itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Du học / Vấn đề khi đi du học: Sốc văn hóa

Vấn đề khi đi du học: Sốc văn hóa

Ảnh: Việt Phương

"Bạn nên tìm hiểu về văn hóa, phong tục tập quán và một số thông tin thiết yếu của nước mà bạn sắp đến. Có như vậy thì bạn sẽ đỡ bỡ ngỡ hơn khi bắt gặp những điều không như mình tưởng tượng trước đó".

Nhiều bạn trẻ đã gặp phải một số rắc rối nhất định trong việc hòa nhập với môi trường đa quốc tịch và đa văn hóa khi đi du học. Có bạn thì tỏ ra hoảng sợ vì những thứ "không bình thường" xung quanh mình. Có bạn thì cảm thấy khó hòa nhập với những lối cư xử quá mới hoặc ngôn ngữ từ các quốc gia khác nhau mà nó khác xa với những gì tưởng tượng trước đó. Triệu chứng này được biết đến dưới khái niệm "sốc văn hóa".

Sốc văn hóa là gì?

Khái niệm "Sốc văn hóa" được đưa ra lần đầu tiên năm 1954 bởi nhà nhân loại học người Mỹ Kalvero Oberg (1901-1973). Theo đó, "Sốc văn hóa" là thuật ngữ dùng để miêu tả trạng thái lo lắng và cảm giác ngạc nhiên, rối loạn, bối rối... khi một người nào đó tiếp xúc với một môi trường xã hội hay văn hóa khác biệt, ví dụ như khi đi ra nước ngoài. Nó gây ra tình trạng khó hòa nhập trong môi trường mới và không biết nên làm gì cho phù hợp với hoàn cảnh.

Gần đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, sốc văn hóa cũng có mặt tích cực của nó khi thôi thúc con người ta vượt qua khó khăn và rèn luyện bản thân nhiều hơn. Du học sinh là những người chịu ảnh hưởng của sốc văn hóa khá nhiều bởi tuổi đời của họ còn trẻ và chưa có nhiều va chạm với các mối quan hệ trong cuộc sống. Khái niệm "sốc văn hóa" không chỉ được áp dụng với các du học sinh mà còn được áp dụng cho khách du lịch hay bất cứ ai di chuyển đến một môi trường văn hóa mới lạ và khác biệt với nền văn hóa đã thân thuộc trước đó. Ở một số nơi, sốc văn hóa còn được biết đến dưới khái niệm "va chạm văn hóa".

Du học sinh Việt Nam và sốc văn hóa

Ở Mỹ và các nước phương Tây, trẻ em thường được cha mẹ tập cho tính tự lập từ bé. Đến tuổi thiếu niên hay thanh niên, nhiều người đã phải dọn ra ở riêng hay sống tự lập hoàn toàn. Còn ở Việt Nam, con cái có thể sống với cha mẹ từ bé cho đến khi học đại học và nhiều khi còn được bố mẹ nuôi cho đến hết thời kỳ đèn sách. Với sự bảo bọc của phụ huynh như vậy, không ít bạn đã bỡ ngỡ khi bước vào đời với bao điều mới lạ. Họ lại là những đối tượng có nguy cơ bị sốc văn hóa cao khi đi du học.

Cao Phương Thanh, người đã từng du học tại một trường đại học của Mỹ nhận xét: "Sốc văn hóa có thể là một vấn đề nghiêm trọng đối với du học sinh Việt Nam và cả các du học sinh đến từ các nước khác. Đột nhiên các bạn sẽ cảm thấy rất choáng ngợp trước những gì đang diễn ra xung quanh mình. Trong những thứ mới lạ đó, điều hay ho đáng học hỏi cũng có, mà cạm bẫy đưa đẩy các bạn sa ngã cũng nhiều".

Trước cú sốc văn hóa, người ta có nhiều phản ứng khác nhau. Phương Thanh dẫn chứng rằng khi cuộc sống không còn bị kiểm soát như lúc ở quê nhà, nhiều bạn muốn thử qua tất cả những chuyện mình chưa bao giờ thử trong môi trường mới như nhậu nhẹt, nhảy nhót, hút chích, cúp học, và thậm chí là "sống thử" với người yêu của mình. Tuy nhiên, cũng theo Phương Thanh, có bạn sẽ cảm thấy thật lạc lõng vì không thể hòa nhập được và ngày càng thu mình vào vỏ ốc của chính mình. Vì vậy, nhiều du học sinh do không thích ứng nổi với môi trường đa văn hóa mới lạ nên đã bỏ lỡ nhiều cơ hội tiếp thu những kinh nghiệm và kiến thức từ môi trường mới.

Lý giải về tình trạng tự tách biệt bản thân này, Lê Liêm, một sinh viên Việt Nam đang theo học tại trường Đại học Bách khoa Bucharest (Rumani) nói: "Các sự khác biệt về văn hóa và trình độ ngoại ngữ kém khiến sinh viên Việt Nam ngại giao tiếp với sinh viên nước ngoài. Vì vậy, càng ngày họ càng ngại nhiều hơn và làm cho họ đã kém ngoại ngữ lại càng kém hơn". Lê Liêm khuyên các du học sinh khác nên mạnh dạn giao tiếp với người nước ngoài bởi chỉ có như vậy các bạn mới tự tin hơn trong giao tiếp và hơn hết, đó là cơ hội quý giá mà chỉ khi ra nước ngoài bạn mới có được.

Những gì mà Phương Thanh và Lê Liêm vừa nói cũng là tình trạng chung của nhiều du học sinh Việt Nam khi mà các bạn chỉ quây quần trong nhóm đồng hương với nhau. Trường hợp của Nguyễn Đăng Tài, một sinh viên đang theo học tại trường Đại học Assumption (ABAC) của Thái Lan thì lại khác. Tài là điển hình cho du học sinh, anh rất chịu khó giao lưu với các sinh viên đến từ nước khác như Nhật, Thái Lan, Bangladesh... Tuy cũng có chơi với một vài người bạn Việt Nam nhưng Tài cũng không tránh khỏi việc bị các bạn cùng quê hương, những người ít giao lưu với các sinh viên nước ngoài, chê trách là "sính ngoại" và kỳ thị đồng hương.

Khắc phục tình trạng sốc văn hóa

Để khắc phục tình trạng sốc văn hóa, Tài khuyên các bạn sắp đi du học: "Bạn nên tìm hiểu về văn hóa, phong tục tập quán và một số thông tin thiết yếu của nước mà bạn sắp đến. Có như vậy thì bạn sẽ đỡ bỡ ngỡ hơn khi bắt gặp những điều không như mình tưởng tượng trước đó". Tài cũng đưa ra ý kiến rằng chịu khó quảng bá văn hóa Việt Nam cho bạn bè quốc tế và tìm hiểu văn hóa nước bạn, còn gọi là sự trao đổi văn hóa, cũng là một cách hay để thấy rằng môi trường mới lạ mà mình đang đối mặt không có gì là đáng sợ cả.

Phương Thanh thì cho rằng: "Để tránh các tác động xấu từ sốc văn hóa, mỗi du học sinh nên đặt ra mục tiêu sống của riêng mình, trong đó, mỗi bạn sẽ xác định rõ những giá trị văn hóa mà mình trân trọng và lấy đó làm kim chỉ nam cho mọi hành động của bản thân. Nhờ vậy, các bạn sẽ tránh được những ảnh hưởng xấu của môi trường mới khi bắt đầu cuộc sống xa nhà. Tuy nhiên, các bạn cũng không nên khép mình hoàn toàn trước những nét văn hóa mới. Vì biết đâu trong những cái mới đó, mỗi chúng ta lại tìm thấy một giá trị sống thật hay để có thể bổ sung vào mục tiêu cuộc sống và làm cho cuộc sống của mình hoàn thiện hơn".

Trước những nét văn hóa mới có thể làm bạn sốc, hãy tạo ra cảm giác hào hứng khám phá cái mới để cảm giác sốc có thể giảm bớt. Nhưng hơn hết, đừng đánh mất những giá trị văn hóa của quê hương mà mình đang có.

Việt Phương