itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Thể thao quốc tế / Đơn giản anh là Paolo

Hậu trường sân cỏ: Đơn giản anh là Paolo

Cầu thủ Paolo

Ở Italia nếu là con cháu của 1 người nổi tiếng, ít ra bạn cũng phải là một phóng viên, một y sĩ hoặc 1 giáo sư.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ có một cuộc sống dễ dàng hơn, con đường tương lai đã được gia đình dẫn lối.

Tôi không có ý vơ đũa cả nắm, nhưng cũng không có gì là lạ nếu con trai của một giáo sư luật bắt đầu sự nghiệp ở trường đại học danh tiếng mặc dù tấm bằng trung học chỉ đạt mức trung bình. Những cô cậu may mắn này có được công việc họ muốn chủ yếu là nhờ danh tiếng của gia đình chứ không phải nhờ thực lực của chính họ. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp ngoại lệ rất đáng quan tâm. Paolo Maldini là một trong số những ngoại lệ đặc biệt nhất, anh ấy bắt đầu chơi bóng đơn giản chỉ vì sự đam mê và bởi vì anh có tài năng thực sự-một tài năng hiếm có.

Cách đây chừng nửa thập kỷ, cha của Paolo, Cesare Maldini là trụ cột trong hàng phòng ngự Rossoneri cũng như Azzurri dưới thời HLV Nereo Rocco. Ngày 22/5/1963, sân Wembley trở thành nơi khởi đầu huyền thoại nhà Maldini khi Cesare, với băng thủ quân trên tay, cùng đồng đội hạ Benfica của siêu sao Eusebio, mang về chức vô địch châu lục đầu tiên cho Milan. Và cậu bé Paolo ngày nào đã tiến xa hơn cha cậu để cùng Milan giành đến 5 chiếc cúp C1-Champions League, tôi nên nói gì đây ...

Nói thật chăng? Có lẽ Cesare huyền thoại cũng sẽ đồng ý với tôi. Bởi những chiếc cúp Châu Âu không chỉ đơn thuần có giá trị bởi số lượng mà còn bởi cách ta giành được chúng. Paolo có năng khiếu chơi bóng hơn cha của anh, người đã dẫn dắt anh cùng đội tuyển Italia tại một vòng chung kết World Cup không may mắn-France 98. Anh ấy có kỹ thuật, khả năng ghi bàn và tốc độ tốt hơn cha mình. Không những thế, trong khi Cesare chỉ có thể theo đuổi trái bóng tròn đến tuổi 35 thì Paolo, giờ đây ở độ tuổi 38, vẫn miệt mài cùng Milan tìm kiếm những thành công mới. Liệu tôi có sai khi đề cao "con" hơn "cha" như thế không nhỉ ?

Khi những bước chạy không còn được thanh thoát như trước, Maldini hiện chủ yếu thi đấu ở vị trí trung vệ. Mặc dù vẫn còn vài sai sót nhưng nhìn chung hậu vệ số 3 của Milan vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đó là một phẩm chất nữa của Paolo, sự linh hoạt trong lối chơi. Với hơn 600 trận ở Serie A, ghi được 28 bàn thắng, Maldini đã xô đổ gần như mọi kỷ lục và sẽ còn rất rất lâu để có được những kỷ lục mới do 1 cầu thủ khác lập được. Trong suốt sự nghiệp thi đấu, Paolo chỉ khoác trên mình màu áo đỏ đen, trong khi Cesare khởi đầu với CLB Triestina và kết thúc cùng "Granata" (biệt danh của Torino). Với 23 mùa bóng trong màu áo của 1 CLB duy nhất, Maldini thực sự là một "hiện tượng" lạ trong lịch sử bóng đá thế giới, đặc biệt là trong một thế giới bóng đá vật chất như hiện nay. Nơi mà những cuộc đào tẩu như của Ronaldo, Viera, Figo không còn là hiếm.

Khi chia tay đội tuyển quốc gia sau vòng chung kết World Cup 2002, Maldini tổng cộng đã 126 ra sân cho Azurri (một kỷ lục nữa). Những chi tiết thú vị trong sự nghiệp của Maldini đã tự nói lên tất cả, mặc dù chúng ta vẫn còn có thể đề cập đến vài kỷ lục khác (8 lần góp mặt trong trận chung kết Champions League, 74 lần đeo băng đội trưởng Azurri, 7 Scudetto ...).

Trận đấu đầu tiên của Paolo là vào một chiều tháng giêng lạnh ở Udine và HLV Milan lúc đó, huyền thoại người Thụy Điển Nils Liedholm, đã không phải hối hận vì quyết định của mình. Đó là năm 1985, khi Maldini chỉ mới 16 tuổi. Tháng 6 này anh sẽ sang tuổi 39 nhưng tôi đoan chắc với bạn rằng, khao khát chiến thắng của anh sẽ vẫn nồng cháy như lần đầu tiên được ra sân với chiếc áo số 3 trên người. Hai thập kỷ vừa qua là thời kỳ vàng son nhất trong lịch sử của Rossoneri.

Maldini là một phần của lịch sử ấy, anh đã ở đó, cùng trấn giữ hàng thủ với những Baresi, Stam, Tassotti, Costacurta, Nesta và Panucci. Hình ảnh những pha tắc bóng chính xác, những bước chạy thần tốc bên cánh trái sẽ mãi động lại trong trái tim những Milanista. Sẽ thật đáng tiếc nếu một ngày nào đó không còn được thấy Maldini, với chiến băng đội trưởng trên tay, dẫn đầu các đồng đội ra sân từ đường hầm sân San Siro. Tuy nhiên cuộc sống không phải chỉ có màu hồng và Paolo của chúng ta cũng thế. Nếu như Zizou đã có tất cả những danh hiệu quý giá như chức vô địch World Cup, EURO, Champions League... thì Maldini, cũng như một số đồng đội của anh như Massaro, Donadoni, Baresi, Albertini và một số người khác vẫn chưa bao giờ được nếm trải hương vị chiến thắng ở cúp thế giới.

Anh đã thất bại sau loạt penalty ở chung kết năm 1994. Khi đó anh đã an ủi Baresi, người đá hỏng quả penalty và đã khóc như một đứa trẻ. Một kỷ niệm buồn khác khi anh thất bại trong trận chung kết EURO năm 2000 trước đội tuyển Pháp, nhưng có lẽ thất bại ở cúp thế giới là đau đớn nhất. Với tất cả những gì làm được cho bóng đá thế giới những năm qua, thật là không công bằng khi Maldini chưa có được danh hiệu cá nhân nào. Nhưng tôi không nghĩ điều đó quá quan trọng. Với tôi cũng như với hàng triệu tín đồ túc cầu giáo khác, cái tên Maldini đã đang và sẽ mãi là một biểu tượng của bóng đá thế giới. Có hay không một danh hiệu "Quả bóng vàng" cũng sẽ không thay đổi được gì. Đơn giản bởi anh là Paolo Maldini .

Thế Anh (lược dịch theo bài viết của Luca Manes, một milanista)