itaexpress / Tin ITA / Việc làm ITA / Kỹ năng / Doanh nghiệp VN thiếu nhân lực lãnh đạo kế thừa

Doanh nghiệp VN thiếu nhân lực lãnh đạo kế thừa

Tại một buổi thuyết trình

Theo ITD Vietnam, nhu cầu về khả năng lãnh đạo đã trở nên quan trọng khi cạnh tranh diễn ra khốc liệt. Đến năm 2010, VN sẽ có 500.000 DN. Việc xây dựng đội ngũ lãnh đạo trẻ thay thế, đặt ra nhiều thách thức đối với định hướng mục tiêu phát triển DN của VN và trách nhiệm đè nặng lên vai của chính các doanh nhân trẻ.

Làm sao để có đội ngũ lãnh đạo trẻ kế thừa cho doanh nghiệp (DN)? Người chủ trong thời hội nhập cần những tố chất gì? Tạo môi trường làm việc, đội ngũ nhân viên gắn bó, phát triển hiệu quả đòi hỏi kỹ năng nào?... Đó là hàng loạt thắc mắc của gần 200 doanh nhân, nhà quản lý trẻ tại hội thảo “Nhà lãnh đạo 360 độ” do Học viện ITD Vietnam tổ chức tại khách sạn Equatorial - TPHCM trong hai ngày 1 và 2-10.

Lãnh đạo toàn cầu: Xu thế mới

Ông Jerry Aull, Giám đốc điều hành, phụ trách đào tạo DN của Maximum Impact (Mỹ), chuyên gia đào tạo và phát triển các khóa học kỹ năng lãnh đạo hàng đầu thế giới của các chương trình John C Maxwell (tác giả cuốn sách nổi tiếng Kỹ năng lãnh đạo 360 độ) được ITD Vietnam mời diễn thuyết hội thảo. Những phát biểu của ông gây được sự chú ý cho các nhà quản lý trẻ VN khi bàn đến khái niệm lãnh đạo toàn cầu và chia sẻ kinh nghiệm quản lý theo mô hình mới này.

"

Càng làm ăn lớn, doanh nghiệp sẽ càng... dễ chết nếu tầm quản lý có hạn, không chú ý đào tạo, phát triển đội ngũ quản lý kế thừa

"

Ông cho rằng kỹ năng lãnh đạo toàn cầu - hay kỹ năng lãnh đạo 360 độ - phải theo 5 cấp độ cơ bản: ngộ nhận, vị trí, cương vị, chức vụ và quyền hạn. Hiểu ra, lãnh đạo ở đây không phải làm theo cách áp đặt nhân viên mà tạo môi trường làm việc tự giác hơn là thúc ép, tạo cho thuộc cấp môi trường làm việc thoải mái, nếu không, dễ bị thất bại. Đừng nghĩ ở cương vị điều hành là mọi người cấp dưới nghe theo. Hãy là người dẫn dắt rành đường. Giành được con tim, khối óc của người khác không phải là chuyện dễ. Cần biết, đỉnh cao sự nghiệp cũng là nơi chôn vùi sự nghiệp. Vì vậy, cần thích nghi, định hình lại bản thân. Làm cho nhân viên dưới quyền phát triển, nghĩa là anh đã thành công ở vị trí lãnh đạo toàn cầu.

Những phát biểu của ông Jerry Aull đang “sờ” đúng chỗ nhược của doanh nhân, DN VN hiện nay: Yếu kỹ năng lãnh đạo và nhất là chưa coi trọng xây dựng đội ngũ lãnh đạo kế thừa.

Thiếu nhân lực kế thừa

Thực tế, sau gần một năm VN gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, những hạn chế về năng lực lãnh đạo và xây dựng đội ngũ lãnh đạo kế thừa ngày càng bộc lộ rõ nét trong các DN của VN. Tổng Giám đốc Công ty Strategy Asia, ông Nguyễn Minh Triết, nhìn nhận: Nhìn chung, những ông chủ DN nổi tiếng hiện nay chủ yếu xuất thân từ tay ngang đi lên. Có thể ở thời điểm hiện tại, họ phát triển mạnh về kinh tế, doanh số, nhân lực, nhưng khi bước vào sân chơi chung trong giai đoạn hội nhập cạnh tranh, họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Trên thực tế, đúng như nhìn nhận của ông Triết, đã có một vài DN trong nước rất thành công, gầy dựng được thương hiệu, tên tuổi của mình. Nhưng đứng trước nguy cơ phá sản do càng làm ăn lớn, họ càng bộc lộ những hạn chế về năng lực, tầm quản lý, nhất là thiếu hẳn đội ngũ lãnh đạo giỏi các cấp.

Ông Lê Trần Anh Tuấn, Giám đốc Nhà máy Siam Brothers VN, cho biết sắp tới công ty mở rộng kinh doanh sản xuất nên cần nguồn nhân lực rất lớn, đặc biệt lao động ở cấp quản lý. Theo ông, không gì tốt hơn tự thân vận động, lãnh đạo DN chủ động đi học, trang bị kiến thức mới để làm mới bản thân, giải quyết công việc. Nhưng về lâu dài, chỉ có lãnh đạo đi học không thôi thì chưa đủ. Quản lý sẽ quá tầm, nếu DN không tổ chức đội ngũ lãnh đạo kế thừa.

Có một thực trạng mà ông Tuấn cũng như nhiều nhà quản lý dự hội thảo này thừa nhận là đội ngũ lao động kế thừa trong các DN VN hiện còn hạn chế về chất lượng, chuyên môn và đặc biệt thiếu sự cống hiến, trong khi đối tượng này không phải dễ kiếm trên thị trường lao động.

Bài và ảnh: Nguyễn Thạnh