itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Góc nhìn du khách / Nhớ miền thổ cẩm tìm về...

Nhớ miền thổ cẩm tìm về...

Cách đây chừng mươi năm có lẻ, ai về Nà Hang cũng khát khao tìm đến xã Lăng Can để được đắm mình trước cảnh đẹp mơ màng của những cánh đồng bông bạt ngàn bên sườn núi. Hẳn vì thế mà cánh đồng bông và những thước vải thổ cẩm của Lăng Can đã đi vào thơ, vào nhạc của bao thi sỹ. Câu chuyện trồng bông dệt vải của vùng đất này đã khắc họa lên biết bao truyền thuyết, ca ngợi sức sáng tạo và đức tính cần cù của bà con nông dân nơi đây...

Nhưng, chả biết thế nào, giờ đây, câu chuyện trồng bông chỉ còn là ký ức của các bà, các mẹ. Vải thì vẫn dệt đấy, vẫn thấm đẫm mồ hôi của mẹ, của chị trong những canh khuya để làm ra những thước thổ cẩm lung linh sắc màu, nhưng tiếc thay chất liệu dệt thổ cẩm lại được mua từ... ngoài chợ. Nhớ miền thổ cẩm, tôi tìm về Lăng Can - nơi khởi nguyên của nghề trồng bông dệt vải để hỏi các mẹ, các chị vì sao bây giờ không còn trồng bông nữa?
Lạy trời thương lấy hạt bông...

Mùa xuân này, Lăng Can rộn ràng niềm hân hoan khi xã tổ chức lễ hội Lồng tông, một lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày. Theo người già thì đã lâu lắm rồi, ở đây mới lại có một lễ hội to đến thế.
Ngày xưa, người Tày xã Lăng Can cũng tổ chức lễ hội Lồng tông để tạ ơn đất trời, tạ ơn tổ tiên đã sinh ra nghề trồng bông dệt vải, một nghề độc nhất vô nhị của vùng rừng núi Nà Hang thủa ấy.
Hôm ấy, các bản vắng tanh vì mọi người đều đổ đi trảy hội, tổ chức tại một dải đất rộng mênh mông của thôn Bản Kè.
Cụ ông dắt tay cụ bà, các bà mẹ trẻ bìu ríu con thơ, nam thanh nữ tú sánh bước bên nhau về dự hội.
Đến với lễ hội, tôi biết rằng ngoài mong muốn được gặp gỡ bạn bè, người thân nhưng hẳn ở họ có một khát khao cháy bỏng: Cầu cho mưa thuận gió hòa để cây lúa sinh sôi, để cho cây bông đất này lại được nảy nở, giữ lấy cái nghề truyền thống mà theo truyền thuyết, thiên sứ nhà trời đã lặn lội về với trần gian dạy cho người dân Lăng Can nghề đó.
Tại lễ hội, tôi “bám” theo các bà, các mẹ nghe họ cầu cho cây bông, cây lúa. Không phải ai cũng biết điều này đâu nhé. Tôi đã thật may mắn khi được các mẹ tin cẩn mà “dốc” bầu tâm sự về câu chuyện trồng bông.
Bà Nguyễn Thị Đán, năm nay gần 60 tuổi, ở thôn Bản Kè thắc mắc rằng, trong kịch bản lễ hội không hề thấy có một lời nhắc tới nghề trồng bông. Không thể cứ cầu chung chung như thế.
“Tôi cầu cho hạt bông sẽ được ông trời phù hộ gieo xuống đất lên mầm tốt tươi” - Bà chắp hai tay trước kệ hương án liên hồi khấn vái đức thánh thần, lạy trời thương lấy hạt bông.
Ở cả bản này và cả xã này chỉ còn có nhà bà là giữ được vài đấu hạt bông giống, mất giống bông là mất cả một tục lệ tốt đẹp của dân tộc. Tục lệ ấy đã có từ ngàn đời nay, ca ngợi con gái người Tày nết na, giỏi giang hết mực vì nhà chồng mà quên đi bản thân mình.
Bà Đán kéo tay tôi bảo: “Cháu về nhà bá đi, bá cho xem cái này”. Khi tôi còn băn khoăn thì bà Đán đã nhanh tay cầm bộ đồ nghề nào máy ảnh, nào laptop, sổ sách của tôi rời lễ hội như muốn trao gửi một điều gì đó thật thiêng liêng...
Không chỉ là chuyện nghề

Bà Đán nhấn mạnh với tôi rằng, trồng bông dệt vải không chỉ là chuyện nghề cháu ạ mà đó là cả một “kho báu” về truyền thống văn hóa của dân tộc Tày.
Bà giở từng vuông thổ cẩm cho tôi xem, phân tích từng đoạn hoa văn và kể nhiều câu chuyện gắn liền với phong tục hôn nhân của người Tày.
Bà hồ hởi nhờ tôi chụp ảnh những vuông vải thổ cẩm, chụp cả những cái khung cửi cũ kỹ nữa rồi dặn: Nhớ gửi về tặng bà nhé.
Ấy là bà phòng khi cái nghề này bị thất truyền để còn hình ảnh cho con cháu sau này coi.
Tôi nhìn những vuông vải thổ cẩm còn tươi nguyên màu xanh, màu vàng của các loài hoa được thêu dệt từ đôi bàn tay tài hoa của bà Đán mà không khỏi xót xa trước những lo lắng có thật của bà.
Đó, cháu xem, lục tục cả tháng trời mới làm ra được tấm chăn thổ cẩm này đấy. Bây giờ không có đất trồng bông nữa, muốn dệt chăn, quần áo đều phải ra... chợ thôi. Mà sợi ở chợ, mình đâu có hài lòng vì chất sợi không bền, thô ráp lắm.
Ngày trước, nếu tính cả thời gian tách bông, quay tơ làm sợi dệt đủ ít nhất 12 tấm chăn bông và 4 tấm chăn đơn cho ngày “vu quy” thì phải tính hàng năm ròng.
Trước khi lấy chồng, từ cái thủa 13, người con gái đã thành thạo với nghề dệt rồi. Ngày làm lụng việc đồng ruộng, tối về lại thức đến khuya tách hạt bông, quay tơ, nhuộm chàm may quần áo, dệt chăn, gối, đệm.
Cứ làm như thế đến khi tuổi độ trăng rằm, có người ướm hỏi là mang tất về nhà chồng. Người đàn ông khéo chọn vợ thường là để ý xem cô gái đó dệt được nhiều vải, nhiều chăn không mới quyết định cưới làm vợ, còn xinh đẹp và nhan sắc không phải là thước đo.
Ngày xưa, cũng cái nghề trồng bông dệt vải này mà bao cô gái nhà nghèo đã lấy được chồng con nhà danh gia vọng tộc, được cả hoàng tử nhà vua kén làm vợ đấy.
Tương truyền rằng, ở bản nọ của xã Lăng Can có một người phụ nữ nghèo nhất bản vì chẳng may người chồng mất sớm, bao công việc của gia đình, dòng họ đổ hết lên vai người mẹ trẻ.
Người mẹ này có một người con gái, vì nhà nghèo nên không có trang phục đẹp như bạn bè cùng trang lứa đi trảy hội ngày xuân. Chúng bạn không ít đứa chê cười và xa lánh.
Thương con, người mẹ chỉ biết an ủi rằng, cố mà trồng bông dệt cho thật nhiều vuông vải để bạn bè không còn chê cười nữa. Nghe lời mẹ dạy, cô con gái ngày đêm cần cù dệt vải, chất đầy cả một góc nhà.
Mùa xuân ấy, bản mở hội, cô gái trưng diện những bộ trang phục do tự tay mình làm ra cùng mẹ đi trẩy hội. Bao trai làng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp khuê các của cô con gái nhà nghèo ấy.
Ngày hội năm ấy có một sự kiện làm cả bản xôn xao là hoàng tử con vua chán cảnh sống ở cung đình cùng đoàn quần thần đi du ngoạn ở vùng sơn cước này.
Hoàng tử ngất ngây trước vẻ đẹp của núi rừng, vẻ đẹp của những sắc màu thổ cẩm do các cô gái Tày Lăng Can làm ra. Hoàng tử bèn nảy ra việc tổ chức thi tuyển người làm được nhiều thổ cẩm đẹp nhất để “kén” làm vợ. Thế là cô gái con nhà nghèo ấy đã lọt vào “mắt xanh” của hoàng tử, nhưng nàng nhất mực khước từ, xin ở lại bản để được phụng dưỡng mẹ già...
Bà Đán ngậm ngùi dừng câu chuyện. Cái thời hoàng kim của nghề trồng bông dệt vải đã qua rồi. Giờ thì cái gì cũng sẵn, vải vóc, quần áo tràn lan ở ngoài chợ. Bọn trẻ cũng không còn mặn mà với nghề này nữa.
Bà có 4 người con gái thì chỉ có 2 đứa biết dệt thổ cẩm, còn 2 đứa đi học ở xa nên bà không truyền nghề cho chúng được. Hai người con gái đầu của bà thạo nghề lắm, đó là niềm tự hào của bà Đán.
Bà bảo, dù có thế nào cũng phải giữ gìn bằng được nghề dệt vải. Các cháu bà đã lớn rồi, tự bà đã nhận “phần” truyền nghề cho bọn trẻ. Giữ nghề dệt là giữ lấy văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đánh mất nó là có lỗi với tổ tiên.
Nhưng cái khó và cái lo của bà Đán cũng như của hầu hết chị em phụ nữ trong xã là hiện nay giống hạt bông còn rất ít, rất khó có thể gây dựng lại được những cánh đồng bông như trước vì thiếu đất. Đất bây giờ dành cả cho việc trồng rừng, không có đất dành cho cây bông.
Trồng bông và dệt thổ cẩm là một khâu “liên hoàn”, không thể tách rời để tạo nên một vùng thổ cẩm lung linh huyền thoại.
Hồi ức về một nghề mà thời thịnh vượng đã qua của bà Đán khiến tôi đau đáu một câu hỏi: Lăng Can vẫn còn không ít chân đồi còn bỏ đất trống, vì sao không vận động và tạo điều kiện cho bà con trồng bông?
Ông Nguyễn Công Hựu, Chủ tịch UBND xã khẳng định, hiện nay, phần lớn các gia đình ở các bản vẫn còn gìn giữ được nghề dệt vải nhưng chất liệu đúng là đều được mua ở chợ.
Việc ưu tiên đất để trồng rừng là một chủ trương lớn nhưng vẫn có thể quy hoạch một phần diện tích đất để tạo điều kiện cho bà con trồng bông, giữ gìn nghề truyền thống. Xã chưa làm được điều này và đây cũng là một trong những việc “cần làm ngay” của xã trong thời gian tới.
Lăng Can là một trong năm xã của huyện Nà Hang được chia tách để thành lập một huyện mới có tên Lâm Bình. Và hơn thế nữa, Lăng Can còn được chọn làm huyện lỵ của huyện mới Lâm Bình.
Có hai vấn đề được đặt ra cho Lăng Can trong việc giữ gìn nghề dệt thổ cẩm. Nếu gìn giữ và phát huy tốt nghề trồng bông dệt vải thì đó là một lợi thế lớn trong việc tạo việc làm, nâng cao đời sống cho bà con. Hiển nhiên, đây đã là một “làng nghề” được lưu truyền trong nhân dân, không phải hô hào và mất công, mất của trong việc dạy nghề cho người lao động.
Ngược lại, khi luồng gió đổi mới ập đến, không chú trọng nghề truyền thống, Lăng Can không chỉ mất đi một nghề đã có từ lâu đời mà còn đánh mất một giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, hồn cốt của cả một dân tộc.

Theo Thành Công (Tuyên Quang Online)