itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Đồng Nai: Nhiều hộ nuôi tôm phá sản

Đồng Nai: Nhiều hộ nuôi tôm phá sản

Nhiều ao nuôi tôm bị phơi đáy

Xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai có diện tích nuôi tôm khá lớn. Thế nhưng, khác với không khí nhộn nhịp trước đây, dọc con đường đất đỏ chạy vào đồng Mô Rùa, đồng Ông Trúc - khu nuôi tôm công nghiệp, quảng canh quy mô lớn ở ấp Bà Trường, xã Phước An im vắng khác thường.

Hàng loạt chòi trông tôm bỏ trống, rách nát, xiêu vẹo, máy bơm và dàn máy tạo oxy vứt chỏng chơ trong ao. Các ao tôm được tháo cạn nước để phơi đáy, dù lúc này thời vụ chính để thả giống nuôi tôm.

Ông Trần Văn Đực, người có thâm niên nuôi tôm gần 35 năm còn than: “Trước đây tôi nuôi công nghiệp, nếu trúng thì lãi nhiều, nhưng vụ vừa rồi lỗ nặng nên chuyển sang nuôi quảng canh (theo kiểu tự nhiên, ít chăm sóc). Thời gian gần đây, tôm chết hàng loạt do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ trong các ao tăng quá cao”.

Quê ở Quảng Ngãi, năm 2002 anh Nguyễn Văn Sáu vào ấp Bà Trường thuê ao để nuôi tôm. Anh cho biết: “Tôi thuê 30 triệu đồng/hecta/năm và thường xuyên trúng vụ, nhưng từ cuối năm 2010 đến nay, nuôi ba vụ liền đều thất bại. Chủ cho thuê đất thương tình hạ giá thuê 10 triệu đồng/hecta/năm mà cũng không bù được lỗ. Theo tôi, nguồn nước đang bị ô nhiễm nặng là thủ phạm chính làm tôm chết hàng loạt”.

Ông Đoàn Văn Bao - ấp Bà Trường kể, ông cho người thuê bốn hecta đất để nuôi tôm, họ hợp đồng thuê ba-bốn năm, đầu tư cả tỷ đồng để vét ao, đắp bờ, trải bạt… nhưng mới làm được hai năm, tôm nổi đầu chết hàng loạt, họ phải bỏ của… chạy lấy người. Tiền thuê đất chưa thanh toán hết.

Theo ông Trần Văn Chương - Trưởng ấp Bà Trường, toàn ấp có 300 hộ nuôi tôm (chủ yếu là người Quảng Ngãi vào thuê đất), nay 90% hộ đã phơi ao và 50% số người thuê đất đã không nuôi tôm nữa. Những năm trước, nhiều hộ nuôi tôm ở xã Phước An giàu lên nhanh chóng nhờ trúng vụ. Từ đó, nhiều hộ thế chấp nhà, đất cho ngân hàng để vay hàng tỷ đồng đầu tư cải tạo ao nuôi, sắm máy móc để nuôi công nghiệp (mỗi năm được hai-ba vụ, thay vì nuôi quảng canh). Tuy vốn đầu tư nuôi công nghiệp cao, song sau khi trừ chi phí, nông dân có thể lời cả trăm triệu đồng/hécta/vụ. Trong năm 2010 và quý I/2011, sau ba-bốn vụ tôm mất trắng, đa số các hộ không còn khả năng để nuôi tiếp.

Ông Nguyễn Việt Lâm - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước An cho biết: toàn xã có 1.070 ha nuôi tôm ở bốn ấp. Người địa phương thường nuôi quảng canh, còn người dân nơi khác đến mua, thuê đất thì nuôi công nghiệp. Tuy nhiên, số người nuôi có lãi thì ít, thất bại thì nhiều, gần đây có rất nhiều hộ nuôi tôm phá sản bởi nhiều nguyên nhân: do các khu công nghiệp mọc lên quá nhiều mà không xử lý nước thải ra môi trường. Bên cạnh đó là trình độ kỹ thuật của người nuôi tôm thấp, nuôi theo kinh nghiệm. Trước tình hình đó, Hội Nông dân đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm; thành lập Quỹ tín dụng người nghèo nhằm bảo lãnh cho những hộ nuôi tôm không có tài sản thế chấp. Theo ông Lâm, những can thiệp trên chỉ là biện pháp tình thế, bởi việc khắc phục ô nhiễm môi trường - nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của các hộ nuôi tôm - là việc không dễ dàng thực hiện.

Quỳnh Mai/ PNO