itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Niềm vui bên những cánh hoa

Niềm vui bên những cánh hoa

Chị Hạnh Thục (bìa phải) đang

hướng dẫn học viên cắm hoa

Từ ý tưởng nghề cắm hoa có thể mang lại cơ hội kiếm sống cho những người có hoàn cảnh khó khăn, họ đã tình nguyện mở lớp học cắm hoa miễn phí và đón nhận hàng chục học viên là trẻ em nghèo, mồ côi...

Có dịp đến thăm lớp học nghệ thuật cắm hoa miễn phí dành cho 28 học viên là con em nghèo, trẻ mồ côi, đường phố... do chị Phạm Ngọc Hạnh Thục cùng anh Lý Hoàn Nguyên tổ chức, chúng tôi mới thấy hết niềm say mê của học viên và sự tận tâm của người hướng dẫn.

Ý tưởng đẹp gặp nhau

Tiếp chúng tôi sau một giờ đứng lớp, anh Lý Hoàn Nguyên nói về lý do mình đến với chương trình này: “Tôi bắt gặp ở Hạnh Thục những ý tưởng phục vụ xã hội. Cô ấy là phụ nữ, còn công việc, gia đình, con cái mà vẫn có ý thức và trách nhiệm với cộng đồng. Mình là đàn ông, sức dài vai rộng, sao lại không cùng góp sức!”. Vì vậy, dù bận rộn điều hành công ty và một xưởng chuyên về lĩnh vực thiết kế, sản xuất và thi công các sản phẩm nội thất, anh Lý Hoàn Nguyên vẫn đều đặn dành thời gian đến lớp. Toàn bộ giáo án cho chương trình “Cắm hoa nghệ thuật” được anh soạn rất sinh động, chi tiết và dễ hiểu.

Phần lớn học viên vì gia cảnh khó khăn nên được miễn phí hoàn toàn, nhưng đặc biệt, có 2 học viên đã tình nguyện đóng góp 5 triệu đồng/khóa để lo chi phí mua hoa cho lớp thực hành. Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Phương, học viên của lớp, cho biết: “Tôi vốn mê cắm hoa từ nhỏ nhưng không có điều kiện để học một cách chuyên nghiệp. Khi tham gia lớp học này, tôi rất vui và nghĩ rằng mình có điều kiện hơn nên tình nguyện đóng góp một phần chi phí cho lớp học. Tôi mong rằng các học viên có hoàn cảnh khó khăn sẽ có được một cơ hội nghề nghiệp, ổn định cuộc sống sau khi kết thúc khóa học”. Chị Phương cũng cho biết thêm, chị học cắm hoa để thư giãn sau giờ làm việc căng thẳng và có thể tự tay cắm những bình hoa theo sở thích riêng để trang trí cho ngôi nhà và nơi làm việc. Nhưng ước nguyện sâu xa hơn là khi đã lành nghề, chị sẽ truyền lại các em thiếu nhi kém may mắn ở nơi chị sinh sống. Còn chị Vũ Thị Thúy Phương, cũng là một học viên tình nguyện đóng góp chi phí cho lớp học, cho biết: “Ngoài mê hoa, yêu cái đẹp, tôi bắt gặp ở những người tổ chức trách nhiệm với cộng đồng. Tôi theo học với ước nguyện mở một shop hoa nhằm giúp đỡ các đối tượng còn chịu thiệt thòi trong xã hội”.

Truyền lại đam mê

Chị Hạnh Thục sinh năm 1976, từ nhỏ chị đã mê hoa, nghe ở đâu có chuyên gia cắm hoa giỏi là chị quyết tâm tìm học cho bằng được. Bố mẹ chị cũng chiều theo ý thích của con, nhưng ông bà mong muốn Hạnh Thục theo nghề giáo và thay họ quản lý ngôi trường tư thục của gia đình. Nhưng Hạnh Thục vẫn quyết định khởi nghiệp từ hoa. Chị kể: “Bố mẹ tôi nhất quyết phản đối, ông bà cho rằng từ mê hoa đến sống được với nghề hoa không đơn giản”.

Nhưng được sự ủng hộ của người bạn đời, chị bắt đầu hành trình đến với nghề hoa tươi. Chị dậy từ thật sớm, đến chợ hoa, tự mình chọn lựa hoa, thiết kế mẫu và tìm đến các văn phòng xin được đặt tác phẩm mẫu của mình miễn phí. Khi Hạnh Thục tự tin rằng mình có thể sống được với niềm đam mê, chị quyết định thành lập chuỗi showroom hoa tươi Thục Anh. Cho đến lúc này, lượng khách hàng miễn phí là các doanh nghiệp, văn phòng trước đây đã trở thành khách hàng chính vì quá quen thuộc với cô chủ trẻ. Chị tâm sự: “Tôi thực sự may mắn và hạnh phúc khi được làm công việc mình thích. Nhu cầu cho sản phẩm này rất lớn và tôi muốn truyền ngọn lửa đam mê sang cho những người kém may mắn”.

Tiếp xúc với chúng tôi ở lớp học, chị Nguyễn Thiên Nga, 26 tuổi, cho biết: “Vợ chồng tôi công việc không ổn định, thu nhập chỉ được khoảng 2 triệu đồng/tháng. Từ khi có em bé, cuộc sống rất khó khăn. Khi biết có lớp học miễn phí, tôi mừng lắm, chỉ mong có được một nghề để thu nhập ổn định và lo cho con”. Thành viên của lớp học còn là những em vì hoàn cảnh phải nghỉ học sớm, các em đến lớp học này với hy vọng có một công việc ổn định để kiếm sống. Trao đổi với chúng tôi, em Phan Thị Thúy Nga, quê ở Gia Lai, mồ côi mẹ từ năm 11 tuổi, nói: “Từ nhỏ đến giờ, con chỉ biết làm thuê cuốc mướn nuôi em, khi được tham gia lớp học này con rất mừng vì sắp có một nghề để sống”. Thúy Nga cho biết thêm, không chỉ được học nghề miễn phí, em còn được cô Hạnh Thục lo chi phí ăn, ở hằng ngày.

 

Chị Hạnh Thục cho biết, chương trình dạy nghề miễn phí sẽ tiếp tục khai giảng những khóa tiếp theo. Sau khóa học, nếu ai có đủ điều kiện kinh tế để mở shop thì tốt, còn học viên nào khó khăn Hạnh Thục sẽ nhận vào làm việc ở showroom của mình. Hiện, những thợ cắm hoa lành nghề được chị trả mức lương trên 3 triệu đồng/tháng. Các cơ sở xã hội và các em có hoàn cảnh khó khăn muốn học nghề cắm hoa miễn phí có thể liên hệ theo địa chỉ: 125 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 15, quận Phú Nhuận – TPHCM.

Theo Nguyên Hà (NLĐ)