itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Đường vào đời của em tôi

Đường vào đời của em tôi

Ảnh minh họa: từ Internet

Lần nào về thăm nhà, ghé ngang qua tiệm sửa điện thoại, thấy em đang cần mẫn vặn từng cái ốc, lòng tôi lại phấn chấn hơn.

Đã hai năm trôi qua, đứa em trai hư hỏng một thời của tôi giờ là thợ sửa điện thoại lành nghề. Thì ra điều đáng quý của một cuộc đời người không phải ở những thành công người đó đạt được mà là cách người đó đã đứng lên từ thất bại và tìm được chỗ đứng của chính mình.

Vì gia đình khá giả nên hai chị em tôi rất được bố mẹ cưng chiều. Từ nhỏ, tôi học rất giỏi và là niềm tự hào của ba mẹ. Còn em trai tôi, vốn tính ham chơi nên luôn phải chịu sự kèm cặp của bố mẹ. Hễ em làm chuyện gì không ngoan, ba mẹ lại lấy tôi làm gương cho em. Vì thế, dù hơn nhau chỉ ba tuổi nhưng khoảng cách giữa em và tôi rất xa.

Thời học sinh của tôi trôi qua khá bình lặng. Tôi nhanh chóng trở thành sinh viên của một trường danh giá tại thành phố. Còn em tôi trầy trật hơn. Năm lớp 10 em thi chuyển cấp, không đủ điểm phải vào học hệ bán công. Ba mẹ tôi buồn nhưng vì thương và sợ con bị áp lực nên không dám la rầy.

Thấy em vắng nhà suốt, ba mẹ lo lắng, hỏi han thì thằng nhỏ chẳng buồn nói, cứ lầm lì, tình hình học tập ngày càng bê bết. Mãi đến khi cô giáo chủ nhiệm gọi điện thông báo, ba mẹ mới vỡ lẽ.

Thì ra bấy lâu nay em tôi đã nói dối, lấy tiền học thêm (thậm chí còn cầm xe rồi nói dối là bị mất) cúp học, theo bạn bè chơi game, lêu lổng. Ông bà giận quá, mắng em là đồ con hư, làm mất mặt gia đình và đánh em một trận đòn nhừ tử.

Ngay hôm sau, mãi tận khuya, em tôi mới về nhà trong tình trạng say khướt. Ba mẹ tôi lo lắng, chạy vào hỏi han thì thấy người em nồng nặc mùi rượu, trong túi áo còn có một gói thuốc lá và một con dao giắt sau lưng quần. Nửa đêm hôm đó, em tôi lên cơn co giật, ba mẹ hốt hoảng đưa em đi bệnh viện.

Bàn mãi, ba mẹ tôi đi đến quyết định chuyển trường cho em với hi vọng môi trường mới sẽ làm em thay đổi tính nết. Mẹ tôi xin nghỉ phép ở công ty để hằng ngày đưa rước em tôi đi học. Song, vì không theo kịp bạn bè nên thằng bé đâm ra chán nản. Liên tiếp những đợt bỏ học, trốn thi tiếp diễn.

Ba tôi đưa em tìm gặp bác sĩ tâm lý để nhờ tư vấn, trong khi mẹ ngày nào cũng đi am này, chùa nọ để xin thầy giải tai kiếp.

Tiền bạc dốc ra cúng cho thầy bà, vậy mà em tôi vẫn không đỡ, đã vậy em còn hùa theo nhóm học sinh cá biệt của lớp đánh nhau với bạn, bị nhà trường kỷ luật. Thằng nhỏ sợ quá, bỏ nhà đi biệt tích hơn hai tuần. Ba mẹ tôi sốt sắng tìm gặp thì em nói sẽ chỉ về nhà nếu ba mẹ cho em nghỉ học để đi biển đánh cá cùng bạn.

Một cuộc họp đại gia đình nội ngoại được triệu tập. Ba mẹ tôi nhất trí với ý kiến của mọi người là sẽ cho em tôi vào thành phố học nghề sửa điện thoại ở trung tâm của cậu tôi. May sao, em không phản đối. Vậy là chiều đó hai chị em tôi cùng cậu khăn gói vào thành phố. Những năm tháng xa nhà, xa chúng bạn quậy phá và nhất là dưới sự kèm cặp của cậu (người mà em nghe lời nhất), em dần ổn định tâm lý và điềm đạm hẳn ra.

Hai năm trôi qua yên ổn, đứa em trai hư hỏng một thời của tôi giờ đã là thợ sửa điện thoại lành nghề. Ba má thuê cho em một cửa hàng nhỏ ở quê. Còn tôi bây giờ là sinh viên năm cuối, thi thoảng vẫn nhận tiền viện trợ từ… tiền công của cậu em.

HÀ KIỀU MY/ Tuổi Trẻ