itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Pháp luật / Giảm tai nạn, ùn tắc giao thông: đẩy mạnh tuyên truyền, tăng xử phạt

Giảm tai nạn, ùn tắc giao thông: đẩy mạnh tuyên truyền, tăng xử phạt

Thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2007; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008, nhiều đại biểu đã đặc biệt nhấn mạnh đến việc phải cải thiện kết cấu hạ tầng đô thị, chống ùn tắc giao thông và chống tham nhũng, lãng phí đang diễn ra như một thách thức với công tác quản lý nhà nước.

Quy hoạch chưa theo kịp sự phát triển

Bức xúc vì tình hình tai nạn và ùn tắc giao thông thời gian qua, đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) cho rằng, bên cạnh việc đội nón bảo hiểm còn công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, rồi ý thức của người tham gia giao thông, cơ sở hạ tầng, chất lượng phương tiện, chế tài xử phạt… Bởi nếu chỉ đội nón bảo hiểm đồng loạt, mà tình trạng không có bằng vẫn lái xe, học giả lại bằng thật, say rượu bia vẫn lái, nghiện ma túy vẫn lái, không đảm bảo sức khỏe vẫn lái thì khó có thể giảm được tai nạn giao thông.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) cho rằng cần phải có một số biện pháp mạnh để có thể góp phần giải quyết những vấn đề trước mắt và những vấn đề lâu dài về tai nạn giao thông, cũng như ùn tắc giao thông, đó là cần cải thiện và tăng cường sự hiểu biết luật giao thông cũng như ý thức trách nhiệm cộng đồng khi tham gia giao thông. Tiếp đến là xử lý vi phạm thông qua hệ thống ngân hàng bằng cách quy định mở tài khoản và đặt cọc một khoản tiền vào ngân hàng trước khi cấp đăng ký xe, cấp bằng lái xe, bằng lái mô tô. Số tiền trong tài khoản đó vẫn được hưởng lãi nhưng không được rút ra mà để phục vụ cho việc đảm bảo cam kết thực hiện an toàn giao thông. Việc này vừa đảm bảo minh bạch cho việc kiểm soát thực hiện các khoản phạt giao thông trên đường;…

Đại biểu Hồ Nghĩa Dũng (Đắc Nông) – Bộ trưởng Bộ GT-VT, thừa nhận, đây là những vấn đề đáng báo động, đặc biệt tại TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ đều có số tai nạn chết người tăng cao hơn so với mức tăng bình quân của cả nước. Bên cạnh đó là vấn đề ùn tắc giao thông ở hai địa bàn trọng điểm là Hà Nội và TPHCM được Bộ trưởng Bộ GT-VT nhấn mạnh là “bùng phát” với lần lượt 71 và 30 điểm có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng kéo dài trong nhiều giờ.

Giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GT-VT cho rằng đó là giảm mật độ giờ cao điểm bằng cách bố trí lệch giờ ở các cơ quan và trường học; tiếp tục chiến dịch tuyên truyền của các cơ quan báo, đài, các cơ quan đoàn thể, trong trường học; tiếp tục tăng vận tải hành khách công cộng; chấn chỉnh trật tự đô thị và lập lại trật tự hè đường; xử phạt nghiêm vi phạm giao thông và cuối cùng là phải thực hiện quy hoạch phát triển giao thông của 2 TP Hà Nội và TPHCM.

“Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông TPHCM và đang xem xét để phê duyệt quy hoạch giao thông của TP Hà Nội; quy hoạch này gắn kết vào quy hoạch kinh tế -xã hội khác. Đồng thời, đang xây dựng chiến lược an toàn giao thông quốc gia trong thời gian từ nay đến năm 2010. Song song, xây dựng một chiến lược bền vững, có giải pháp tương đối toàn diện, lâu dài hơn về vấn đề an toàn giao thông”- ông Dũng nói.

Mạnh tay với tiêu cực, tham nhũng, lãng phí

Một nội dung quan trọng được nhiều đại biểu đề cập là việc phòng, chống tham nhũng lãng phí và những sai phạm từ Đề án 112, được nêu ra như một điển hình. Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đề cập: “Cái lớn chúng ta nói đến là lãng phí, tham nhũng, điều đó có thể nói chúng ta đang mạnh tay để xử lý; nhưng thông điệp quan trọng hơn là năng lực lắng nghe của những người lãnh đạo.

Bởi vì chúng ta đều biết khi triển khai đề án ấy đã có không ít ý kiến của những người có trách nhiệm, có trình độ cảnh báo, nhưng tại sao Chính phủ không biết lắng nghe. Điều đó không những thất thoát đi rất nhiều trí tuệ của nhân dân, của tầng lớp trí thức, của những nhà chuyên môn mà đồng thời nó dẫn đến hậu quả “tiền mất tật mang” như chúng ta thấy”. Cũng theo đại biểu, Chính phủ nên có một cơ chế, một hệ thống để có thể thu thập được tiếng nói của dân, tiếng nói của các nhà chuyên môn để biến họ - những tham mưu của nhân dân cho những đường lối, chính sách và để điều chỉnh kịp thời, tránh những thất thoát và những thất bại như đã xảy ra.

Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa), đánh giá cao việc Thủ tướng Chính phủ đã có những động thái tích cực đối với các vụ án trọng điểm và những việc làm thiết thực được dư luận, cả nước đồng tình tin tưởng như xử lý một phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, một phó Tổng Thanh tra Chính phủ, xử lý nghiêm minh những cá nhân sai phạm liên quan đến Đề án 112…

Nhưng nói rộng ra, theo đại biểu Cuông, hiện vẫn còn một bộ phận lãnh đạo các cấp hoạt động mờ nhạt và nền hành chính còn trì trệ kém hiệu lực, sự chuyển biến cho cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng lãng phí tuy có chuyển biến, nhưng chưa mạnh và chưa rõ nét.

Tình trạng nhũng nhiễu dân và doanh nghiệp của cán bộ, chuyên viên các cơ quan nhà nước vẫn chưa có chuyển biến đáng kể, nhiều hoạt động ngầm vẫn tiếp tục xảy ra ở diện rộng và mức độ ngày càng tinh vi, phức tạp có tổ chức, tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn chưa giảm, đụng vào đâu cũng thấy có vấn đề, có biểu hiện chạy chọt, ô dù.

Miễn giảm thêm những khoản thu phí, lệ phí

Liên quan đến các vấn đề xã hội, nhiếu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã kiến nghị Chính phủ xem xét, miễn giảm một số khoản thu phí, lệ phí… đang là gánh nặng của người dân, đặc biệt là nông dân.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Tuyên Quang), để giúp người dân giảm gánh nặng này và giúp một cách kiên quyết, khẩn trương, đề nghị ngoài việc miễn thủy lợi phí, cần xóa bỏ ngay một số khoản đóng góp cho nông dân như các khoản thu phí liên quan đến hộ tịch, hộ khẩu, chứng thực hồ sơ đi học, đi làm, phí làm chứng minh nhân dân...

Ý kiến của một số đại biểu Quốc hội cũng kiến nghị, cần xem xét miễn thu học phí cho bậc học mầm non, cho bậc học trung học cơ sở đối với học sinh ở nông thôn, miền núi. Vẫn theo đại biểu Nguyễn Văn Sơn, đây không phải là khoản thu lớn nhưng nó ảnh hưởng rất lớn đến việc trẻ em ở nông thôn, ở miền núi có thể đến trường được hay không. Nếu làm được điều này thì có lẽ chúng ta đã giúp cho trẻ em ở nông thôn có cơ hội học hành, ít nhất là học xong bậc trung học cơ sở. Đây cũng là tiền đề quan trọng để giảm bớt khoảng cách ngày càng gia tăng giữa miền núi - miền xuôi, giữa nông thôn - thành thị và cũng để tăng trưởng kinh tế cao, đem lại lợi ích công bằng hơn giữa các vùng miền trong cả nước, đặc biệt là cho lợi ích của nông dân và nông thôn.

Cùng chung quan điểm về giảm các khoản thu phí, lệ phí đối với người dân, đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho rằng có thể xem xét miễn toàn bộ học phí cho học sinh khối trung học cơ sở cho con em nông dân để nhằm thực hiện thành công việc phổ cập trung học cơ sở vào năm 2010. Bà Minh cũng hoan nghênh quyết định của Thủ tướng miễn toàn bộ thủy lợi phí cho nông dân, đồng thời đề nghị miễn học phí cho nhóm trẻ 5 tuổi học ở các lớp mầm non chuẩn bị vào lớp 1 ở các vùng, nếu như chúng ta xét thấy chưa đủ điều kiện để miễn toàn bộ cho nhóm trẻ mẫu giáo của con em nông dân.

Ngọc Quang – Việt Lan

Tích tụ ruộng đất 

Hôm qua, 29-10, bên lề kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát (ảnh) đã chia sẻ một số ý kiến về việc đầu tư cho phát triển nông nghiệp – nông thôn cũng như vấn đề nông dân bỏ ruộng cùng quá trình tích tụ ruộng đất hiện nay. Bộ trưởng nói:

Việc di cư từ nông thôn ra thành thị là một quá trình tất yếu nhưng cách đi như thế nào và ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đất nước phụ thuộc vào chiến lược phát triển của chúng ta. Nếu như kinh tế nông thôn phát triển chậm và chúng ta tập trung cao vào đô thị thì quá trình di cư sẽ diễn ra ồ ạt, dẫn đến khó kiểm soát cho khu vực đô thị như tắc nghẽn giao thông, áp lực đối với các dịch vụ công ở đô thị… Chúng ta mong đợi một quá trình di cư phù hợp với tiến trình phát triển ở cả nông thôn và thành thị. Theo tôi, chiến lược tốt nhất là tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn để tạo điều kiện cho bà con nông dân có việc làm, có thu nhập tại quê nhà. Việc di cư từ nông thôn ra thành thị sẽ có kiểm soát, như vậy sẽ bền vững hơn.

- Chúng ta có kế hoạch phát triển nông nghiệp nông thôn nhưng ngân sách năm 2008 không tăng so với 2007 liệu có đảm bảo mục tiêu phát triển?

Chính phủ đã cố gắng cân đối và đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn bằng nhiều nguồn, kết hợp giữa ngân sách, trái phiếu chính phủ và ODA. Theo tôi, còn một nguồn rất quan trọng, đó là đầu tư của nông dân vào các doanh nghiệp. Chúng ta phải điều chỉnh cơ chế chính sách để thu hút nhiều hơn đầu tư của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn và coi đây là nguồn lực quan trọng.

- Nhưng trên thực tế, người nông dân vẫn phải gánh rất nhiều khoản phí, lệ phí?

Vừa qua Bộ NN-PTNT đã phối hợp với Bộ Tài chính điều tra về vấn đề này và đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất sẽ giảm một số loại phí. Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì xem xét vấn đề này.

- Vấn đề đầu tư cho nông thôn và các vùng kinh tế trọng điểm còn nhiều ý kiến: một luồng ý kiến thì cho rằng cần nhưng nhiều ý kiến khác cho rằng đầu tư cho vùng đô thị mới đạt hiệu quả cao?

Theo tôi, cần phải tìm ra một hướng hài hòa cho cả hai, không nên tập trung quá cao vào các vùng kinh tế trọng điểm mà như tôi đã nói ở trên. Cách tốt nhất là phải đồng thời đầu tư cho khu vực nông thôn để bà con nông dân cũng được hưởng lợi từ thành quả phát triển kinh tế, không để khoảng cách giữa nông thôn và thành thị giãn ra quá xa.

Trong hoàn cảnh vừa qua, Chính phủ cũng đã cố gắng đầu tư cho nông thôn nhưng trong điều kiện mới cần phải có điều chỉnh vì xu hướng là không chỉ có đầu tư của nhà nước mà cần phải tạo môi trường thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế và coi đầu tư của các thành phần kinh tế là nguồn lực quan trọng nhất thúc đẩy phát triển khu vực nông thôn.

- Nhưng nhiều địa phương vừa qua đã xuất hiện tình trạng bà con nông dân trả lại ruộng?

Thực ra chúng tôi cũng có thông tin về vấn đề đó, ở nơi này, nơi khác, bà con làm ăn không hiệu quả nên trả lại ruộng. Hơn nữa, sự phát triển của công nghiệp – dịch vụ cũng như việc đầu tư rất lớn của nhà nước và các thành phần kinh tế khác tạo ra cơ hội việc làm hấp dẫn hơn nên họ đã đi ra thành phố.

- Vậy vấn đề tích tụ ruộng đất trong thời gian tới sẽ được xử lý như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Tích tụ ruộng đất sẽ là một quá trình tất yếu nhưng nó phải diễn ra phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tức là phải tạo việc làm rồi mới thu hút lao động nông thôn và trên cơ sở đó sẽ thực hiện việc tích tụ ruộng đất chứ không thể đốt cháy giai đoạn, tích tụ trong khi bà con nông dân chủ yếu vẫn đang sống dựa vào ruộng đất, nông nghiệp.

- Cảm ơn Bộ trưởng.

Anh Nhi ghi