itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Góc nhìn du khách / Tò he - cái hồn của ngày hội!

Tò he - cái hồn của ngày hội!

Lâu lắm rồi tôi mới lại được trở về quê vào đúng dịp hội làng như thế này. Đình làng hôm nay thật đặc biệt, vừa cổ kính thiêng liêng lại vừa nhộn nhịp rộn ràng… Cây nêu và cờ hoa được trang trí rực rỡ có ở khắp mọi nơi, tiếng hát Chèo truyền thống vọng vang khắp các ngõ xóm, càng làm cho không khí của ngày hội trở nên đặc biệt.

Đang mải ngắm nhìn các em bé lăng xăng theo bà, theo mẹ đội lễ ra Đình, bất chợt thấy bên kia gốc đa già có một bác đang bầy bán những con tò he trên chiếc mẹt nan, cạch chiếc hộp gỗ. Trước mặt người bán hàng là chiếc hộp gỗ mộc mạc cũ kỹ, bên trong đựng những cục bột màu xanh, đỏ, tím, vàng… rất bắt mắt. Dấu ấn thời gian và tuổi tác hiện hữu rõ trên đôi tay thô giáp, gân guốc… nhưng kỳ lạ thật! bàn tay ấy như có phép thần, như hội tụ tất cả những tài hoa của một người thợ điêu luyện. Bàn tay ấy có thể biến những vật liệu đơn giản như: Bột mầu, que tre nhỏ, hộp sáp trơn và một chiếc lược... thành cả một thế giới nhân vật sống động nào tướng, nào binh, nào voi, nào lợn, nào cả những bông hoa rực rỡ sắc mầu… Những con tò he đã nặn xong, chúng được gắn trên một chiếc que nhỏ để cắm vào những lỗ đã khoan sẵn trên bề mặt hộp… đó là nỗi thèm muốn của biết bao đứa trẻ vây quanh.

Nói chuyện với bác, mới biết bác là một nghệ nhân ở làng tò he truyền thống Xuân La - Phượng Dực - Phú Xuyên - Hà Tây, đã bao nhiêu năm tháng gắn bó với nghề, yêu nghề nên bác nhớ tất cả ngày lễ hội của các làng xã gần xa trong vùng. Vào những ngày đó, như đến hẹn lại lên, lễ hội nào bác cũng đến, tỷ mỉ nặn tò he bán cho mọi người, nhất là những em nhỏ. Tôi thật sự khâm phục lòng yêu nghề của bác, bởi tôi biết, nặn tò he không phải dễ, và nghề tò he cũng không thể nuôi sống bất kỳ nghệ nhân nào… Vừa cần mẫn nặn, bác vừa say sưa kể cho tôi nghe quá trình làm nên một sản phẩm, để nặn được những con tò he đẹp đòi hỏi người thợ phải có con mắt thẩm mĩ, một bàn tay khéo léo và một trí tưởng tượng phong phú, thêm vào đó bột nặn phải là thứ nếp dẻo, nhào với đường kính rồi luyện với phẩm mầu cho thật nhuyễn, thật rực rỡ. Bột luyện xong khi nặn phải không dính tay, khi thành sản phẩm rồi đến lúc khô mà bột vẫn rắn, giòn, và mầu sắc vẫn tươi tắn, thế mới gọi là “người thợ Xuân La”.

Ngồi trước gánh tò he, bác cần mẫn thổi hồn vào những nhân vật cổ tích, bọn trẻ con thì bị mê hoặc, ánh mắt chăm chú dõi theo từng thao tác, chi tiết... chúng xúm xít vây quanh bác như ngóng chờ lắm từng sản phẩm mới ra đời. Trẻ con ngày nay được tiếp xúc với nhiều trò chơi hiện đại như máy bay, ô tô, vi tính… nhưng món quà quê kia vẫn là niềm hứng thú của chúng!

Tôi còn nhớ ngày trước, hội trẻ con chúng tôi luôn mong ngóng đến ngày hội làng, không phải bởi ngày hội được đi chơi nhiều hơn, được xem dước kiệu, hay được ăn nhiều món ngon…mà bởi ngày đó sẽ được mua tò he, tò he là món quà đặc biệt mà vào ngày thường ở chợ không bán, chỉ đến khi hội làng mới có!… cứ mỗi dịp hội làng là đứa nào cũng đòi mẹ mua cho bằng được một con tò he, có đứa tham lam còn khoái chí khoe khoang tất cả số tò he mà mình có… như thế là hãnh diện lắm!... Bọn thằng Tuấn thích rồng, thích Tôn Ngộ Không, còn cái Hoa lại thích đàn lợn, tôi thì lại thích mấy cái hồ lô nhỏ nhỏ xinh xinh và con gà trống hơn… khi chơi chỉ dám nhè nhẹ, khe khẽ, nâng niu, không được làm bẩn hay làm sứt …

…Một em bé bị bạn đuổi chạy va vào người, tôi mới chợt nhận ra mình đang đứng ở cổng đình, đứng trong cái không khí an hoà vui vẻ của xóm thôn. Tôi hiểu rằng cái hồn của hội làng không chỉ ở tiếng hát chèo truyền thống, ở những cây nêu, cờ hoa hay tế, dước, mà còn ở cả những mẹt tò he giản dị kia…

Theo Báo Hà Tây