Những phận đời ở miếu Mạch Nước
Mỗi tháng 4 ngày, hơn chục đứa trẻ từ 3 đến 14 tuổi tụ tập về miếu Mạch Nước (huyện Hóc Môn, TP HCM) để cùng ông bà, cha mẹ xin tiền khách viếng
Miếu Mạch Nước từ lâu vốn là nơi hành khất lý tưởng của nhóm trẻ này bởi khách đông, nằm trong con đường nhỏ không bị nhiều người để ý. Ngoài ra, đối diện miếu có bãi giữ xe rộng rãi, thoáng mát nên ban ngày có thể mắc võng ngủ, ban đêm trở thành nơi tá túc. Miếu chỉ đông khách vào các ngày 14, 15, 30 và mùng 1 âm lịch, bọn trẻ cũng tụ tập 4 ngày này rồi tản đi hết.
Không giấy tờ tùy thân
Trong bóng tối lờ mờ, Phương (29 tuổi) đang tắm cho đứa con gái gần 4 tuổi, thân người gầy nhom, đôi mắt tròn xoe, nhe răng cười khi thấy người lạ. Tắm xong, mặc ngay bộ đồ cho con mà không cần lau khô, Phương nói: “Nó quen rồi, không bệnh vặt đâu, sống ở đây chỉ sợ muỗi và mấy ông say rượu. Ngồi chờ đến 23 giờ 30 phút, khi ngôi chùa gần miếu mở cửa đón khách,
Phương cho biết cô ở huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, tá túc nơi đây được 2 năm rưỡi. “Mỗi tháng 4 ngày, tôi và con gái ngồi trước miếu, chùa xin ăn. Những ngày còn lại, tôi phụ quán nước bên đường hoặc ai kêu gì làm nấy”.
Con gái của Phương thường gọi là bé Đen vì nước da ngăm, còn họ tên đàng hoàng thì chưa có do không giấy chứng sinh.
Theo lời Phương, lúc sinh bé Đen ở Bệnh viện Từ Dũ, cha nó bỏ đi nên cô đành trốn viện vì không trả được viện phí. Ngoài bé Đen, Phương còn cậu con trai 9 tuổi, gọi là Lượm, sống ở Tây Ninh với bà ngoại và học hết lớp 1 thì nghỉ. Sau bé Đen, Phương còn đứa con gái 2 tuổi, lúc mới sinh ra do khó khăn nên cô đã đem cho.
Không nghề nghiệp, được cha dượng chỉ dẫn, Phương trôi dạt về miếu Mạch Nước, bé Đen theo mẹ đến nay đã 2 năm rưỡi. Sáng mùng 1, tôi gặp bé Đen đang “hành nghề” trước miếu, vừa xin tiền khách, nó vừa tranh thủ chạy đi chơi với nhóm bạn, thỉnh thoảng được người ta cho đồ ăn.
Cũng như bao đứa trẻ khác, bé Đen rất “nhạy”, chỉ cần thấy khách đi xe hơi, mặc đồ sang trọng là chạy theo: “Chú ơi, ông ơi, cho con xin mấy ngàn”. Dụi đôi mắt đỏ hoe vì thiếu ngủ đêm qua, bé Đen trả lời câu hỏi của tôi với vẻ mặt thích thú: “Con thích đi học, năm sau có tiền, mẹ cho con đi học”.
Lớn hơn bé Đen là 3 anh em Tuấn (14 tuổi), Vũ (12 tuổi) và Hà (8 tuổi) theo bà ngoại và mẹ từ xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP HCM đến miếu Mạch Nước xin ăn và bán nhang.
Không giấu nỗi niềm, bà Nguyễn Thị Linh (58 tuổi) - bà ngoại của 3 đứa trẻ - cho biết bà và Mén (30 tuổi) - mẹ 3 đứa trẻ - đều không có tờ giấy tùy thân do bôn ba khắp nơi. Đến lúc sinh 3 đứa nhỏ, Mén đều trốn viện nên cả 3 không giấy chứng sinh.
Nhờ lớp học tình thương gần nhà nên 2 đứa lớn biết chữ, riêng thằng út chỉ biết viết mỗi cái tên. Đến nay, Tuấn sắp đến tuổi làm CMND, nghe người ta nói “không làm giấy tờ coi như sống ngoài vòng pháp luật”, bà Linh mới cuống lên. “Có cách nào xin giấy chứng sinh để cứu vớt cuộc đời của tụi nhỏ không cô?” - bà Linh hỏi.
Theo bà Linh, trong nhà chỉ duy nhất cha tụi nhỏ là có CMND. Ông đã mất 4 tháng trước do bệnh tim.
5 đứa trẻ cùng mẹ khác cha
Trong nhóm trẻ này, chúng tôi chú ý đến cô bé 6 tuổi, bị câm, chỉ ú ớ gật gù trả lời người đối diện theo cách riêng của mình. Cô bé tên Nhi, có thâm niên bám trụ tại miếu Mạch Nước lâu nhất (gần 4 năm), kể từ khi gia đình dọn từ quận 4 về đây sinh sống. Thay vì được đi học như bao đứa trẻ khác, do không biết nói nên Nhi phải ở nhà, cùng ông ngoại ra miếu mưu sinh.
Vẻ mặt khắc khổ, ông Minh (60 tuổi, ông ngoại bé Nhi) kể: “Nhìn cháu mình ngửa tay xin tiền người ta đau lắm, nó lại là đứa tội nhất vì hồi nhỏ sốt liên tục, bị lấy tủy 4 lần nhưng cuộc sống khó khăn, nhà đông người nên tôi cho theo để tiện trông nom”. Hằng ngày, ông Minh bán nước kiêm chạy xe ôm, còn Nhi bán nhang và xin tiền khách đến miếu.
Nhi có 1 anh và 3 em, gồm: Trân (14 tuổi), Loan (3 tuổi), Phúc (18 tháng tuổi) và Út (2 tháng tuổi). Điều đặc biệt là 5 đứa trẻ mang 5 họ khác nhau bởi chúng có những người cha khác nhau, tất cả đều bỏ đi để lại chúng nheo nhóc bên ông bà ngoại.
“Mẹ nó đẻ liên tục nên không phụ giúp được gì, vợ chồng tôi cậy nhờ quán nước cũng không đủ ăn nên con Nhi, con Loan... phải xin tiền thêm vào những ngày đông khách” - ông Minh nói. Đôi mắt ông Minh rươm rướm khi nghe tôi hỏi “chẳng lẽ cứ mãi vậy, đời tụi nhỏ sẽ ra sao?”.
Khao khát được đến trường
Những đứa trẻ chúng tôi gặp đều có điểm chung là khao khát được đến trường. Hà được cho là lanh nhất trong nhóm, dù thẳng thắn nói “con thích sống thế này” nhưng cũng thừa nhận “đi học chắc vui lắm!”. Còn 2 anh của Hà thì mong muốn được học nghề đàng hoàng để kiếm tiền phụ giúp mẹ. Riêng Trân đã không giấu những giọt nước mắt khi tôi hỏi “có muốn đi học lại không?”.
Bài và ảnh: THU HỒNG/ NLĐ
Tin đã đăng
- Tỷ phú gốc Việt 2,8 tỷ "đô": Thành công đất ngoại, thất bại quê nhà!
- Mang niềm vui đến công nhân
- Sân chơi cho người giúp việc
- Vé xe buýt giả do tiếp viên bán!
- Mùa cá trên hồ Trị An
- Dồn sức hỗ trợ nhà đầu tư
- ODA – 'Cú hích' hay 'Cú đấm' cho nước nghèo?
- Gà Đông Tảo, cá mú nghệ hút hàng
- Trồng dưa gang ra... dưa “lạ”
- Củ cải trắng được mùa kép