, mà còn bởi vì sự trở lại của hoạt động ám sát.

Tiến sỹ Philip Davies giảng dạy môn chính trị và sử học tại trường đại học Brunel ở London nói người ta đã không còn sử dụng thuốc độc phóng xạ trong việc mưu sát từ những năm 1950.

"Vụ cuối cùng là KGB đầu độc một người tên là Nikolai Khokholov ở Frankfurt. Khokholov là một cựu nhân viên KGB, người đã từng tham gia một loạt các vụ ám sát thời kỳ Chiến tranh lạnh và được cử sang Đông Đức để trừ khử một nhân vật bất đồng chính kiến.''

''Tuy nhiên khi sang đó, ông này quyết định là đã quá đủ chém giết rồi và đào tẩu sang phương Tây. Năm 1957, Khokholov sang thăm Frankfurt. KGB quyết định cảnh cáo ông ta và lén cho chất thallium vào cà phê của ông ta.''

Nikolai Khokholov không chết. Ông chỉ nhấp một ngụm nhỏ càphê và bỏ đi vì không thích mùi vị của nó.

Lột xác

Nhưng Litvinenko thì không tránh được đám bụi chất Polonium-210 chết người.

Người bị cáo buộc đã đầu độc ông, Andrei Lugovoi, được bầu vào Hạ viện Nga Duma vài tuần trước đây sau khi Nga từ chối dẫn độ sang Anh.

Vic Socotra là một cựu điệp viên Mỹ, từng hoạt động trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Ông này nói rằng, trong những năm 1990, KGB đã kịp sắp xếp lại tổ chức thay thế FSB thành một cơ quan tình báo có mạng lưới sâu rộng.

''FSB bao gồm đủ các thành phần tương đương với 16 phân nhánh của cơ quan tình báo Hoa Kỳ, từ nghiên cứu dấu hiệu tới phân tích tình báo, biên giới, rồi chống khủng bố quốc tế. Thật là một tổ chức rộng lớn.''

Theo cựu điệp viên Mỹ này 78% trong số hàng ngàn chính trị gia và quan chức hàng đầu ở Nga là có liên quan tới KGB hoặc FSB.

''Người ta vẫn nói KGB là một quốc gia trong lòng một quốc gia lớn hơn. Nay thì FSB kế thừa cái quốc gia đó,'' Socotra nói.

Bối cảnh hiện nay là quan hệ kinh tế giữa Nga và phương Tây đã trở nên chặt chẽ và thân cận hơn trước rất nhiều. Một con số lớn các công ty của Anh và Mỹ đang hoạt động tại Nga.

Vậy việc hoạt động tình báo gia tăng có làm cho người ta quan ngại hay không? Một số chuyên gia nhận định rằng tình hình có thể chưa đến mức như Chiến tranh lạnh hồi xưa, nhưng cũng khá lạnh.

Theo Dan Damon (BBC)