itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Công nhân đi… làm thêm

Công nhân đi… làm thêm

Anh công nhân Trương Văn Lân bán muối để kiếm thêm thu nhập - Ảnh: Bảo Thiên

Giá cả ngày một tăng cao nhưng đồng lương công nhân không đủ trang trải cuộc sống. Để trụ lại ở các thành phố công nghiệp, họ sẵn sàng làm thêm bất cứ việc gì, miễn là hợp pháp.

Mong được tăng ca

Chúng tôi gặp chị Huỳnh Thị Chung (32 tuổi, quê Bến Tre) trong khu nhà trọ số 16 (đường số 7 nối dài, P.Tân Tạo A, Q. Bình Tân, TP.HCM) khi chị vừa đi làm về. Chị bảo hễ ngủ thì thôi, chứ thức và ngay cả khi làm việc, đầu óc chị cứ căng lên vì phải tính toán dùng tiền thế nào cho đủ một tháng. Chị làm ở Công ty Pouchen, lương 1,7 triệu đồng/tháng. Chồng chị cũng làm trong KCN Tân Tạo và mức lương tương đương. Với chừng đó tiền, chị phải chi 800 ngàn tiền nhà - chưa kể điện, nước, rồi tiền ăn ít nhất cũng mất 800 ngàn đồng/tháng. Con của anh chị 13 tuổi vừa được gửi về quê nội từ lúc lên cấp 2. Vì thế mỗi tháng anh chị phải gửi về nhà ít nhất 800 ngàn đồng. Nếu tính những khoản tiền cố định như thế thì một tháng chị còn lại gần 1 triệu đồng, nhưng tháng nào chị cũng bị thâm hụt, phải đi vay mượn.

Tương tự, chị Phùng Thị Trang (quê Nghệ An) làm công nhân đã 9 năm, lương cũng chỉ 1,7 triệu đồng/tháng, nếu tăng ca thì được gần 2 triệu đồng. Với chừng đó tiền nhưng chị phải chi 900 ngàn đồng tiền gửi con, 900 ngàn đồng tiền nhà. Chồng chị làm 1,8 triệu đồng/tháng. 3 con người với số tiền đó sống chật vật trong căn phòng trọ dài khoảng 3,8m và rộng chừng 1,8m. Khi gặp chúng tôi, chị chỉ còn 53 ngàn đồng mà phải tính toán chi tiêu sao cho được 6 bữa tối mới đến ngày lãnh lương.

Cô công nhân Phan Thị Lan (25 tuổi, quê Hà Tĩnh) và 2 người bạn làm việc trong KCN Tân Tạo đã phải bán xe máy, mua xe đạp để đi làm khi xăng tăng giá. Bây giờ chuyển đến nhà trọ mới thì chủ nhà không cho để xe, mà gửi xe ngoài cũng mất 35 ngàn đồng/tháng. Thế là 3 người đành phải bán xe đạp và đi bộ đến công ty. Với thu nhập trung bình chưa đầy 2 triệu đồng/người/tháng, tuy chưa có gia đình nhưng họ vẫn phải chi tiêu hết sức tiết kiệm để cuối tháng không phải vay mượn.

Cũng do cuộc sống khó khăn, bây giờ công nhân lại chủ động đề nghị chủ sử dụng lao động cho được… tăng ca, dù mỗi tiếng chỉ có 5 - 7 ngàn đồng.

Làm thêm kiếm sống

Tới khu chợ Nhỏ ở đường Nguyễn Văn Tiết (KP Bình Hòa, Thuận An, Bình Dương) sẽ thấy rất nhiều công nhân bán hàng xung quanh đó. Họ không được đứng bán một chỗ ổn định mà phải bê từng rổ nhỏ hoặc đẩy xe đi bán dạo. Anh Lê Văn Hải (33 tuổi, quê Đắk Lắk) chọn cách đạp xe chở trái cây đến trước cổng Công ty gỗ Hưng Vượng (Thuận An, Bình Dương) để bán. Hai vợ chồng anh đều là công nhân trong KCN Việt Nam - Singapore, mỗi tháng lãnh cao nhất cũng chỉ hơn 5 triệu đồng. Vợ chồng lại làm ca luân phiên nhau nên 4 giờ sáng là anh chạy lên chợ đầu mối (Thủ Đức) lấy trái cây rồi đem ra trước cổng những công ty làm giờ hành chính bán. Bán không hết đến chiều vợ anh đem đi bán vào giờ công nhân tan ca. Ngày nào lấy được trái cây ngon thì bán có lời, nhưng có bữa chỉ hòa vốn.

Chị Lý Thị Quang (quê Nam Định, làm tại công ty giày da trong KCN Việt Nam - Singapore) thì lấy rau về bán, mỗi ký rau chị lời 1.000 đồng. Còn chị Trần Thị Khuê (Công ty Esquel) lại bán sữa đậu nành, trung bình mỗi ngày lời 50 ngàn đồng. Anh Trương Văn Lân (Công ty Bạch Mã, quê Thanh Hóa) thì lấy muối về bán, một ngày cũng lời khoảng 50 ngàn đồng. Thậm chí chị Phùng Thị Diễm (quê Quảng Bình) sau giờ làm còn ẵm con đi lượm ve chai. Chị lượm về rồi tích trữ lại, cuối tuần bán một lần, cũng được dăm bảy chục ngàn đồng, có khi được cả trăm ngàn.

Theo chị Dương Thị Hòa (quê Nghệ An), dù công nhân đã phải đấu tranh để cuối tuần được làm thâu đêm, nhưng trước đây làm một đêm được 150 - 200 ngàn đồng, còn giờ cao nhất chỉ được 90 ngàn. Vì thế chị sắm một cái máy khâu cũ và nhận vô dây kéo áo gối cho một tiệm may gia công với thù lao vỏn vẹn 100 đồng/sản phẩm. Trong khi chị Trần Thị Phương Hà (quê Nam Định) và mấy người bạn ở chung phòng thì tranh thủ nhận hành, tỏi ở ngoài chợ về bóc, mỗi ký chỉ được 1.000 đồng; chị Nguyễn Thị Khanh (33 tuổi, quê Hải Dương) thì đi rửa chén thuê ở quán nhậu, một đêm được 50 ngàn đồng…

Theo Thanh Niên