itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Văn hóa đọc / Đọc tiểu thuyết Tiếng Người của Phan Việt

Đọc tiểu thuyết Tiếng Người của Phan Việt

Sau 3 năm im hơi lặng tiếng kể từ khi đoạt giải Văn học tuổi 20, Phan Việt xuất hiện trở lại với một cuốn tiểu thuyết sẽ bắt độc giả phải đọc từ đầu đến cuối.

Đúng ra, tôi chỉ muốn viết bài giới thiệu tiểu thuyết Tiếng Người của Phan Việt đơn giản thế này: Tiếng Người là một truyện rất hay nhưng tôi không thể kể lại nội dung của nó vì nếu làm vậy sẽ mất hết cái hay. Nếu bạn không tin, hãy mua về một cuốn và đọc, tôi đảm bảo bạn sẽ không thất vọng.

Tiếng Người là câu chuyện xoay quanh cặp vợ chồng trí thức Duy và M. Hay đúng hơn là thế này: Truyện Tiếng Người có Duy và M. Họ là vợ chồng. Không gian nơi câu chuyện diễn ra ở cả Việt Nam và Mỹ. Nhưng chắc chắn đây không phải là một câu chuyện tình.

Đã có một khoảng thời gian nào đó họ đã tưởng, hay có vẻ đúng hơn là Duy đã tưởng, rằng họ đã hoàn toàn đủ cho nhau và không cần ai khác nữa.

“…Nhưng M đứng ngay ở đó, nắm tay anh. Thế là đủ. Bởi vì lúc ấy và lúc này, anh biết tất cả công việc, tiền bạc, chức vụ, bạn bè, du lịch, thậm chí cả cha mẹ anh em cộng lại cũng không bằng cái cảm giác biết chắc chắn có một người là M sẽ đi với anh đến cùng trời cuối đấu…”

Cho đến khi xuất hiện một vết nứt đầu tiên trong sự yên ổn đó, dưới hình hài một cô-gái-áo-đỏ. Một lúc nào đó hình ảnh M đột ngột lui vào một chỗ xa tít, thậm chí như biến mất khỏi cuộc đời Duy…

“Ngay lúc này, anh có thể nói anh không yêu M.

- Anh không yêu em – anh có thể nói thế. Và cảm thấy chính xác như thế.

Và anh có thể bỏ ra đi mà không nhớ nhung, tiếc nuối gì cả. Chỉ vào lúc này thôi. Sau đó, buổi sáng mai chẳng hạn, rất có thể anh tiếc nhớ nàng khủng khiếp.”

Bắt đầu từ sự hoài nghi, hoang mang dựa trên một cá nhân cụ thể “ở bên ngoài anh”, Duy dấn thân vào một hành trình tìm kiếm lớn hơn rất nhiều những thứ ở bên ngoài: đó là hành trình bên trong. Là hành trình bên trong nhưng nó đồng thời mở rộng thế giới mà anh nhìn thấy bên ngoài sang những chiều mới và ý nghĩa mới.

Với riêng tôi, một trong những thứ làm nên sự hấp dẫn của Tiếng Người nằm ở chỗ nó khiến người đọc có cảm giác sống lại chính xác cảm xúc của họ vào những thời điểm thực trong cuộc sống chứ không phải họ đang đọc những dòng mô tả cảm xúc trích ra từ một cuốn sách, dù của tác giả nào.

Nói cách khác, cuốn sách đã làm rất tốt việc tạo dựng lại cuộc sống với tất cả những phức tạp và hấp dẫn của nó.

Nếu bạn thích nghĩ cuộc sống là hành trình tìm lại chính mình trong sự hoang mang và cảm giác bất an thì có lẽ đó đúng là điều cuốn sách này nói đến.

Nếu bạn nghĩ hạnh phúc trong cuộc đời đôi khi là cái khó nắm bắt, và không ai dám chắc nó có phải là cái có thật hay không, thì có thể đó cũng vẫn lại đúng là điều mà cuốn sách này mô tả.

Còn nếu bạn nghĩ cuộc sống là vượt qua chính mình để đến với hạnh phúc thì chắc điều này cũng đúng nốt.

Có thể dùng chính câu đề từ mà Phan Việt chọn cho cuốn sách để tổng kết những điều này: “Những tiếng nói của một con người có thể một đời không bày tỏ hết”. Tiếng Người, thông qua sự quan sát tinh tế và cái nhìn hóm hỉnh, vốn là thế mạnh của tác giả, đã thu và thả những tiếng nói “một đời không bày tỏ hết đó” trở lại không gian tâm tưởng của bạn đọc.

Sau một chút ít lao xao trên các mặt báo vào năm 2005 khi đoạt giải Văn Học Tuổi 20 với tập truyện ngắn Phù Phiếm Truyện, Phan Việt gần như biến mất. Nhưng ngay từ tập truyện ngắn đầu tay đó, người ta đã có cảm giác có thể tin tưởng vào lời tác giả này: “Viết lách sẽ theo tôi cả đời”. Và bây giờ, sau 3 năm, chị trở lại với một tác phẩm sẽ bắt người đọc phải đọc một mạch từ đầu đến cuối, việc mà không nhiều cuốn sách làm được.

Tôi vẫn tin rằng một nhà văn, khi làm tốt công việc của mình, sẽ cho độc giả thấy những hình ảnh khác nhau của thế giới. Thế thì với tôi, Phan Việt đã làm được điều đó.

Theo Dân Trí