itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Tiếng kẻng trên đảo Sơn Ca

Tiếng kẻng trên đảo Sơn Ca

Đồng chí Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM trò chuyện với chiến sĩ Nguyễn Minh Thái đang làm nhiệm vụ trên đảo Sơn Ca.

Nghe tiếng kẻng báo động, mọi người chạy vội theo những anh lính đảo. “Nó ở đâu ạ?”, theo hướng chỉ của anh hải quân, một chiếc máy bay lạ đang lượn quanh trên bầu trời, khu vực gần đảo Sơn Ca (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Những anh lính trẻ mới vừa đàn - hát chừng vài phút, giờ đã yên vị trong các công sự, sẵn sàng chiến đấu. Hầu như tất cả thành viên trong đoàn TPHCM vừa đến thăm đảo đều nín thở, lặng đi vì tình huống bất ngờ...

  • Kỷ niệm khó quên

Đoàn công tác của TPHCM do đồng chí Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM dẫn đầu, đặt chân lên đảo Sơn Ca (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) vào đúng ngày 30-4. Những anh lính đảo với nước da rám nắng, ánh mắt và nụ cười rạng rỡ đã đứng sẵn ở cầu tàu chờ đón đoàn từ bao giờ. Không khí tại đảo thêm phần rộn ràng bởi những câu chuyện từ đất liền.

Ở một góc khác trên đảo, họa sĩ Trần Phước Vinh (Hội Mỹ thuật TP) cũng bận rộn không kém, khi luôn tay ký họa chân dung cho các chiến sĩ. Các anh lính trẻ vừa xuýt xoa chuyền tay nhau xem những bức ký họa vừa hoàn thành, tranh thủ hỏi những câu chuyện về đất liền. Một cậu lính lém lỉnh: “Anh vẽ cho đẹp vào, anh ấy gửi về tặng người yêu đấy ạ!”.

Tại sân trung tâm trên đảo, dàn đồng ca đặc biệt của đồng chí trưởng đoàn Thân Thị Thư, mở màn buổi văn nghệ với Khúc quân ca Trường Sa và bài Hát mãi khúc quân hành. Không phân biệt đâu là lính, đâu là ca sĩ, đâu già, đâu trẻ… mọi người cùng vỗ tay hát vang những bài ca rất đỗi hào hùng. Khi cô ca sĩ trẻ của Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP đang bay bổng với ca khúc Vùng trời bình yên thì bỗng một hồi kẻng nữa lại dồn dập vang lên. Tiếng kẻng báo động căng thẳng. Nhanh như một cơn gió, chưa dứt tiếng kẻng, các anh lính đảo đã mũ sắt buộc nghiêm chỉnh, vũ khí trong tư thế sẵn sàng trên các công sự.

Dường như mỗi người lính, đặc biệt là những người đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió đều luyện cho mình một phản xạ như vậy, nếu chậm trễ chỉ giây lát sẽ phải trả giá bằng mạng sống của mình. Yên lặng. Chỉ còn nghe từng lượt gió rít qua tán lá những cây bàng vuông. Đối với những người khách lần đâu đến đảo như chúng tôi, lo lắng hiển hiện trên từng khuôn mặt.

Cái khoảnh khắc “nguy hiểm” vừa vụt qua, cảm nhận ranh giới mong manh giữa thời chiến và thời bình trên đảo này, trên vùng biển này rõ ràng hơn bao giờ hết. Một lúc sau, tiếng kẻng báo yên lại vang lên, nhanh thoăn thoắt, những người lính lại ùa về “sân khấu”. Cả chủ và khách lại hồn nhiên, say sưa tiếp tục… hát.

  • Giữa phong ba vẫn hát

Rời khỏi cuộc vui đang rôm rả, tôi lặng lẽ đi dọc hành lang trên đảo nhìn ra phía các công sự. Ở đây, các anh vẫn đứng gác, thấy tôi, một binh sĩ quay ra nhoẻn miệng cười rồi lại tiếp tục tập trung vào nhiệm vụ. Trên mặt đảo là nền cát và san hô trắng nên Sơn Ca còn được gọi là đảo cát. Không có đất màu nên trồng rau xanh gặp rất nhiều khó khăn, đảo lại không có giếng nước ngọt. Không chịu bó tay, chiến sĩ trên đảo quyết tâm cải tạo Sơn Ca trở thành một hòn đảo xanh tươi, xinh đẹp.

Hôm đặt chân lên đảo, mọi người khá bất ngờ, trên đảo Sơn Ca có rất nhiều cây cối xanh tốt và có cây đã sống lâu năm như bàng vuông, phi lao, phong ba, những vườn rau nhỏ, những con gà, vịt… cứ như đang ở một làng quê nào đó của đất liền.
Theo trung tá Trần Như Hải, chỉ huy trưởng đảo Sơn Ca kể, có lần một cơn bão quần quanh đảo suốt cả tuần. Từng cơn sóng to như tòa nhà liên tục ập về phía đảo, cây cối trơ trụi cành lá nhưng cán bộ, chiến sĩ trên đảo vẫn kề vai sát cánh kiên cường làm nhiệm vụ bám đảo. Ngoài đảo trưởng và chính trị viên tương đối “cứng” tuổi, đa số cán bộ chiến sĩ ở đảo đều rất trẻ, song ở họ đều toát lên vẻ rắn rỏi, tự tin.

Binh nhất Nguyễn Minh Thái (xã Phước Lộc, huyện Cần Giờ, TPHCM) khoe: “Bên cạnh công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, thời gian rảnh bọn em đi trồng thêm rau và chăm sóc cây xanh trên đảo. Giờ bọn em ai cũng có nghề như nông dân thực thụ vậy, cũng biết trồng rau, chiếc cây bàng vuông, chăm sóc gà vịt…”.
Giữa trưa, chúng tôi rời đảo. Những chiếc áo trắng lưu luyến đưa tay vẫy vẫy chào, vẫn nụ cười tươi rói nổi bật trên nước da nâu bóng vì nắng gió hồn hậu. “Ngày qua ngày, đêm qua đêm, chúng ta đến đây gìn giữ quê hương…”, lời bài Khúc quân ca Trường Sa vang vọng ở cầu tàu, đến khi những chiếc áo trắng dần khuất hẳn. Đối với những thành viên trong đoàn có lẽ đây sẽ là một trong những ngày 30-4 ý nghĩa và đáng nhớ nhất trong cuộc đời.

Không chỉ vì được kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cùng các chiến sĩ đảo xa, mà lần đầu tiên nhiều người trong đoàn được tận mắt chứng kiến phần nào những nguy hiểm, khắc nghiệt của các anh lính đảo. Giữa mênh mông trời biển, chúng tôi cảm nhận được từng tấc đất trên biển này thiêng liêng và giá trị biết chừng nào.

THANH AN/ SGGP