itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Âm nhạc / Album nhạc: Ít chất lượng, nhiều "hàng chợ"

Album nhạc: Ít chất lượng, nhiều "hàng chợ"

Ca sĩ Nguyên Thảo.

Album bây giờ có lẽ phát hành khá dễ dàng nên các ca sĩ cả mới vào nghề lẫn người đã thành danh đều liên tục cho ra mắt album. Mà “hàng nhiều là hàng chợ”, câu này xem ra cũng không sai khi xét chất lượng các album gần đây.

Chính tâm lý chạy đua theo số lượng, thương mại hóa giọng hát của mình mà các ca sĩ đang tự mình tạo nên cho người nghe sự nghi ngờ về chất lượng của các album của họ.

Ngày nay, công nghệ phát triển, không khó gì để có trong tay một phòng thu. Các nhạc sĩ, ca sĩ có máu mặt hầu như đều tự trang bị cho mình một phòng thu để tiện cho công việc. Phương thức thực hiện sẵn có trong tay, hoặc nếu không thì cũng rất sẵn trên thị trường.

Thế cho nên chuyện ra album (cứ tạm gọi là album, vì nó cũng được làm theo đủ quy trình từ chọn bài, phối nhạc, thu âm, mix), giờ không còn xa vời với các ca sĩ nữa mà nằm trong tầm tay, đôi khi rất dễ dàng.

Có vài ba chục triệu là người ta có thể thu cho mình một album làm tấm giấy thông hành bước vào thị trường, hay để khẳng định vị trí, đôi khi cũng chỉ là để níu kéo những ánh hào quang sắp tắt.

Cũng chính từ sự dễ dàng ấy mà hiện nay có tình trạng, càng ra album càng nhạt. Biết nhạt những người ta vẫn cứ ra để cho có, cho oai. Một năm có người cho ra cả 2, 3 album, cái nào cũng nhàn nhạt, đọng lại không nhiều.

Từ nhạc thị trường...

Người ta nói thường thì chỉ có những ca sĩ thị trường thì mới làm vậy. Cũng đúng, khi mà đặc trưng chính của dòng nhạc này là tính thị trường, đến nhanh và ra đi cũng nhanh. Không cần chất lượng lắm, chỉ cần dễ nghe, dễ hát để có thể trở thành hit là được. Sau một thời gian có thể sẽ chẳng ai còn nhớ chúng nhưng chúng đã có được đời sống trong từng thời điểm.

Trong tình hình thị trường âm nhạc nhộn nhạo,
Mỹ Linh vẫn khẳng định được vị trí của mình qua chất lượng các album.

Vậy cũng là đủ để cho một gương mặt thành công. Nhất là trong thời điểm mà mỗi ngày mọc lên hàng chục gương mặt mới như hiện nay, thì ai có được một bài hit trong tay thôi cũng đã là quá đủ để sống. Chính vì thế mà các ca sĩ của dòng thị trường ra sức cho ra album.

Không phải ra nhiều để thu lãi từ album, mà mục đích chủ yếu là để có bài mới, bởi phải có bài mới thì mới có show. Có lẽ nắm bắt được điều này nên các ca sĩ của làng nhạc thị trường như: Thanh Thảo, Đàm Vĩnh Hưng, Quang Hà, Lý Hải, … hàng năm vẫn cho ra ồ ạt các album.

Tuy nhiên, ngoại trừ Đàm Vĩnh Hưng là tỏ ra chắc tay với các album tăng theo số lượng thì còn lại hầu hết những gương mặt khác đều càng ra càng nhạt.

Quang Hà là một trong những nam ca sĩ phát hành album nhiều nhất, với số lượng lên đến 9 album và video trong một thời gian ngắn, tập trung đủ mọi thể loại nhạc từ pop, dacne cho đến nhạc xưa,... nhưng số album của anh lại tỉ lệ nghịch với chất lượng. Hiếm lắm mới có người nhớ nổi những bài anh đã hát trong những album đó.

Hay như trường hợp của Lý Hải, số lượng album của anh cũng không thua kém ai, lại thêm hàng loạt những VCD võ thuật, đúng sở trường diễn xuất của anh được tung ra. Nhưng với số đông người nghe nhạc thì những album này không ghi lại được dấu ấn đậm nét nào cả xét về góc độ âm nhạc.

Với những album kiểu này, các ca sĩ đang khiến cho khán giả ngày càng không mặn mà trông chờ vào những sản phẩm của họ. Không thể nói, không so bì với “nhạc thị trường”. Nhạc gì thì cũng vậy, thị trường cũng cần có những sản phẩm tốt, vì cũng có những ca sĩ được gọi là thị trường đấy nhưng sản phẩm của họ đâu có thua kém ai.

Những album của Đan Trường, Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Tuấn Hưng, Lê Hiếu... vẫn luôn được đánh giá cao, đứng ở góc độ là một sản phẩm thị trường, như người ta vẫn xếp.

... Tới dòng nhạc "sang"!

Tình trạng nhạt không chỉ có ở dòng thị trường mà ngày nay nó đang lấn sang cả dòng nhạc vẫn được mệnh danh là sang.

Tiêu biểu sự chạy đua theo số lượng về album của dòng nhạc này là Thanh Lam. Từ khi có sự kết hợp với Lê Minh Sơn, mỗi năm cô cho ra mắt vài album. Cái nào cũng thế, chất lượng tầm tầm như nhau, để đẩy được tên tuổi cô lên hơn nữa thì chắc là không, vì giữ vững được vị trí mà cô đang có cũng là chật vật rồi. Trong số đó, khó ai có thể nhớ được bao nhiêu bài cô đã hát trong những album như: Này em có nhớ, Em và đêm

Một số album của Lý Hải dù được đầu tư rất kĩ về khâu hình ảnh,
cốt truyện song dấu ấn về âm nhạc lại chẳng được bao nhiêu!

Có ý kiến cho rằng chẳng ai dại mà làm album toàn bài hay, điều này đúng, nhưng chỉ ở một khía cạnh. Không ai có thể làm một album mới toàn bài hay, bài hit (trừ khi đó là album chọn lọc lại những bài đã hát của ca sĩ ấy trong một thời gian).

Nhưng mỗi album khi được phát hành, nó cũng đồng thời là thước đo đẳng cấp của mỗi giọng ca, cũng cần có một chất lượng đạt ngưỡng nhất định, nhất là ở dòng nhạc không mang tính thị trường.

Hiểu được điều này nên có rất nhiều ca sĩ chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho việc phát hành album của mình, càng kỹ lưỡng thì họ càng có thể có được một sản phẩm tốt (với những người có đủ tầm).

Có khi đến 2, 3 năm họ mới cho ra một album như trường hợp của Mỹ Linh, Tấn Minh và ca sĩ trẻ Nguyên Thảo. Nhưng album của họ vẫn luôn nhận được sự mong đợi của những người nghe nhạc.

Thị trường album hiện nay thừa thì rất thừa nhưng thiếu thì cũng rất thiếu, chất lượng thì hiếm, dở thì nhiều khiến cho việc phát hành album không còn đủ sức làm nổi bật tên tuổi ca sĩ nữa mà đôi khi còn tạo ra sự phản cảm, nhàm chán cho khán giả.

Với các ca sĩ trên thế giới, việc phát hành album là để họ khẳng định họ là ai và đẳng cấp của họ trong nền âm nhạc là ở đâu. Do vậy có khi đến cả chục năm họ mới cho ra mắt được một album, ít hơn thì cũng là vài năm. Bởi không hề dễ để có được một album đáng nghe có thể ghi dấu trên thị trường âm nhạc. Thà không phát hành còn hơn là có mà không ra gì, chỉ làm cho đẳng cấp của mình đi xuống.

Nhưng ở ta thì lại khác, các ca sĩ ra album thường chỉ nhằm giới thiệu và quảng bá tên tuổi, hay tệ hơn là nhắc nhớ khán giả “đừng quên tôi”, “tôi vẫn còn đi hát”!

Việt Anh / VTC