itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Âm nhạc / “Lá đỏ” ghi dấu con đường âm nhạc Hoàng Hiệp

“Lá đỏ” ghi dấu con đường âm nhạc Hoàng Hiệp

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp

Vào ngày 2/12 sẽ diễn ra Live show Con đường âm nhạc số 24 của nhạc sĩ Hoàng hiệp tại Sân khấu Lan Anh TP HCM trong đó có khoảng 15 ca khúc đặc trưng cho phong cách Hoàng Hiệp được nhiều người biết tới.

Đây cũng là chương trình bao quát sự nghiệp của tác giả "Nhớ về Hà Nội". Những nhạc phẩm được chọn từ gần 400 ca khúc của Hoàng Hiệp, theo chủ đề cảm hứng cách mạng và hồi ức trữ tình. "Vì thấm thía cảnh chia cắt đất nước và quý trọng các câu hò, điệu lý nên tác phẩm tôi viết ra thường có giai điệu tha thiết và mang đậm chất dân ca", nhạc sĩ bày tỏ.

Kết cấu chương trình sẽ được chia làm 2 phần như chính cuộc đời nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã trải nghiệm.

Phần 1 là những ca khúc cách mạng: Lá đỏ, Ngọn đèn đứng gác, Đồng đội, Cô gái vót chông, Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây...

Phần 2 là những ca khúc trữ tình mang đậm tình yêu quê hương trong bối cảnh đất nước thanh bình qua những ca khúc: Đất mũi Cà Mau, Câu hò bên bến Hiền Lương, Viếng Lăng Bắc, Nhớ về Hà Nội, Thành phố tôi yêu, Thơ tình người lính biển, Trở về dòng sông tuổi thơ, Em vẫn đợi anh về, Mùa chim én bay, Nơi gặp gỡ tình yêu...

Với sự tham gia của các ca sĩ trẻ đang nổi như: Mỹ Tâm, Mỹ Lệ, Mỹ Hạnh, Quang Linh, Xuân Phú, Anh Thơ, Anh Dũng, nhóm AC&M, nhóm Mặt Trời Mới.

Con đường âm nhạc số 24 sẽ được truyền hình trực tiếp từ sân khấu Ca nhạc Lan Anh tại TP HCM vào 21h Chủ nhật, ngày 2/12/2007 trên VTV3 do Đài truyền hình Việt Nam và Vietba Media phối hợp tổ chức.

Tiểu sử 

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp tên thật là Lưu Trần Nghiệp, bút danh là Lưu Nguyễn. Ông sinh ngày 1/10/1931 tại xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, An Giang. Hiện cư trú tại TP HCM.

Bắt đầu sáng tác năm 18 tuổi nhưng không có tác phẩm nào tiêu biểu trong thời gian này. Phải đến năm 26 tuổi, khi tập kết ra Bắc, học Trường Âm nhạc Việt Nam, sự nghiệp sáng tác chuyên nghiệp của nhạc sĩ Hoàng Hiệp mới bắt đầu được đánh dấu. Khởi đầu từ Câu hò trên bến Hiền Lương của Hoàng Hiệp.

Cũng từ đấy, những người mến mộ âm nhạc biết đến Hoàng Hiệp - một nhạc sĩ miền Nam tập kết. Số lượng tác phẩm của ông cho tới nay lên tới con số khoảng 400 tác phẩm. Trong đó, 100 ca khúc được ông sáng tác từ những năm kháng chiến kéo dài tới những năm 1980 có lẽ được khán giả biết tới nhiều nhất. Đây cũng là thời điểm sáng tác sung sức nhất trong sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Hiệp.

Năm 2000, nhạc sĩ Hoàng Hiệp được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm: Câu hò bên bến Hiền Lương, Cô gái vót chông, Ngọn đèn đứng gác, Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây, Viếng Lăng Bác, Nhớ về Hà Nội.

Hà Anh - (Theo TT/VNE)