itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Hồ sơ / Hầm trú bí mật của nội các Mỹ

Hầm trú bí mật của nội các Mỹ

Hầm trú bí mật của nội các Mỹ

Thời điểm này cách đây năm năm, nhiều thành viên chủ chốt nội các Mỹ hẳn đang trú tại một nơi bí mật bởi sự kiện kinh hoàng 11-9-2001.

Địa điểm đó ở đâu? Ngay cả một số nghị sĩ và thậm chí vài bộ trưởng còn chưa bao giờ được đặt chân đến.

Bí mật của hầm trú an toàn này gần như được giữ tuyệt đối. Thông tin tổng hợp dưới đây sẽ giúp biết thêm một số chi tiết liên quan nơi trú tuyệt mật của tổng thống cũng như nội các Mỹ một khi có biến...

Siêu mật

Ngay sau sự kiện 11-9-2001, báo chí Mỹ đưa tin “những nhà lãnh đạo hàng đầu quốc hội đã được đưa đến một trụ sở chính phủ an ninh tuyệt đối cách tây Washington DC 120km”. Theo phóng viên Tom Vanderbilt (The Guardian), ngày 19-6-2006 cuộc diễn tập tình huống khẩn cấp mang tên Forward Challenge '06 (lần diễn tập thứ ba từ sau vụ 11-9-2001) đã được thực hiện với chiến dịch đưa khoảng 4.000 viên chức thuộc hơn 50 cơ quan cấp liên bang đến địa điểm bí mật trên.

Đó là một thành phố ngầm nằm trong lòng núi Weather, cách trung tâm Washington DC một giờ xe. Từ Nhà Trắng, đánh xe lên đường Route 66 về hướng tây rồi vào xa lộ highway 50; 50 phút sau rẽ vào đường Route 601 hai làn xe, đánh lượn lên một cây cầu; đi thẳng xe sẽ đụng một khu vực có hàng rào vây kín với bảng “cấm vào” thuộc địa phận Bluemont (bang Virginia). Đó chính là thành phố ngầm tuyệt mật, được xây từ thời chiến tranh lạnh phòng trường hợp đụng độ vũ khí hạt nhân với Liên Xô.

Theo globalsecurity.org, thành phố ngầm Weather nằm dưới sự điều hành của Cơ quan Quản lý tình huống khẩn cấp liên bang (FEMA), được cải tạo từ một trạm dự báo thời tiết thành nơi trú bom hạt nhân cho những gương mặt chủ chốt Chính phủ Mỹ.

Trong phóng sự về hầm Weather, phóng viên Ted Gup (Time) cho biết trên giấy tờ, boongke Weather không hề tồn tại. Nó không có tên trong bảng ngân sách FEMA. Trong danh bạ điện thoại, cơ sở FEMA tại núi Weather được ghi ngắn gọn “SF” (Special Facility - cơ sở đặc biệt). “Tôi làm việc tại FEMA gần hai năm mới nghe nói đến núi Weather” - lời kể của Julius Becton, giám đốc FEMA từ 1985-1989.

Nó chẳng hề có địa chỉ liên lạc và chỉ có một hộp thư tại Berryville (bang Virginia) - ngôi làng nhỏ yên tĩnh cách đó hơn 12km. Bị khuất bởi rặng núi rậm rạp rừng cây nằm vắt ngang hạt Loudoun và Clarke, núi Weather gần như không thể thấy. Nhiều cư dân địa phương thậm chí không biết gần vùng mình có một khu vực đặc biệt như vậy. Theo biên bản tường trình Tiểu ban thượng viện về quyền hiến pháp năm 1975 của tướng không quân Leslie W. Bray, thời điểm đó Quốc hội Mỹ gần như không biết gì về Weather. Năm 1974 một máy bay TWA - 727 bị rơi xuống khu vực khiến lần đầu tiên dân Mỹ mới nghe nói đến cái tên núi Weather, khi tờ Washington Post tung ra bài điều tra...

Bên trong boongke ngầm Weather

Năm 1958, quân đoàn công binh hoàn thành “Khu vực B” trong lòng đất. Tổng phí xây dựng lên đến 1 tỉ USD. Mái hệ thống đường hầm được đỡ bằng khoảng 21.000 buloong khoan sâu 2,4-3m vào tường đá. Lối vào là cánh cổng thép khổng lồ nặng 34 tấn, cao hơn 3m, rộng 6m và dày 1,5m. Boongke ngầm có bệnh viện, lò thiêu rác, khu vực ăn-nghỉ-ngủ, bồn nước dự trữ, nhà máy điện, phòng phát sóng radio, phòng ghi hình... Có tổng cộng 20 tòa nhà trong hệ thống đường hầm mà vài trong số đó cao đến ba tầng!

Theo phóng sự điều tra của Ted Gup (dựa vào quá trình phỏng vấn hơn 100 viên chức đương nhiệm cũng như nghỉ hưu của nhiều cơ quan liên quan, trong đó có FEMA), việc xây hệ thống đường hầm cũng như boongke khổng lồ trong lòng Weather được tiến hành liên tục trong ba thập niên (1938-1969). Công nhân chia ca mỗi ba giờ.

Nhân chứng Gilbert Fowler (từng làm tại công trình Weather) cho biết người ta còn làm một số hồ nước bằng cách khoét vào nền đá cứng như thép, với vài cái sâu đến 3m và rộng 60m - có cái được sử dụng làm hồ chứa nước sinh hoạt; có cái dùng làm mát không khí... Từ năm 1968, thành phố ngầm Weather nằm dưới sự chỉ huy của Bernard Gallagher, một phi công quân đội từng bay xuyên qua cột nấm hạt nhân trong 12 lần thử nghiệm vũ khí hạt nhân!

Được thiết kế nhằm duy trì tính liên tục của điều hành chính phủ trong trường hợp bộ máy đương nhiệm bị tổn thất vào thời chiến, thành phố ngầm Weather có thể chứa hàng ngàn người. Bộ máy chính phủ lâm thời được chia thành ba nhóm: Alpha, Bravo và Charlie (nhóm Alpha ở Washington DC; Bravo ở núi Weather; và Charlie được di tản đến các địa điểm an toàn khác).

William Brock chẳng hạn - bộ trưởng lao động thời Ronald Reagan từ 1985-1987 - được xếp thứ 11 trong danh sách thứ tự thay thế tổng thống và tất nhiên có tên trong danh sách di tản đến Weather. Trong một diễn tập, Brock đến một siêu thị ở Washington DC rồi được đưa bằng trực thăng đến Weather (trực thăng bay từ Nhà Trắng đến Weather mất khoảng 20 phút). Nội các chính phủ chuyển tiếp tại Weather gồm chín bộ (nông nghiệp, thương mại, y tế - giáo dục - phúc lợi cộng đồng, phát triển nhà ở - quản lý đô thị, nội vụ, lao động, ngoại giao, giao thông và tài chính) cùng năm cơ quan cấp bang (truyền thông...).

Giữa thập niên 1950, phi đội trực thăng đặc biệt 2857th Test Squadron đậu thường trực tại căn cứ không quân Olmsted ở Pennsylvania để sẵn sàng ứng cứu và di tản bộ sậu Nhà Trắng. Trên tất cả trực thăng đều có mặt nạ chống phóng xạ, trang phục bảo vệ phóng xạ cho tổng thống và gia đình; và thậm chí các thứ linh tinh chẳng hạn xà beng hoặc đèn xì hàn gió đá để phá tường hầm boongke bên dưới Nhà Trắng nhằm giải cứu tổng thống. Phi công 2857th Test Squadron trong trang phục bảo vệ phóng xạ nặng hơn 9kg, tập bay đêm thường xuyên. Thập niên 1960, 2857th Test Squadron chuyển đến căn cứ không quân Dover tại Delaware...

Kế hoạch “nước Mỹ thời chiến” định hình vào thời Eisenhower. Mỗi năm, chính phủ Eisenhower đều thực hiện diễn tập di tản khẩn cấp - đó là khi nội các Eisenhower chuyển đến khu vực Raven Rock rộng 24.619m2 - một Lầu Năm Góc dưới lòng đất gần Gettysburg (Pensylvania) mang mật danh “Địa điểm R” hoặc Weather mang mật danh “High Point” rộng 18.580m2; trong khi đó thành viên quốc hội được đưa đến trung tâm mật bên dưới Greenbrier (khu nghỉ mát hạng sang tại White Sulphur Springs, West Virginia) mang mật danh “Casper”. Khi gần đến Weather, phi công phải trả lời mật hiệu “Bluegrass Tower” mới được phép bay vào cổng. Tiếp đó, họ được kiểm tra nồng độ phóng xạ. Quần áo họ bị thiêu hủy.

Giả như xảy ra chiến tranh hạt nhân...

Cho đến tháng 5-1991, trạm quan sát thời tiết ngầm trong Weather vẫn thực hiện báo cáo hằng ngày về hướng và tốc độ gió, đồng thời dò hạt phóng xạ. Thời Eisenhower, Weather có cất cuộn băng ghi âm sẵn của tổng thống với bài phát biểu cùng toàn dân rằng “Thưa đồng bào, chiến tranh hạt nhân đã nổ ra” và rằng dù như vậy nhưng “Chính phủ Mỹ vẫn tồn tại và thực thi quyền hạn lẫn chức năng để lãnh đạo đất nước thoát khỏi cơn khủng hoảng”.

Hệ thống ngầm Weather còn có một phòng tuyệt mật gọi là “Bomb Alarm” - hệ thống cảm ứng liên kết toàn nước Mỹ để giúp điều hành phản ứng đối với cơn khủng hoảng hạt nhân. Trong “Bomb Alarm”, trên một bản đồ nước Mỹ rất to, có hàng trăm bóng đèn nhỏ xíu - đèn đỏ dành cho các địa điểm bị trúng bom hạt nhân.

Đỉnh núi Weather có vô số camera được điều khiển từ xa và thiết bị cảm ứng hạt nhân giám sát toàn bộ khu vực. Nếu không kể vụ 11-9-2001, nội các Mỹ từng được đưa đến Weather trong tình trạng khẩn cấp thật sự. Đó là ngày 9-11-1965 (không phải 11-9!), khi xảy ra vụ mất điện toàn bộ khu vực Đông Bắc Mỹ. Sợ rằng đó là ảnh hưởng từ một vụ tấn công hạt nhân, J. Leo Bourassa yêu cầu Washington sơ tán khẩn. Vụ ám sát John F. Kennedy cũng khiến Bourassa áp dụng qui chế báo động khẩn đối với Weather...

Trong vụ 11-9-2001, bộ sậu chủ chốt nội các Mỹ tất nhiên được đưa đến Weather. Theo Stephen I. Schwartz trong bài viết trên Bulletin Of The Atomic Scientists, Phó tổng thống Dick Cheney được nhân viên mật vụ (SS) đưa đến Trung tâm các chiến dịch khẩn cấp tổng thống (PEOC, boongke nằm bên dưới chái đông Nhà Trắng) vài giờ sau vụ tấn công Trung tâm Thương mại thế giới, cùng cố vấn an ninh quốc gia Condoleezza Rice, Bộ trưởng Giao thông Norman Mineta và một số người khác. Tiếp đó, Cheney ra lệnh sơ tán những nhân vật chủ chốt trong chính phủ chuyển tiếp đến Weather. Tuy nhiên, xét riêng trong trường hợp chiến tranh hạt nhân, Weather chưa chắc có thể bảo vệ được nội các Mỹ.

Một nghiên cứu từ Bộ Quốc phòng Mỹ năm 1962 cho biết nếu một quả bom hạt nhân 100 megaton được dùng, bất kỳ sinh vật nào trong phạm vi khoảng 80km cũng tan tành, huống hồ phi đội trực thăng di tản tổng thống. Trong một lần diễn tập, khi đang trên con đường hẹp gần đến cổng Weather, đoàn xe Eisenhower đã bị chặn đứng bởi một xe tải chở lợn và bác tài xế xe lợn được yêu cầu phải nhích lùi từng chút để tránh chỗ cho Eisenhower vào Weather (... trú bom hạt nhân!).

Mạnh Kim