itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Hướng về quê hương / Những tiếng rao

Những tiếng rao

Người ta ưa than phiền vì phải hứng chịu quá nhiều âm thanh hỗn độn trong cuộc sống thường ngày. Nhưng nếu biết lắng nghe, ta sẽ phát hiện ra mỗi âm thanh đều mang ý nghĩa.

Từ khi còn bé, tôi đã thích nghe tiếng rao của những người bán hàng rong. Mỗi người một giọng, khó mà lẫn lộn. Có giọng ngọt ngào, có giọng lảnh lót, có giọng nghe thiệt chói tai… Ở quê tôi, mỗi ngày, có mấy lượt người bán dạo đi vào trong xóm. Má ưa đón dì Hai, người phụ nữ nhỏ bé có giọng rao thiệt ngọt với gánh đồ rẫy nặng oằn vai để mua mớ rau, trái bầu, trái bí. Trong ký ức tôi vẫn còn in đậm hình ảnh chú bán củi, áo ướt đẫm mồ hôi, đẩy một xe đầy trong buổi trưa nắng gắt với tiếng rao gọn hơ “củi hôn?”. Bác bán muối đạp chiếc xe cà tàng, rong ruổi qua các nẻo đường, tiếng rao mời mua hàng hay bị hụt hơi “Mu…ối”. Tiếng rao kèm tiếng chuông leng keng của ông bán kẹo kéo; anh bán si rô là cả niềm mong ngóng, chờ đợi của đám trẻ nhà quê; nhiều khi tối ngủ cũng còn mơ thấy. Ông ngoại mỗi dịp cuối năm lại chờ tiếng rao sang sảng của chú Tư chùi đồ thờ. Ngoại nói cả năm có được mấy ngày, phải đánh bóng lư hương, tủ ghế để rước ông bà về ăn tết.

Ở phố cũng chẳng thiếu tiếng rao. Những tuyến đường lớn, những con hẻm nhỏ chạy ngoằn ngoèo giữa lòng thành phố đâu đâu cũng có người mua bán rong. Nhiều nhất vẫn là người đi mua phế liệu. Người ta rao cái câu mà chắc ai cũng đã nghe qua “ve chai, dép đứt, mủ bể đồ bán đê” hay bóp cái kèn đỏ đỏ kêu tò tét, tò tét. Ngày trước còn thu cả lông vịt, lông gà nhưng bây giờ gà, vịt làm sẵn hết rồi nên chẳng thấy ai rao mua nữa. Có lần tôi thấy hai người bán dạo, một người còn khỏe manh, một người đã già yếu nương tựa vào nhau, họ mời khách mua vé số bằng hai câu hát cao vút nhưng nghe cũng thiệt buồn. Nhiều khi mưa gió, ở trong nhà ấm áp, ta vẫn nghe tiếng rao trầm trầm hòa lẫn với tiếng đạp xe nhẫn nại trong đêm của những người bán bánh. Dạo này, một vài tiếng rao quen thuộc không còn xuất hiện. Có lẽ cuộc sống đã khá hơn nên họ không còn theo nghề này nữa hay vì tuổi già chẳng còn đủ sức bán buôn?

Cuộc sống giờ hiện đại, nhiều người chuyển qua rao bằng loa máy. Những tiếng rao “keo dính chuột”, “bánh mì nóng giòn, đặc biệt thơm bơ”, “ép dẻo giấy tờ”… có mặt khắp phố phường. Mỗi lần nghe tiếng rao bằng loa máy, bỗng thèm những tiếng rao mộc mạc ngày nào. Nhưng rồi cũng chợt hiểu rằng, những người bán rong đã hao tốn biết bao sức lực để rao hàng hết ngày này qua ngày khác. Âu đó cũng là một cách để giúp người đi bán dạo đỡ vất vả hơn. Chỉ mong ai đó, dù có lỡ bị những tiếng rao làm phiền thì cũng không nên tỏ thái độ bực bội vì cái nghề này vốn đã nhọc nhằn, đừng để người ta phải gánh thêm buồn tủi.

Hương Giang