itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Hành trình trở về từ cõi mê…

Hành trình trở về từ cõi mê…

Yến (giữa) và cô Dung (bên trái) trong ngày xuất trại về với cộng đồng. Ảnh: Hương Vũ

Hai núm đồng tiền sâu hoắm trên gương mặt bầu bĩnh, đôi mắt tinh lanh lúc nào cũng như biết cười, cách nói chuyện rất linh hoạt dễ thương… Nếu mới tiếp xúc, sẽ không ai ngờ được cô gái trẻ xinh đẹp ấy đã trải qua bốn trại tâm thần trong vòng hơn một năm nay.

Và nếu như không nhận được sự giúp đỡ của một tấm lòng vàng, thì có lẽ số phận đã an bài cho em sống cùng những người tâm thần mãi mãi….

Cô gái đó tên Kim Yến, năm nay Yến vừa tròn 19 tuổi. Quê Yến nằm bên một xóm chài nhỏ ở khu phố 8 – phường Phước Hội, thị xã Lagi, Bình Thuận.

Ở cái xóm chài xa xôi hẻo lánh đó, học được tới lớp 6 như Yến cũng được coi là khá rồi, mẹ Yến thậm chí còn mù chữ. Cuộc sống của sáu con người hoàn toàn trông vào con đò nhỏ đưa khách qua sông của mẹ Yến. Yến càng lớn càng xinh đẹp và khéo tay, nên được mẹ gửi lên Sài Gòn để học nghề và hy vọng tìm kiếm được một công việc ổn định, đỡ đần mẹ nuôi các em. Bốn tháng ở Sài Gòn, em đã học được nghề may công nghiệp. Mọi việc tưởng chừng như đã xuôi chèo mát mái với cô gái trẻ nếu như…

Cú ngã định mệnh

Một buổi chiều tháng 7 năm 2009, Yến từ Sài Gòn về quê thăm gia đình. Đang ngồi sau yên chiếc xe đạp do bạn chở, bất ngờ một chiếc xe máy phóng qua tông thẳng vào người khiến em té xuống đất. Khi người nhà được tin chạy tới đưa em đi cấp cứu, thì Yến đã bất tỉnh, máu từ hai bên lỗ tai chảy ra đỏ đất.

Từ ngày bị tai nạn, thỉnh thoảng Yến lại có những hành động bất thường. Em trở nên rất hung hãn, đôi lúc lên cơn quậy phá, Yến đập phá đồ dùng trong nhà, đánh đập các em và có bữa còn đòi giết cả mẹ. Cho tới lúc em bỏ nhà đi lang thang thì mẹ Yến lúc này mới thật sự hoảng sợ, gom góp tiền bạc đưa em đi điều trị ở bệnh viện tâm thần Bình Ba – Vũng Tàu. Nhập viện được ít bữa, vì tiền điều trị tốn kém không đủ khả năng theo nên chỉ ít ngày, lại đón Yến về nhà.

Lần thứ hai, do bệnh tình càng biến chuyển nặng, Yến lại được mẹ gửi lên bệnh viện tâm thần Biên Hoà điều trị. Một lần nữa, chi phí trên ba triệu đồng cho một tháng nằm viện điều trị của Yến lại trở thành gánh nặng quá sức của mẹ, Yến lại phải xuất viện khi bệnh tình chưa hề thuyên giảm.

Chìm trong cõi u mê, thỉnh thoảng Yến lại bỏ nhà đi lang thang khắp chốn. Một ngày tháng 12 năm 2009, em lang thang rồi phiêu dạt xuống tận Củ Chi, TP.HCM. Đói bụng, Yến vào một ngôi chùa để xin ăn, và phát cơn đập phá đồ đạc trong chùa. Nhà chùa phải báo công an tới, đưa em nhập trại tâm thần Tam Bình – Thủ Đức điều trị.

Dịp gần tết 2010, chị T.T.K Dung – nhân viên xã hội của một mái ấm bảo trợ trẻ em mồ côi và tàn tật tới trại tâm thần Tam Bình làm từ thiện. Giữa những con người ngơ ngác, chị thắt lòng khi thấy một cô gái trẻ tới bắt chuyện và nói chuyện rất rành rọt. Cách nói chuyện của một người tỉnh táo chứ không giống những bệnh nhân tâm thần chị vẫn thường tiếp xúc.

Những câu chuyện và tâm sự của Yến đã day dứt chị Dung rất nhiều, bởi vậy tháng nào chị cũng mua đồ, và vào thăm nuôi Yến như thân nhân. Không đành nhìn cô gái đang sống ở cái tuổi đẹp nhất của đời con gái lại chôn vùi tuổi xanh giữa thế giới những bệnh nhân tâm thần, trong khi trí óc đã được hồi tỉnh, chị Dung quyết định tìm tới gia đình Yến, để tìm cơ hội cho em hồi gia.

Hành trình về với cộng đồng

Theo đúng quy định của trại tâm thần, phải chính gia đình Yến đứng ra bảo lãnh, và đảm bảo trước pháp luật một cuộc sống bình thường cho em thì Yến mới có thể xuất viện. Vậy là chị Dung theo số điện thoại do Yến cung cấp, báo tin cho gia đình em hay. Chị choáng váng khi biết được thông tin gia đình đã quyết định bỏ rơi Yến.

Nhưng không tin là người ta có thể bỏ rơi con em mình dễ dàng như vậy, nên chị Dung quyết định lặn lội đón xe đò về tận Lagi. Gặp được mẹ Yến, chị lại ráng kìm nén những thất vọng và giận dữ trào dâng khi nghe mẹ Yến tìm đủ lý do để không muốn bảo lãnh em ra, cũng hoàn toàn không muốn liên lạc với đứa con gái xấu số. Đành phải kiên trì vận động và thuyết phục rằng, chỉ cần gia đình lo thủ tục cho Yến được ra trại, phần công việc và cuộc sống của Yến sau này chị sẽ trợ giúp cho Yến có được một chỗ ở và nghề nghiệp để có thể tự nuôi sống mình, mẹ Yến mới đồng ý làm thủ tục cho em hồi gia.

Nhưng lúc này những rắc rối mới lại xuất hiện. Do nhà Yến nằm ở “xóm liều”, cha mẹ con cái không hề có một thứ giấy tờ tuỳ thân nào, cũng không có tạm trú, hộ khẩu, gốc gác… gì để có cơ sở pháp lý chứng minh giấy tờ cho Yến xuất trại. Vậy là lại thêm quá trình hết giải trình, tới thuyết phục… Biết bao cuộc điện thoại trao đổi của chị Dung với các quan chức địa phương và những thủ tục hành chính phức tạp níu chân.

Có giấy bảo lãnh hợp lệ rồi, chị Dung mừng rỡ tới trung tâm Tam Bình để tiến hành bảo lãnh cho Yến thì được cho biết Yến đã được chuyển tới trung tâm điều dưỡng tâm thần Tân Định, ở tận Tân Uyên – Bình Dương.

Chị Dung lại hối hả chạy xe máy vượt cả trăm cây số để đem giấy tờ lên trung tâm Tân Định làm thủ tục bảo lãnh cho Yến. Tới nơi, chị chết điếng khi được thông báo mẫu giấy tờ này không phù hợp, phải làm lại giấy mới theo mẫu của trung tâm Tân Định theo quy định. Vậy là bao công sức bỏ ra phút chốc trở thành đổ sông đổ bể. Chị Dung lại bắt đầu một hành trình gian nan với bao nhiêu thủ tục từ đầu.

Cuối cùng, công sức của chị Dung đã được đền đáp khi vào ngày 7.12.2009, Yến nhận được quyết định hồi gia trở về với xã hội.

Ngày Yến xuất trại, chị Dung dù mới bị tai nạn gãy tay cũng nhờ người chở tới đón em. Chị giới thiệu Yến vào học nghề và làm việc may khẩu trang tại một cơ sở đào tạo nghề dành cho người khuyết tật và không may mắn do một người bạn chị thành lập. Yến sẽ có nơi ăn chốn ở, được nhận lương theo công sức bỏ ra. Với chị Dung, giúp Yến có một nghề nghiệp vững chắc tự nuôi sống mình vẫn chưa đủ, nỗi lo mới của chị là phải “lên đường” bằng mọi cách làm cho Yến giấy chứng minh nhân dân, mới mong cơ hội hoà nhập cộng đồng của em được trọn vẹn. Với Yến, tương lai còn ở phía trước, có thể không bằng phẳng, nhưng tôi cầu chúc em sẽ vững bước vượt qua, để không phụ một tấm lòng.

Chị Dung không thích nói nhiều về mình cũng như công việc hiện tại, nhưng những gì chị thầm lặng làm, hy vọng chẳng thể bị gió cuốn đi

Bài và ảnh: Hương Vũ/ SGTT