Thương núi Béo!
Tôi bước chân đến bến đò núi Béo (Hòn Gai – Quảng Ninh) vào một ngày rất nắng và lộng gió. Ở đây mọi thứ đều nhuốm màu than. Lắng tai nghe tưởng chừng bắt được vô vàn âm thanh của những mỏ than gần đó.
Trong không khí mát mượt mặn vị biển này còn lẫn cả vị của bụi than tung bay mà mắt thường chúng ta có thể khó cảm nhận được.
Chúng tôi ngồi uống nước bên một quán cóc nhỏ cheo leo ngay vách bến. Từ đây, núi và núi xô nhau che khuất tầm nhìn ra biển. Nước biển ở đây không xanh thẫm như biển Đà Nẵng, không nâu nâu ám màu phù sa nơi cửa biển như Đồ Sơn. Nước biển ở đây đen đặc. Phải, rất đen. Có lẽ không đâu ở Việt Nam biển lại có một màu đen đặc trưng như vậy.
Ngay từ phía dốc ngoài đường lớn chúng tôi đã gặp vô khối những xe tải chở than chạy đi chạy lại nườm nượp. Vài ba tấm bạt nhỏ lỏng lẻo tung phần phật làm bụi tung mù đường. Con đường lúc nào cũng xâm xấp ướt bám quyện một lớp than bùn dày lún bánh xe. Chị gái bán hàng nói với chúng tôi ở đây dân hai bên đường sống nhờ vào những chiếc xe tải đó. Bụi than bay khỏi xe là loại than nhẹ, khi trộn với bùn đốt rất được nhiệt. Những người dân ở đây chỉ việc lúc ngày muộn vắng xe ôm thúng ra xúc về cũng kiếm được từ 50 000 đồng đến 100 000 đồng.
Than bay mù đường, than luẩn quẩn trong không khí và tràn xuống cả mặt nước biển. Chúng tôi thấy có một căn chòi nhỏ nằm cheo leo giữa vũng, có lẽ là bến đỗ và nơi cạo hà bám của những con thuyền đánh cá. Cả bãi bồi xung quanh căn chòi bên bết một màu đen như bùn ao. Những chiếc đò con con gối đầu bên nhau chốc chốc bập bềnh vì sóng vỗ cũng mang thứ màu đen ảm đạm. Có người gọi đó là đen vàng đen bạc, đen sinh sôi nảy nở, đen mầm sống như những đứa trẻ đen nhẻm đang đứng trước mũi đò mặc cho gió thổi lất phất những sợi tóc tơ vàng óng như râu ngô.
Vâng. Ít nhiều thì than cũng là một thứ màu đen trù phú. Cái thứ bột màu không thể thiếu, gần như là cố hữu cho sự sống hàng ngàn, hàng vạn người dân nơi đây. Một thứ màu chấp nhận u tối để tô điểm cho bức tranh kinh tế ngày một ngời sáng hơn của núi Béo nói riêng và Quảng Ninh nói chung. Cứ đến đây, đứng lắng tai nghe tiếng máy cẩu rì rì, tiếng những chiếc đò bành bạch, tiếng những con tàu to tàu nhỏ chở nặng trĩu than lướt sóng mà thấy lòng phơi phới mênh mông.
Nhưng ngước mắt nhìn cả một dải núi to ngút ngát bị san phẳng lại thấy mình hoang mang. Đây chứ đâu, cái tượng đài mô phỏng cho sức mạnh của con người là đây. Chúng ta bạt núi, cắt, gọt, đục, đẽo như một món đồ. Tưởng chừng thiên nhiên đang ngày càng vô vọng. Trong những lòng núi kia, trải qua hàng vạn, hàng triệu năm mới hình thành nên những mỏ than liệu có biết bao giờ mình mới kiệt quệ? Những lòng núi cứ rỗng dần, rỗng dần năm này qua năm khác chạy theo cuộc mưu sinh của con người.
Nhìn những chiếc tàu lớn của bạn bè nước ngoài đậu khơi xa hếch mắt chờ đón từng khúc ruột của đất mà thấy xót xa. Vẫn biết đấy là miếng cơm cho chúng ta ăn, manh áo cho chúng ta mặc, sách vở cho chúng ta học hành mà sao vẫn nuối tiếc không nguôi. Rồi mai đây, những trái núi ấy chỉ còn cái vỏ thì ai trả lại màu xanh của biển, của núi cho núi Béo nơi đây? Những chiếc đò con ngô nghê kia đi đâu về đâu khi các con tàu chở than đã bỏ núi Béo lại phía sau lưng? Liệu thiếu vắng những con tàu lớn quẫy vang vùng nước thì đàn cá lưng bạc con lớn con bé có rủ nhau quay về? Và ai dám chắc rằng một ngày kia, đất Quảng Ninh sẽ không khỏi bị rung chuyển bởi những chấn động lớn từ các dãy núi rỗng ruột? Thương thay núi Béo!
Lê Anh