itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Pháp luật / 10 năm vẫn chưa kết thúc một vụ kiện tranh chấp thừa kế

Nhà 17 Phùng Khắc Khoan, Hà Nội: 10 năm vẫn chưa kết thúc một vụ kiện tranh chấp thừa kế

Nhà 17 Phùng Khắc Khoan, Hà Nội.

Đường dây nóng của Báo Lao Động nhận được phản ánh của đồng nguyên đơn là ông Lê Văn Tường, Lê Văn Hải và bà Lê Thị Liên về bản án phúc thẩm của Toà phúc thẩm TA ND Tối cao tại HN chưa thấu tình, đạt lý trong việc xét xử tranh chấp thừa kế tại căn nhà 17 Phùng Khắc Khoan với bị đơn là ông Lê Văn Cát.

Ông Lê Văn Tường ở 19 Phùng Khắc Khoan, là nguyên đơn cho rằng, sau khi cải tạo nhà năm 1961, Nhà nước có để lại nhà 17 Phùng Khắc Khoan và diện tích 20m2 làm nhà thờ họ, nhưng do các đồng sở hữu đi nước ngoài hoặc đã chết, nên cụ Huấn đứng tên. Do đó, khi cụ Huấn mất phải phân chia thừa kế ngôi nhà đều cho những người con đẻ trong nhà. Tuy nhiên, ông Lê Văn Cát (bị đơn) lại cho rằng, nhà 17 Phùng Khắc Khoan là nhà của ông, vì cụ Huấn đã có di chúc cho toàn quyền sử dụng.

Tại toà phúc thẩm Toà án NDTC tại Hà Nội, bị đơn là ông Lê Văn Cát và bà Lê Thị Sâm đã đưa ra bản chúc thư của cụ Lê Văn Huấn viết ngày 9.3.1987, trong đó, để lại toàn bộ tài sản căn nhà 17 Phùng Khắc Khoan cho con trai là Lê Văn Cát và con dâu là Quách Thị Sâm. Tuy nhiên, các nguyên đơn cho rằng, bản chúc thư mang tên cụ Lê Văn Huấn là giả mạo, bởi lẽ cán bộ UBND phường Ngô Thì Nhậm đã vi phạm nghiêm trọng quy định về công chứng, chứng thực.

Về việc này, ngày 18.4.1998, bà Hồ Thị Minh - Chủ tịch UBND phường Ngô Thì Nhậm - trong văn bản số 29 đã trả lời các nguyên đơn: "UBND phường khẳng định, việc xác nhận chúc thư của cụ Lê Văn Huấn là không có giá trị pháp lý, do đó, không là chứng cứ để giải quyết quyền lợi liên quan đến diện tích 27,55m2 tầng 1 nhà 17 Phùng Khắc Khoan".

Trước diễn biến tại toà, Toà phúc thẩm TAND Tối cao tại phiên toà phúc thẩm ở HN ngày 4.5.2007 đã dừng phiên toà để trưng cầu giám định đối với chữ ký của cụ Lê Văn Huấn tại Viện Khoa học hình sự Bộ CA.

Trả lời về xác định mẫu chữ ký trưng cầu giám định của cụ Huấn, Viện Khoa học hình sự Bộ CA, ngày 13.8.2007 khẳng định: "Qua nghiên cứu, phân tích và các biện pháp nghiệp vụ chuyên dụng cho thấy, chữ ký đứng tên Lê Văn Huấn trên tài liệu cần giám định so với mẫu hiện có số lượng cung cấp quá ít (1 mẫu), lại cách xa về thời gian nên không đủ điều kiện để tiến hành giám định so sánh. Do đó, đề nghị Toà phúc thẩm, Toà án NDTC tại Hà Nội cung cấp số lượng ít nhất là 3 bản chữ ký của ông Lê Văn Huấn từ năm 1980 - 1990".

Tuy nhiên, thực khó hiểu, ngày 16.10.2007, Toà phúc thẩm TAND Tối cao tại HN, trong phiên toà do thẩm phán Nguyễn Đức Việt chủ toạ đã không hoãn phiên xét xử lần hai theo đề nghị của các nguyên đơn để tiếp tục trưng cầu, giám định chữ ký trong chúc thư mà đã ra phán quyết: Bác toàn bộ đơn kháng cáo của các đồng nguyên đơn; giao toàn bộ tài sản tranh chấp gồm diện tích 27,55m2 nhà 17 Phùng Khắc Khoan và... cả gian nhà thờ gia tộc họ Lê cho vợ chồng ông Cát được sở hữu riêng. Chính điều này dẫn tới các nguyên đơn tiếp tục có đơn khiếu nại xét lại bản án theo trình tự giám đốc thẩm.

Không hiểu vì sao, dưới phường đã nhận sai, mà toà trên vẫn phán là đúng?

Theo Quang Hiệu / Laodong