itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Nông dân bỏ làm ruộng, đi làm thuê

Nông dân bỏ làm ruộng, đi làm thuê

Hiện nay ở An Giang có nhiều nông dân chấp nhận cho thuê ruộng rồi đi làm thuê trên chính mảnh ruộng của mình. Ảnh mang tính minh hoạ

Nhiều nông dân ở An Giang mang đất ruộng cho thuê, rồi bươn chải làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Vụ lúa đông xuân năm 2009 – 2010, ông Sáu Vạc ở xã Lương An Trà (huyện Tri Tôn) quyết định không làm ruộng nữa. Hơn 1,3ha đất ruộng, ông Vạc cho một chủ trang trại thuê lại để trồng lúa, với giá 13 triệu đồng/ha/năm. Cuối tháng 11.2010, khi nông dân trong vùng đang chuẩn bị gieo cấy vụ đông xuân 2010 – 2011, ông Sáu Vạc lại ký hợp đồng cho thuê ruộng với giá 15 triệu đồng/ha/năm.

Ai hỏi sao không làm ruộng nữa, ông Sáu Vạc lý giải: “Làm ruộng lúc này cực khổ quá, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, nhưng hạt lúa làm ra năn nỉ thương lái thiếu điều rớt nước mắt mới bán được từ huề vốn tới lỗ, ít khi nào có lời. Cho nên, vợ chồng tui bàn nhau cho thuê ruộng, đi làm mướn, đỡ cực nhọc”. Từ ngày cho thuê ruộng, vợ chồng Sáu Vạc đi làm mướn khắp nơi, ai kêu gì làm nấy. Ông Sáu Vạc nói, hiện nay tiền công làm thuê của hai vợ chồng là 170.000 đồng/ngày (lao động nam 100.000 đồng/ngày, nữ 70.000 đồng/ngày), hai vợ chồng và mấy đứa con sống khoẻ. Tiền cho thuê đất gửi tiết kiệm, hết hợp đồng cho thuê ruộng, thì vợ chồng Sáu Vạc đã có một số vốn kha khá lận lưng.

Nhu cầu thuê đất ngày càng cao

Theo ông Nguyễn Lợi Đức, chủ trang trại ở xã Lương An Trà, từ năm 2009 đến nay, có rất nhiều chủ trang trại, doanh nghiệp vào vùng này và các xã lân cận tìm thuê đất để mở rộng sản xuất, chăn nuôi heo, cá. Nhu cầu thuê đất ngày càng cao, trong khi nông dân trong vùng chẳng ai có đất nhiều, trung bình từ 1 – 2ha ruộng. Do vậy, những người đi thuê đất thường đàm phán thuê nguyên dây ruộng liền lạc từ vài chục hécta đến hơn 100ha của nhiều chủ ruộng.

“Tôi nghĩ với thị trường lúa gạo bấp bênh nhiều năm, những người canh tác 1 – 2ha ruộng không thể có lời. Vùng này, cả năm ai làm lúa trúng lắm thì được 15 tấn/ha, vụ đông xuân có thể lời 100 – 200 đồng/kg lúa, nhưng vụ hai, vụ ba chỉ từ huề vốn tới lỗ vì trồng lúa diện tích nhỏ có chi phí cao. Tôi có ông bạn canh tác 3ha lúa, nhưng mới năm năm, mà nợ ngân hàng gần 300 triệu đồng, bán hết 3ha đất chưa chắc trả được nợ. Hiện nay, nhiều chủ trang trại và doanh nghiệp nhờ tôi tìm những dây ruộng có diện tích từ 30ha trở lên để họ đàm phán với nông dân ký hợp đồng thuê đất, đầu tư sản xuất. Tôi biết, nhiều người sau khi cho thuê đất, hai vợ chồng đi làm mướn nuôi con, chăn nuôi thêm vài con bò, cuộc sống gia đình rất ổn định”, ông Đức nói.

Thuê đất để sản xuất lớn

Ông Trần Văn Mì, trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tri Tôn cho biết, hiện nay, muốn trồng lúa có lời thì nông dân phải có ruộng với quy mô từ vài chục hécta trở lên để có thể cơ giới hoá các khâu sản xuất, giảm chi phí canh tác. Tri Tôn đang tập trung phát triển hình thức canh tác trang trại, nên nhu cầu tích tụ ruộng đất dưới hình thức thuê mướn (hoặc mua đứt) của các chủ trang trại và nhiều doanh nghiệp khác rất lớn. Những nông dân có đất ít, thiếu máy móc và vốn liếng, thì cho người khác thuê đất để phát triển sản xuất cũng là điều nên làm, vì hiện nay, chi phí sản xuất lúa rất cao, rủi ro lớn. Theo ông Phan Quốc Hội, chánh văn phòng hội Nông dân tỉnh An Giang, những năm gần đây, nông dân ở nhiều huyện trong tỉnh đã có xu thế cho thuê đất để đi làm thuê trong các nhà máy, xí nghiệp, hoặc giúp việc nhà ở Long Xuyên, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh khác. Tuy nhiên, những trường hợp bỏ làm nông, cho thuê đất để đi làm ăn xa thường rơi vào những gia đình đất ít (3.000 – 5.000m2/hộ), con đông, gia cảnh khó khăn.

bài và ảnh: Hùng Anh/ SGTT