itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Hồ sơ / Xã hội đen ở Nga và vùng Balkans

Xã hội đen ở Nga và vùng Balkans

Vyacheslav Ivankov, một bố già của

mafia Nga bị FBI bắt năm 1995

Tội phạm có tổ chức hiện diện ở khắc các vùng của Nga, Đông Âu và Balkans trong thập niên 1990 nhưng bạn lại gần như không để ý đến nó.

Đó là vì các băng đảng, phe nhóm tội ác, tổ chức bán quân sự đã là một phần của sinh hoạt xã hội.

Hình thức hoạt động của chúng thì khác nhau, tuỳ theo hoàn cảnh mỗi nước nhưng có một điểm chung: mafia là bà đỡ của chủ nghĩa tư bản trỗi dậy tại khu vực sau khi chế độ cộng sản sụp đổ. Thiếu chúng, kinh tế thị trường không thể nào xuất hiện.

Mafia rất mạnh ở những nơi cơ chế chính quyền yếu kém. Đúng ra, sau những biến động lớn cuối thập niên 1980 và sang đầu thập niên 1990, cơ chế nhà nước nhiều miền Đông Âu bị tan rã.

Cơn lốc dân chủ quét sạch các cơ quan nắm quyền sinh sát: KGB, công an. Các cơ quan mật vụ từng tạo nỗi kinh hoàng trong tâm trí người dân, nay bị chuyển đổi, hoặc xóa bỏ.

Ví dụ như tại Bulgaria, 14 nghìn nhân viên mật vụ bị sa thải trong vài ngày. Một nhóm người khác là những cựu vận động viên Olympics các môn vật, đấm bốc, cử tạ. Họ từng hưởng chế độ ưu đãi thời cộng sản nhưng sang thời mới thì bị thất nghiệp.

Chính các nhóm đàn ông đầy hormon nam này có nghiệp vụ từ chế độ cũ như theo dõi, đánh người, hoạt động bí mật, thậm chí bắn giết. Họ không chịu “về hưu non” mà tìm cho mình vai trò mới, trong hoàn cảnh mới.

"

Tội phạm có tổ chức đã lập ra các cục thi hành án tư nhân

Chuyên gia Vadim Volkov

"

Một nền kinh tế thị trường ra đời. Các doanh nhân cảm thấy không thể tin cậy lực lượng cảnh sát yếu kém và toà án cũng chưa đâu vào đâu để đảm bảo hợp đồng được thực hiện. Các cơ chế kiểu cộng sản không hiểu được cách vận hành của giao kèo kinh tế, của việc vận chuyển hàng hóa theo nhu cầu v.v.

Và để đảm bảo cho việc làm ăn, các doanh nghiệp tìm đến những tay cử tạ, đô vật, cựu nhân viên an ninh, hoặc cả những cựu tình báo viên. Những người này, theo lời của chuyên gia Nga về tội phạm có tổ chức Vadim Volkov, đã tạo ra “các cục thi hành án tư nhân”. Nếu bạn muốn làm ăn yên ổn, bạn phải trả tiền cho mafia. Nếu không thì chỉ có “đi chỗ khác chơi”.

Sinh ra từ nội chiến

Tại Nam Tư cũ, tập hợp các nhóm tội ác lớn mạnh kinh khủng và có hình thức tổ chức khác Nga. Chúng ra đời cùng với giai đoạn nước này trượt dốc vào vũng lầy nội chiến. Tất cả bùng nổ cùng quyết định của hai nhà lãnh đạo Serbia, ông Slobodan Milosevic và Croatia, ông Franjo Tudjman dùng vũ lực để vẽ lại biên giới mới.

Các nhóm tội ác có khi không khác bao nhiêu những tổ chức dân quân bán vũ trang cũng tàn bạo không kém trong những vụ thanh lọc sắc tộc ở Croatia và Bosnia.

Lệnh cấm vận vũ khí Liên hiệp quốc đối với Nam Tư cũ đã góp phần tạo ra các tuyến đường buôn lậu trong toàn vùng vốn đã từng có nhưng bị quên lãng từ sau Thế chiến Hai. Nhưng chỉ các biện pháp trừng phạt kinh tế từ tháng Bảy 1992 đối với Serbia mới thực sự làm bùng lên làn sóng ngầm mafia lớn chưa từng có.

Cấm vận không ảnh hưởng bao nhiêu đến các nước Liên hiệp châu Âu và Hoa Kỳ vì đa số các công ty Phương Tây có thể cắt đứt liên hệ thương mại với Belgrade và Montenegro mà không thiệt hại bao nhiêu.

Milorad Ulemek, một thủ lĩnh bán vũ trang Serbia
ra tòa giữa năm nay vì cáo buộc chủ mưu
ám sát Thủ tướng Zoran Djindjic.

Nhưng lệnh cấm vận đã đánh một đòn mạnh vào nền kinh tế của các nước láng giềng với Serbia.

Với vị trí của Serbia nằm giữa trung tâm vùng Balkans, các con đường buôn bán đều qua đây nhưng chính thức thì bị chặn lại vì lệnh trừng phạt.

Không ai bỏ ra một xu nào bồi thường cho các nước láng giềng của Serbia. Để tồn tại, họ phải chấp nhận cho các băng đảng kiểm soát những tuyến buôn lậu hoạt động. Nếu không, các chính phủ không thể nào có tiền trả lương công chức, tiền hưu bổng, y tế và nhiều khoản khác.

Cuộc khủng hoảng làm quan hệ giữa chính giới và mafia thêm mặn nồng.

Quá trình kiến tạo lại sự ổn định kinh tế, những hoạt động chống tội phạm có tổ chức của EU và việc khối này mở rộng sang phía Đông đã có tác dụng làm giảm đi tệ nạn gây ra từ các mạng lưới tội ác. Nhưng toàn cầu hóa cũng đem lại các cơ hội mới: lưu thông hàng hóa toàn thế giới tăng lên, kể cả các loạt hàng bất hợp pháp.

Ngoài ra, sự tồn tại của một số chế độ gần như đã sụp đổ (failed states) cũng mở ra những mảnh đất mới cho tội phạm có tổ chức. Các cuộc làm ăn của xã hội đen cũng đang hình thành như một ngành kinh tế đa quốc gia hùng mạnh.

Theo Misha Glenny (BBC)

Misha Glenny là tác giả cuốn McMafia: Crime Without Frontiers (tạm dịch: Mafia toàn cầu: tội ác không biên giới). Chương trình How Crime Took On the World (Tội phạm chiếm lĩnh thế giới ra sao) của ông được phát trên làn sóng BBC tiếng Anh trong tháng 12.2007