itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Góc nhìn du khách / Báo New York Times: Văn hóa... rượu của Việt Nam

Báo New York Times: Văn hóa... rượu của Việt Nam

Nhiều người đến Việt Nam vì ẩm thực, vì mê những bãi biển đẹp hoặc tìm hiểu lịch sử; nhưng vợ tôi và tôi đến Việt Nam lần này là để... uống. Chuyến hành hương vì chất lỏng này đã đưa chúng tôi đến những con đường bụi mù đầy gió của vùng rừng núi phía bắc vào một ngày tháng giêng trời nắng.

Mục tiêu của chúng tôi là loại rượu tự nấu của người Việt Nam tại Sa Pa, một thành phố núi kỳ thú nằm cách Hà Nội chưa đầy 200 dặm về phía tây bắc, gần Lào Cai. Đây là quê hương của những dân tộc thiểu số như Hmong Đen và Dzao Đỏ. Bí quyết làm rượu từ gạo của họ đã truyền qua nhiều thế hệ. Lúa gạo là nguồn sống ở đây, nên tất cả những khoảnh đất trống đều được dùng trồng lúa.

Tại Sa Pa, những thửa ruộng bậc thang tạo thành một bức tranh tuyệt vời trong sương mù buổi sáng mà các khu vực khác không có. Thung lũng điểm xuyết bằng những lều gỗ nhỏ, như một chứng minh cho cuộc sống vẫn còn rất riêng trong cộng đồng dân cư ở đây cho dù xe gắn máy và truyền hình vệ tinh đã có mặt. Gia đình Hương. thuộc số ít người nấu rượu ngon nhất Sa Pa. Mỗi tuần, họ bán được hơn 70 lít rượu. Ngồi bên bếp lửa khói bốc mù mịt trong lều, cô Hương vừa thêm củi vừa giải thích kỹ thuật nấu rượu. Trước hết là nấu gạo thành cơm, rồi ủ men trong 2 tuần trước khi nấu lại lần nữa. Rượu tụ lại từ hơi nước bốc lên nhờ một chậu nước hạ nhiệt để phía trên nồi. Những cách làm khác nhanh hơn nhưng cô Hương không muốn rút ngắn thời gian ủ vì sợ mùi vị của rượu sẽ kém hơn và dễ gây nhức đầu. Tôi mua một ít rượu vừa cất xong với giá 10.000 đồng/lít.

Từ Sa Pa, chúng tôi đi xe lửa đêm về Hà Nội, nơi đời sống luôn ở trong tình trạng “thắt cổ chai”. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng gần gấp đôi trong 10 năm qua. Xe hơi ngày càng nhiều xen lẫn với xe hai bánh làm cho đường phố chật hẹp dù đã mở rộng nhiều hơn trước. Hàng cao cấp Louis Vuitton cạnh tranh với những sản phẩm bình dân rẻ tiền nhưng vẫn có khách hàng. Điều ngược ngạo là trong khi có không ít du khách nước ngoài tìm đến Việt Nam để thưởng thức bia thì tầng lớp trung lưu và giàu có đang nổi lên của Việt Nam lại tìm đến những loại rượu ngoại đắt tiền mà quên đi “chất cay” ngon có sẵn. “Tại nhà hàng của chúng tôi, người Việt chi nhiều tiền hơn người ngoại quốc - Marcus Madeja, chủ nhân chuỗi nhà hàng Highway 4 bán hơn 20 loại rượu cao cấp địa phương nói - Bốn phụ nữ Việt có thể nốc hết 4 chai rượu ngoại đắt tiền trong khi một người nước ngoài trợn mắt khi nhìn bảng giá và chỉ gọi một chai bằng phân nửa giá tiền”.

Highway 4 là cỗ máy hái ra tiền của Madeja, sinh ở Thụy Sĩ, có vợ Việt tên Thoa. Họ cho biết nhãn hiệu rượu Sơn Tinh của họ là rượu nấu địa phương sử dụng kỹ thuật Thụy Sĩ. Cách giới thiệu này giống như quảng cáo xe hơi ngoại, nhưng kết quả lại rất tốt. Tại đây cũng có loại rượu nấu theo “bí quyết Minh Mạng thang” với tác dụng cường dương bổ thận.
Dĩ nhiên, nhiều người Việt Nam túi tiền kém vẫn tiếp tục trung thành với những loại rượu truyền thống như rượu rắn chẳng hạn. Theo đồn đãi, rượu rắn gây hưng phấn giống như dùng chất kích thích amphetamine. Nó còn có công dụng lọc máu và giảm đau lưng. Trong chuyến du lịch đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi có ghé quán rượu ở Mỹ Tho để xem trưng bày từng dãy rượu rắn hổ, bò cạp, chim. Tại đây chúng tôi chứng kiến màn trổ tài chặt đầu rắn lấy máu và trái tim. Rượu rắn không hề rẻ, giá một bình King Cobra có khi lên đến 11,5 triệu đồng, tức trên 700USD. Chả trách gì có những làng đua nhau nuôi rắn tẩm rượu và kinh tế khá lên thấy rõ.

Lê Toàn / CA TPHCM