itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / "Bán" tuổi thơ mua... cơm áo

"Bán" tuổi thơ mua... cơm áo

Không ai ngờ, Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT), một tỉnh tràn trề tiềm năng dầu khí, du lịch, hải sản, hàng năm thu nộp ngân sách chỉ thua TPHCM, lại có góc khuất đau lòng với hàng trăm trẻ thơ phải biến đêm thành ngày.

Những đứa trẻ phải "bán" tuổi thơ, bán những giọt mồ hôi non nớt để đổi lấy miếng cơm, manh áo; phải mua con chữ giá... 2.000đ/buổi học mà tương lai thì mờ mịt.

Tuổi thơ ngập trong... cá tanh

Phường 12, TP.Vũng Tàu (tỉnh BRVT) lúc 0 giờ, trời se lạnh, tĩnh mịch. Những ngôi nhà im lìm như chìm theo giấc ngủ say của chủ nhân. Gần 1h sáng bất chợt có tiếng loảng xoảng, rì rầm và ánh lửa bập bùng. Những người lao động nghèo trong các khu nhà trọ đang chuẩn bị cho một ngày làm việc.

Tại căn phòng trọ vách lá lè tè, xập xệ (thuộc dãy nhà trọ của ông L.H), chị Lâm Chí Trang (quê Hậu Giang) hối hả dựng 3 đứa con dậy, quẹt quẹt chiếc khăn mặt ướt đẫm sương đêm lạnh ngắt cho chúng tỉnh ngủ để kịp theo gia đình tới các vựa cá kiếm miếng sinh nhai.

Ba anh em Bảo, Trung, Dũng; đứa lớn nhất 11 tuổi, nhỏ nhất 8 tuổi, mắt mũi cay sè, bỏ chiếc ghế nhỏ vào cái xô đựng dao kéo, bước thấp bước cao tất tả theo mẹ. Thấy bé Bình (con chị Nguyễn Thị Sin - Hậu Giang) lũn cũn đi dưới chiếc nón mê mẹ vừa đội cho để tránh sương, ba anh em xúm lại trêu chọc. Tiếng trẻ thơ vẫn hồn nhiên, nhưng lanh lảnh trong khuya khoắt khiến người ta thảng thốt.

Có gần 30 đứa trẻ, cả trai lẫn gái trạc tuổi như ba đứa con chị Trang chỉ riêng ở khu nhà trọ hơn 10 phòng này đều thức giấc để "biến đêm thành ngày", lũn tũn, tất tả đi trong ánh trăng nhờ nhờ. Nhưng con số không dừng ở đó. Tôi đếm sơ sơ ở phường 12 này đã có hơn 10 cơ sở chuyên sơ chế cá bò (không tính các DN), với lượng lao động trung bình từ 100- 200 người, mà phân nửa là trẻ em. Như vậy thì có hàng trăm đứa trẻ phải "quăng mình" vào cá tanh như Bảo, Bình. Ở các khu làng cá khác như khu cảng Cát Lở, phường 5... có hàng trăm trẻ em làm nghề này theo cha mẹ. Hầu hết họ đến từ các tỉnh ĐBSCL.

Vừa ngáp liên tục, bé Trung bảo, chúng đã quen như vậy rồi, kể từ 3 năm trước khi rời Hậu Giang lên xóm nhà trọ "miền Tây" này. Gọi "xóm trọ miền Tây" bởi theo ông chủ nhà thì bao nhiêu tỉnh miền Tây đều có người ở trọ tại phường 12 này để gia công cá cho các chủ vựa.

Phút tuổi thơ ở nhà trọ "miền Tây".

Tại cơ sở sơ chế cá của ông S.Q (phường 12, TP.Vũng Tàu), đồng hồ mới chỉ hơn 2h sáng mà đã có cả trăm người hối hả cắt đầu, philê cá. Tại cơ sở của ông B.S gần đó cũng có gần 100 người đang lúi húi làm việc. Người quản lý ở đây cho biết, mỗi ngày xưởng sơ chế từ 20-30 tấn cá bò, thu hút từ 100-150 lao động và chiếm hơn nửa trong số ấy là lao động trẻ em có độ tuổi từ 9-15.

Tại cơ sở của ông S.Q, bé Trung cầm cái xẻng dài hơn người cong mình như con tôm xúc cá thành đống. Còn Bảo thì dạng chân, bặm môi nhoay nhoáy cắt đầu cá. Ở cơ sở của ông B.S, bé Bình liên tục kéo cái quai nón che miệng mũi cho đỡ mùi tanh của cá. Hàng trăm đứa trẻ cứ hối hả như thế hơn 14 tiếng đồng hồ. Khát nước, uống ngay tại chỗ. Trưa, cha mẹ chuẩn bị cơm sẵn rồi, ăn ngay kề đống cá. Phải tranh thủ thời gian, cắt, philê được càng nhiều càng tốt, vì chủ trả công trên khối lượng sản phẩm.

Mua chữ cho con giá... 2.000 đồng

Tiền công được tính theo sản phẩm, cắt đầu cá được trả 600đ/kg, còn làm philê cần tay nghề cao hơn nên được trả công khá, 4.500đ/kg. Gia đình chị Trang 5 người làm cật lực từ 2h sáng đến khoảng 15h chiều được hơn 250kg cá, trung bình kiếm cũng được trên dưới 150.000đ. Ba mẹ con chị Sin yếu tay nghề hơn nên 1 ngày chỉ kiếm được khoảng 80.000đ.

Anh Thái Văn Miền (quê Kiên Giang) làm cho ông B.S gần 2 năm cười buồn: "Tính ra không dư chú ơi. Mà nghề sơ chế cá này việc đều đều chỉ được 5-6 tháng/năm. Những tháng không có cá, thất nghiệp, đàn bà đi làm mướn, đàn ông đi phụ hồ. Nhà nào kiệt quá, đói quá thì mượn tiền bà chủ sống lay lắt tạm".

Nhưng xót xa hơn cả là hình ảnh những em bé đang phải nhướng mắt thức khuya lao động. Các em không có tuổi thơ, không được đi học, cái chữ có được ít nhiều cũng bay theo mùi tanh của cá. Cơ thể thì xanh xao, còi cọc vì thức đêm, bé Mạnh - quê Sóc Trăng, 12 tuổi, đã đi làm được hơn năm nay - kể: "Lúc trước, con còn đi học, nhưng nay thôi rồi vì không đủ tiền đóng học phí. Mà làm thức khuya hoài à, chiều con còn phải ngủ bù nữa chứ".

Bàn tay Mạnh trắng bệch trong nước đá, vết thương nơi ngón tay cái nhầy nhầy nước đỏ. Bữa trước, Mạnh ngủ gật nên cắt vào tay. Nhà chị Trang cũng vậy, ba con thì hai đứa ở quê chỉ học hết lớp 1 rồi lên đây, bỏ học 4-5 năm, giờ như quên gần hết mặt chữ cái.

Anh Nguyễn Văn Hài (quê Sóc Trăng) nghèn nghẹn: "Tôi có hai đứa nhỏ cho đi học hết lớp 1 và 2, đã phải cho nghỉ ở trường vì thiếu tiền học phí. Lên đây, để các con không quên mặt chữ, tôi cho chúng đi học thêm một buổi tại nhà cô giáo ở phường này. Mỗi buổi giá... 2.000đ đấy! Giờ thì bỏ học rồi. Tiền đâu nữa".

Và các bậc cha mẹ đều "tặc lưỡi", với lý luận: Không đủ tiền đi học, nếu để trẻ đi chơi lêu lổng còn nguy hại hơn. Đi làm, vừa kiếm tiền phụ giúp gia đình, vừa đỡ lo hư hỏng, cố gắng đủ 18 tuổi thì cho đi làm công nhân ở các Cty.

Những đứa trẻ "bán tuổi thơ mua cơm áo".

Chính quyền địa phương cũng từng tổ chức lớp học tình thương cho xóm trọ "miền Tây" với mong mỏi cải thiện phần nào đó học vấn chúng để còn có chút tương lai. Khổ nỗi những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi ngủ mà phải biến đêm thành ngày thì sao thức nổi, học nổi như mong muốn của người lớn. Vài ba đứa học được bữa đực, bữa cái rồi... bỏ luôn. Giờ này, gần như 98% số trẻ con xóm trọ "miền Tây" không đi học mặc dù không ai muốn điều đó.

Con muốn làm... người lớn

Theo dân làm nghề cá lâu đời ở đây kể lại thì nghề sơ chế cá ở phường 12 này hình thành từ khoảng năm 1990. Lúc đầu, lao động ở các cơ sở sơ chế cá bò chủ yếu là người lớn. Tuy nhiên, khi có sự xuất hiện của hàng loạt xí nghiệp, Cty chế biến hải sản xuất khẩu (khoảng những năm 1998-2002) thì đủ độ tuổi lao động đều dồn hết vào đây. Chỉ những người không đủ điều kiện cả về thể lực, tuổi tác... mới chịu làm thuê cho cơ sở sơ chế.

Có lẽ vì thế nên những đứa trẻ tôi tiếp xúc được, đa phần chỉ có một mơ ước duy nhất: "Con muốn như mấy anh công nhân kia kìa! Làm người lớn, được mặc áo đẹp, làm tiền nhiều, không bị chủ la trẻ ranh!". Bé Bình chỉ những công nhân áo xanh của DNTN Minh Dũng (phường 12, TP.Vũng Tàu) đang hối hả mua đồ giờ tan ca chiều. Tôi nhói lòng, những đứa trẻ đó đã biết vắt mồ hôi đổi cơm áo gạo tiền không thua người lớn rồi, với cái ước mơ nhói lòng đến thế thì tương lai sẽ ra sao? Liệu cuộc đời chúng, nếu cứ vẫn mãi như thế này, có lặp lại vòng luẩn quẩn mà những bậc cha mẹ chúng đã và đang đi?

Chia tay xóm trọ "miền Tây", chia tay những đứa trẻ bị "đánh cắp" tuổi thơ, tôi cứ trăn trở mãi một câu hỏi: Tại sao giờ này, ở cái tỉnh thuộc tam giác kinh tế miền Đông Nam Bộ hàng năm thu nộp ngân sách chỉ sau TPHCM, giải pháp cho hàng trăm trẻ em bị "đánh cắp" tuổi thơ vẫn trong vòng luẩn quẩn?

Ngô Sơn ( Báo Lao Động )