itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Đồng bào Khmer thoát nghèo nhờ nấm rơm

Đồng bào Khmer thoát nghèo nhờ nấm rơm

Với lợi thế là địa phương trọng điểm về lúa nên nhiều năm qua, sau mỗi vụ mùa, nông dân nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng thường tận dụng nguồn rơm rạ có sẵn trên ruộng để trồng màu và chuyên canh nấm rơm.

Một số nơi đã trở thành vùng trọng điểm của loại nấm này trong tỉnh như xã Mỹ Hương (huyện Mỹ Tú), xã Vĩnh Quới, xã Vĩnh Biên (huyện Ngã Năm)... Hiện mô hình tiếp tục phát triển đến huyện Trần Đề, trong đó Viên Bình là địa phương đi đầu và có diện tích trồng nấm rơm lớn của huyện. Đây cũng là xã có 70% dân số là đồng bào Khmer.
Ông Lâm Hum, Bí thư Đảng ủy xã Viên Bình, cho biết vài năm trở lại đây phong trào trồng nấm rơm đã phát triển nhanh và đạt hiệu quả cao. Nhiều hộ nghèo, nhất là những hộ Khmer không đất, ít đất sản xuất gắn bó với nghề này nay đã thoát nghèo và có được nguồn thu nhập ổn định. Trong niên vụ vừa qua, xã Viên Bình có đến 327 hộ trồng nấm rơm với tổng chiều dài hơn 152.000m, sản lượng đạt 228 tấn. Theo tính toán, một hécta rơm chất được khoảng 210m, sau 15 ngày thu hoạch và đến 20 ngày là kết thúc vụ. Sản lượng 250 - 300kg nấm thương phẩm/ha, giá bán hiện tại 20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, bà con lãi từ 4 triệu đến 6 triệu đồng/ha. Nguồn thu nhập này vô cùng hấp dẫn đối với những hộ nghèo, hộ ít đất sản xuất, vì nấm rơm dễ trồng, mau thu hoạch, chỉ cần siêng năng cần cù sẽ thành công.

Chị Thạch Thị Hel (ấp Lao Vên, xã Viên Bình) vừa có được nguồn thu nhập gần 10 triệu đồng từ việc trồng gần hai công (2.000m2) nấm rơm. Thay vì trồng màu như mọi năm, năm nay chị chuyển sang nấm rơm và trúng cả mùa lẫn giá. Chị Sơn Thị Ang, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp Trà Ông, cho biết: “Trước đây, cuộc sống của tôi và bà con Khmer ở đây khó khăn lắm. Trồng rẫy cũng không biết bán ở đâu, trồng như thế nào để có năng suất cao nên người nghèo chỉ biết làm thuê theo mùa vụ, hết vụ thì ở nhà chẳng biết làm gì thêm. Bây giờ có mô hình trồng nấm rơm, đời sống của bà con trong sóc không ngừng được cải thiện”.

Có thể nói trồng nấm rơm được xem là mô hình đạt hiệu quả kinh tế nhanh, không tốn nhiều chi phí đầu tư và công chăm sóc. Từ sự tiên phong và thành công của xã Viên Bình, nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục phát huy, nhân rộng để giúp nhiều hộ dân, đặc biệt là các hộ ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Theo CAO