itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Bế mạc kỳ họp Quốc hội: Đẩy mạnh hoạt động giám sát của các cơ quan Quốc hội

Bế mạc kỳ họp Quốc hội: Đẩy mạnh hoạt động giám sát của các cơ quan Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng

đọc lời bế mạc kỳ họp - Ảnh: TTXVN

Chiều qua 21.11, Quốc hội đã họp phiên bế mạc, sớm 1 ngày so với chương trình dự kiến. Trước phiên bế mạc, các đại biểu Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2008 và Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2008.

Theo Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2008, tại kỳ họp thứ ba (dự kiến tháng 6.2008), Quốc hội sẽ giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tại kỳ họp thứ tư (tháng 10.2008), Quốc hội sẽ giám sát chuyên đề đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương từ năm 2005 đến năm 2007. Liên quan đến khiếu kiện của nhân dân và những phức tạp trong chính sách pháp luật về đền bù, giải phóng mặt bằng, rất nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Quốc hội tiếp tục tiến hành giám sát đối với nội dung này trong năm 2008. Tuy nhiên, giữ quan điểm rằng những đề xuất trong giám sát chuyên đề về chính sách pháp luật trong đền bù, giải phóng mặt bằng và giải quyết việc làm cho người dân có đất bị thu hồi mà Quốc hội thực hiện năm 2007 đã rất thiết thực, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng chỉ cần yêu cầu Chính phủ và các cơ quan hữu quan phải tổng kết, đánh giá và có sự điều chỉnh trong quá trình thực hiện.

Quốc hội cũng giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát liên tục để báo cáo kết quả với Quốc hội về việc thực hiện pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.

Phát biểu tại phiên bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đến yêu cầu đẩy mạnh hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội thời gian tới, nghiên cứu tiến tới thực hiện việc chất vấn tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội để chất vấn trở thành một hoạt động thường xuyên của Quốc hội.

* Theo Luật phòng, chống bạo lực gia đình vừa được 88,84% số đại biểu Quốc hội tán thành thông qua hôm qua, hành vi bạo lực giữa vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống như vợ chồng cũng được coi là hành vi bạo lực gia đình bị pháp luật nghiêm cấm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích rằng, điều chỉnh này không nhằm khuyến khích việc không đăng ký kết hôn mà trên thực tế do nhiều lý do khác nhau về hoàn cảnh lịch sử, truyền thống, phong tục tập quán mà hiện nay ở nước ta vẫn còn hàng triệu cặp vợ chồng không đăng ký kết hôn. Theo quy định của Luật phòng, chống bạo lực gia đình, người có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ. Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang có hành vi bạo lực gia đình nếu bị xử lý vi phạm hành chính sẽ bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan để giáo dục.

Tuyết Nhung (Theo Thanh Niên)