itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Âm nhạc / Bùng nổ live show, khủng hoảng đạo diễn

Bùng nổ live show, khủng hoảng đạo diễn

Ca sĩ Quang Dũng và Hồng Nhung

trong live show Vì ta cần nhau,

tháng 8-2007 - Ảnh: T.T.D.

So với sự nhộn nhịp quanh năm của sân khấu ca nhạc thì lực lượng các đạo diễn ca nhạc chưa bao giờ là đủ. Nhưng cơn bùng nổ live show cuối năm 2007 và đầu năm 2008 thật sự đã làm bùng phát cơn khủng hoảng đạo diễn sân khấu ca nhạc vốn từ lâu đã âm ỉ.

Thử điểm qua những live show lớn sắp diễn ra để thấy sự khủng hoảng thiếu này trầm trọng tới mức nào:

Ngày 29-11: chương trình Lam xưa tại nhà hát Hòa Bình, TP.HCM, đạo diễn Phạm Hoàng Nam.

Ngày 20-12: chương trình Làn sóng xanh 10 năm tại sân khấu Lan Anh, TP.HCM, đạo diễn: chưa tìm được.

Ngày 31-12: chương trình Ngày không em của Đàm Vĩnh Hưng tại sân vận động Quân khu 7, đạo diễn Huỳnh Phúc Điền.

Ngày 3, 4, 5 và 6-1-2008: chương trình Duyên dáng VN 19 tại nhà hát Hòa Bình, đạo diễn: Huỳnh Phúc Điền.

Ngày 10-1-2008: chương trình Mai vàng tại nhà hát Hòa Bình, đạo diễn: Phạm Hoàng Nam.

Điệp khúc Nam và Điền

Hai cái tên Phạm Hoàng Nam, Huỳnh Phúc Điền cũng chiếm hầu hết các live show lớn khác diễn ra trong năm 2007: Duyên dáng VN 17 & 18 (Huỳnh Phúc Điền), Rơi lệ ru người - nhạc Trịnh Công Sơn, Vì ta cần nhau - Hồng Nhung & Quang Dũng (Phạm Hoàng Nam). Dù đạo diễn có cố gắng làm mới mình đến mấy thì với mật độ show dày đặc như vậy, sự lặp lại đến người xem cũng có thể đoán ra là điều khó tránh khỏi.

Đạo diễn Việt Tú lẽ ra trong năm 2007 cũng góp mặt bằng hai live show đáng chú ý: Hiền Thục (dự định tổ chức trong tháng tám) và Hồ Ngọc Hà (đáng lẽ diễn ra vào ngày 25-11), nhưng cả hai đều trong tình trạng "di dời" (live show Hà dời sang quí 1 hoặc đầu quí 2-2008) và có thể hủy bỏ (live show Hiền Thục) nên Tú tạm im hơi lặng tiếng trong cả một năm qua.

Nhưng ngay cả khi có thêm Việt Tú thì bộ ba Nam - Điền - Tú cũng chẳng thể giải được bài toán khan hiếm đạo diễn ca nhạc hiện nay. Giờ đây Huỳnh Phúc Điền lại đang trong thời gian chữa bệnh, sức khỏe thất thường (anh buộc phải từ chối khá nhiều show), gánh nặng đạo diễn không biết tìm ai để gửi!

Nhiều nhưng vẫn thiếu

Trên thực tế, sau sự từ bỏ vị trí đạo diễn sân khấu ca nhạc của Tất My Loan và Đoàn Khoa - hai cái tên kỳ cựu, đã cùng chương trình Duyên dáng VN xác định vị trí mới cho nghề đạo diễn sân khấu ca nhạc (trước đó các chương trình ca nhạc vẫn có đạo diễn nhưng chẳng ai chú ý đến họ và công việc của họ cũng chẳng có gì phải chú ý) - sân khấu ca nhạc đã nhiều lần tìm cách bổ sung lực lượng nhưng bất thành.

Những cái tên Anh Khanh, Dương Thảo, Đinh Anh Dũng, Phạm Việt Thanh, Nguyễn Quang Dũng, Nguyễn Nam... đã xuất hiện trong vai trò đạo diễn nhiều chương trình lớn nhưng chưa có ai chứng tỏ phong cách của một đạo diễn sân khấu ca nhạc thật sự.

 

Trong thời gian tới, sự gia tăng số lượng các chương trình ca nhạc (live show và event) chắc chắn sẽ làm lộ diện những cái tên mới trong làng đạo diễn, mà nhiều dự đoán là xuất thân từ các đạo diễn chưa tên tuổi (nhưng khá thành công) của các chương trình event. Nhưng ai trong số này sẽ vượt lên khỏi sự dàn dựng "sạch sẽ”, "trơn tru" bình thường để trở thành một tên tuổi mới trong làng đạo diễn ca nhạc Việt?

Dấu vết nghề chính hoặc nghề xuất thân lộ rõ trong các "tác phẩm" của họ trên sân khấu ca nhạc: nếu xuất thân từ biên đạo múa, tác phẩm sẽ mang nhiều hơi hướng của múa; nếu xuất thân từ đạo diễn phim hoặc quay phim, thế nào sân khấu cũng sẽ sử dụng màn hình và các clip điện ảnh...

Ngay cả với ba đạo diễn ca nhạc tài ba nhất và đắt sô nhất hiện nay, phong cách đạo diễn của họ cũng dựa chính vào thế mạnh "nghề gốc". Huỳnh Phúc Điền tốt nghiệp khoa đạo diễn sân khấu (kịch); phong cách sân khấu ca nhạc của Điền mạnh về mảng, miếng, trò.

Xuất thân từ nhiếp ảnh, học quay phim ở Nga, là một trong những tay quay hàng đầu của điện ảnh VN hiện nay, Phạm Hoàng Nam mạnh về bố cục ánh sáng. Và Việt Tú từng là đạo diễn hình số một ở Đài truyền hình VN nhưng ham mê sâu xa lại là nghệ thuật đương đại (với các hình thức sắp đặt, trình diễn, art-video...) nên cách trình diễn sân khấu theo phong cách nghệ thuật đương đại có thể xem là phong cách của anh.

Cả ba vượt lên trên "đám đông còn lại" bởi họ đều không xem đạo diễn ca nhạc là nghề tay trái (dù không hề được đào tạo để theo nghề này); họ quyết liệt hơn, có nhiều cơ hội làm nghề hơn và quan trọng là có êkip riêng. Nhưng để làm cho ra một sân khấu ca nhạc mang đúng chất âm nhạc chứ không phả hơi hướng của điện ảnh, sân khấu, văn chương hay hội họa... thì hình như còn phải đợi!

Theo Thủy Phạm (Tuổi Trẻ)