itaexpress / Tin ITA / Việc làm ITA / Nhu cầu việc làm / Nhân lực vẫn là quan trọng hàng đầu

Nhân lực vẫn là quan trọng hàng đầu

Bà Nguyễn Phương Mai

Bà Nguyễn Phương Mai - Trưởng đại diện Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh - ACCA tại VN, nhấn mạnh như trên và cho biết việc xây dựng đội ngũ nhân sự kế toán, kiểm toán là vấn đề cấp bách đối với phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Phóng viên: Theo bà, hạn chế của các doanh nghiệp (DN) hiện nay là gì?

- Bà Nguyễn Phương Mai: Tôi nhận thấy phần lớn các DN rất năng động, có nhiều tham vọng và rất háo hức với các cơ hội làm ăn mới. Họ chú trọng nhiều đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm sẵn có, tìm thị trường và lĩnh vực đầu tư mới, trong đó nổi bật là đầu tư bất động sản và đầu tư chứng khoán.

Tuy nhiên, theo tôi, các DN chưa có sự chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp. Những người có tay nghề, có chuyên môn cao còn ít và chưa được chuẩn hóa. Rất nhiều DN (theo khảo sát năm 2006 của UNDP) cho biết họ phải đào tạo lại cho sinh viên ra trường sau khi tuyển dụng, vì trình độ của họ không đáp ứng được yêu cầu thực tế.

. Có một thực tế là phần nhiều DN nhỏ và vừa trong nước rất hạn chế về khả năng tiếp cận với các nguồn vốn. Theo bà do đâu?

- Thời gian gần đây, việc vay vốn ngân hàng đã dễ dàng hơn, nhưng các DN nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận nguồn vốn vì các dự án đầu tư có tính khả thi không cao, thông tin tài chính không thực sự rõ ràng và đáng tin cậy. Có một thực trạng phổ biến là những DN nhỏ thường sử dụng người thân tín trong công tác tài chính kế toán hơn là những người có chuyên môn, nên đôi khi báo cáo tài chính không đáp ứng yêu cầu của ngân hàng. Điều này đang và sẽ là bài toán rất khó giải, nếu các DN nhỏ và vừa không thay đổi nhận thức, coi trọng phát triển đội ngũ nhân lực tài chính, kế toán.

. Một số liệu đáng chú ý là khoảng 70% chủ DN hiện nay tại VN không đọc được báo cáo tài chính. Nghĩa là kiến thức, kỹ năng về quản trị tài chính, xây dựng các chuẩn mực về tài chính - kế toán chưa được DN coi trọng...

- Ngay cả trên thế giới cũng vậy, không phải chủ DN nào cũng có kiến thức về quản lý tài chính ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp. Vấn đề là ở chỗ doanh nhân của chúng ta có chịu khó học tiếp không sau khi đã đạt được thành công nhất định. Tôi đã từng đến dự một số lớp học ACCA tại Singapore và được gặp những doanh nhân người Hoa tóc bạc ngồi chung với các sinh viên bằng tuổi con cháu để tự trang bị thêm kiến thức quản lý tài chính cho mình. Khi tôi hỏi học để làm gì, có một ông cho biết: Ông có cơ sở sản xuất, nay phát triển thành công ty lớn, do không có hiểu biết về kế toán tài chính nên ông không kiểm tra được. Vì vậy, ông quyết tâm đi học để quản lý công ty tốt hơn. Tôi tự hỏi, liệu có bao nhiêu doanh nhân VN dám dành hẳn thời gian cho việc học một bằng cấp chuyên ngành để phục vụ cho việc quản lý DN của mình?

. Tới đây, VN sẽ phải áp dụng các chuẩn mực về kế toán, kiểm toán chung của khu vực ASEAN và thế giới. Sự thay đổi này sẽ tạo ra áp lực gì đối với các DN trong nước?

- Việc áp dụng chuẩn mực kế toán – kiểm toán quốc tế thực ra sẽ không tạo nhiều áp lực quá nặng nề cho những DN đã xây dựng được hệ thống quản lý tài chính theo chuẩn mực kế toán – kiểm toán VN, vì nó được xây dựng dựa trên chuẩn mực quốc tế. Ngược lại, những DN chưa áp dụng chuẩn mực này sẽ rất vất vả trong thời gian đầu.

Riêng với nguồn nhân lực ngành kiểm toán, không cần sự thay đổi này thì chúng ta cũng đã phải chú trọng đầu tư. Nhân lực chất lượng cao cho kiểm toán và quản lý tài chính luôn là bài toán khó. Hiện nay, thị trường chứng khoán bùng nổ, thị trường bất động sản hồi phục mạnh mẽ và sự ra đời của hàng loạt công ty chứng khoán và tổ chức tài chính đã đánh dấu bước nhảy vọt chưa từng có của ngành tài chính VN. Từ những năm trước, đã có nhiều cảnh báo của các chuyên gia quốc tế nhưng chúng ta chưa có những động thái đón đầu sự phát triển nhảy vọt này. Vì vậy hiện nay, nguồn nhân lực cho lĩnh vực này thiếu hụt trầm trọng dẫn đến tình trạng các DN thu hút chất xám lẫn nhau. “Cuộc chiến” nhân sự đã ảnh hưởng đến sự phát triển và ổn định của từng đơn vị kinh doanh.

. Theo Bộ Tài chính, đội ngũ kiểm toán có trình độ quốc tế tại VN chỉ mới đáp ứng 1/3 nhu cầu. Với mục tiêu phát triển 500.000 DN vào năm 2010, chúng ta sẽ cần bao nhiêu nhân lực cho lĩnh vực này?

Không nên chỉ bó hẹp trong con số các DN và không nên làm để đối phó, mà cần tính đến kế hoạch lâu dài cho phát triển nhân lực. Phải xem đây là bước đầu tiên cần ưu tiên, vì từ đội ngũ kế toán, kiểm toán viên chất lượng cao – chúng ta mới nâng cao năng lực quản lý tài chính và xây dựng nền tài chính lành mạnh.

D.Q (Thực hiện)

Hợp tác đào tạo, tuyển dụng kiểm toán: 

ACCA, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội và Công ty Kiểm toán Ernst & Young Vietnam vừa ký thỏa thuận về hợp tác đào tạo và tuyển dụng kế toán – kiểm toán. Theo đó, thông qua hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, ba bên cùng tổ chức cuộc thi tìm việc dành cho sinh viên khoa kế toán kiểm toán của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Những sinh viên thắng cuộc sẽ được nhận học bổng kể từ năm thứ ba để theo học và thi lấy chứng chỉ kế toán quốc tế CAT tại kỳ thi quốc tế do ACCA tổ chức hằng năm. Kết quả sau khi ra trường, sinh viên cùng lúc có hai bằng ĐH, bằng ACCA và được Ernst & Young tuyển vào làm việc. Ông Trần Đình Cường, Phó Tổng Giám đốc Ernst & Young Vietnam, cho biết mục tiêu của cuộc thi là để thu hẹp khoảng cách giữa giáo dục hàn lâm trong trường ĐH và đào tạo nghề tại các đơn vị tuyển dụng, qua đó góp phần phát triển nguồn nhân lực ngành kế toán – kiểm toán VN theo hướng phù hợp hơn với yêu cầu sử dụng lao động của thị trường, cũng như giảm thiểu chi phí đào tạo chuyên môn cho đơn vị tuyển dụng.

N.Duy

Nguồn: NLĐO