itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Các thành viên Chính phủ hoàn thành phần trả lời chất vấn

Các thành viên Chính phủ hoàn thành phần trả lời chất vấn

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng

trả lời chất vấn

Chiều qua, phần trả lời làm vừa lòng đa số các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã khép lại 2 ngày rưỡi trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ.

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: Vẫn cần có xin - cho ở một số lĩnh vực

Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: "Thủ tướng và Chính phủ nhận trách nhiệm và kiểm điểm nghiêm túc về những thiếu sót, sai lầm trong chỉ đạo điều hành thực hiện Đề án 112". Ông cho biết: ngoài việc Cơ quan điều tra đang tiếp tục điều tra, làm rõ những sai phạm, tham nhũng liên quan đến một số cá nhân thực hiện đề án, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát lại tất cả các chương trình dự án, đặc biệt là chương trình mục tiêu, không để xảy ra tình trạng sơ hở trong quản lý điều hành và chi tiêu như Đề án 112.

Mặc dù chỉ có một ĐBQH (Phương Hữu Việt, Hà Nội) hỏi về quá trình lựa chọn địa điểm xây dựng nhà QH (Hội trường Ba Đình mới) nhưng Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng vẫn dành phần lớn thời gian để giải trình. Ông nhắc lại các quyết định với đa số ĐBQH kỳ họp thứ 10 và thứ 11 của QH khóa XI đồng ý về vị trí nhà QH trên khuôn viên Hội trường Ba Đình hiện nay. Theo Phó thủ tướng, đây là quyết định của quá trình lựa chọn nghiêm túc và có trách nhiệm.

2/3 lao động nông nghiệp sẽ thành công nhân và trí thức

Băn khoăn trước thực trạng khoảng cách giàu - nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa miền núi và đồng bằng ngày càng giãn ra, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đề nghị Phó thủ tướng cho biết những giải pháp đột phá của Chính phủ nhằm rút ngắn khoảng cách này.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng 

Trong năm 2008, chúng ta sẽ thực hiện chất vấn tại các kỳ họp của Ủy ban Thường vụ QH bám vào các nội dung mà các Bộ trưởng đã trả lời chất vấn mấy hôm nay. Chúng ta sẽ giám sát kỹ chứ không buông. ĐBQH cũng cần bám sát nguyện vọng, yêu cầu của nhân dân để đặt vấn đề cho đúng và trúng.

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: "Nếu chúng ta chia dân cư thành 5 nhóm, mỗi nhóm 20% thì nhóm 20% giàu đang giàu gấp 8,4 lần nhóm 20% nghèo, còn lấy 10% giàu so với 10% nghèo thì con số này là 13 lần. Đây là con số chúng ta không mong muốn. Vấn đề là phải giải quyết như thế nào để người giàu càng phải giàu lên (vì thực chất người giàu của chúng ta chưa giàu, chưa có tỉ phú đô la) mà người nghèo thì cũng phải làm giàu nhanh". Phó thủ tướng thừa nhận: "Chịu ảnh hưởng của quá trình thu hồi đất để công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước là 70% nông dân. Nếu thực hiện không tốt sẽ bần cùng hóa nông dân".

Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng lưu ý: "Trong chiến lược phát triển, nông thôn phải theo quy hoạch để được đô thị hóa dần. Chúng ta sẽ đưa các nhà máy chế biến về nông thôn, chuyển đổi cơ cấu lao động một cách tích cực. Tránh tình trạng 6 người trong lao động nông nghiệp chỉ làm ra 20% của cải, 4 người trong khối công nghiệp, dịch vụ làm ra 80% của cải". Ông tuyên bố: "Trong tương lai chỉ để trong nông nghiệp 1/3 lao động hiện nay, 2/3 còn lại sẽ đào tạo để chuyển thành công nhân và trí thức".

Mở casino thì vẫn phải xin-cho

ĐB Ngô Văn Hùng (Lào Cai) chất vấn: "Báo cáo của Chính phủ cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn tới nạn tham nhũng là cơ chế xin - cho ở một số lĩnh vực. Năm 2008 Chính phủ có biện pháp gì khắc phục ?" Phó thủ tướng quả quyết: "Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có quy định nào còn nặng về xin - cho phải bãi bỏ ngay. Nhưng đây là quá trình hoàn thiện thể chế hành chính, không thể nói tuần sau hay năm sau sẽ xong và chấm dứt". Ông thẳng thắn: "Nhưng cũng có nhiều việc cần thiết phải có xin-cho mới đảm bảo phát triển ổn định và bền vững. Ví dụ như mở casino là phải có xin - cho, bây giờ thì chưa cho được (trước đó trả lời một chất vấn khác, Phó thủ tướng đã đề cập đến việc khi cân nhắc khả năng quản lý được sẽ cho thí điểm mở casino ở một số tỉnh - PV). Hay như lấy đất trồng lúa để làm dịch vụ, công nghiệp không theo quy hoạch thì cũng không cho được. Đấy là những việc cần phải có xin - cho".

Dẫn tin trên Thanh Niên, ĐB Vũ Hoàng Hà (Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định) chất vấn Phó thủ tướng về việc cán bộ của một số ngành không chấp hành quy định về tuổi nghỉ hưu. Phó thủ tướng thừa nhận một số trường hợp ở Bộ Y tế và Bộ Giáo dục - Đào tạo là "kéo dài hơi quá".

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu: "Tôi nói sửa là bỏ đấy"

Ảnh:N.Đ.Toán

Trong hơn 100 phút, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã trả lời nhiều câu hỏi khó của 16 ĐBQH về những vấn đề bức xúc trong việc khám chữa bệnh cho dân.

ĐB Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long) chất vấn: "Thông tư liên tịch số 06 giữa Bộ Y tế và Bộ Tài chính về bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện, theo tôi trái ngược với tính chất tự nguyện, vì quy định bắt buộc 10% số hộ mua của mỗi xã, 100% thành viên của từng hộ gia đình mua thì mới bán BHYT. Đề nghị Bộ trưởng xem nội dung thông tư hợp lý chưa, hợp lòng dân chưa?".

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu: "Nguyên nhân bội chi BHYT hiện nay là do số người tham gia ít mà số chi ra thì nhiều. Cho nên mới có quy định như thế để lấy số đông bù số ít. Về lý lẽ tài chính thì là đúng nhưng nếu xét về y tế học và xã hội học thì không hợp. Chúng tôi hứa sẽ sửa trong Nghị định 63 về BHYT tới đây".

ĐB Đặng Văn Xướng (Long An) tỏ ý gay gắt: "Bộ trưởng nói sẽ sửa Thông tư 06 nhưng liệu có thể bỏ ngay các quy định trên để áp dụng các biện pháp khác hay không?".

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu: "Tôi nói sửa là bỏ đấy. Nhưng mệnh giá của BHYT rất thấp, có 80.000 đồng một thẻ. Một ông chạy thận nhân tạo 1 lần hết 8 triệu đồng, có nghĩa là 1.000 ông có thẻ BHYT cả năm ấy không được khám chữa bệnh gì cả thì mới dồn được cho một người. Thấp quá! Tiền thấp chắc chữa cũng lâu khỏi. Vừa rồi trình 130.000 đồng, không biết QH đồng ý nâng lên không thì chưa biết. Tôi nghĩ đã tăng thì phải khá một tí, chứ thấp quá thì không nên, thấp cho nên cứ một ông chữa bệnh, một ông ngồi bên cạnh giám sát sợ vỡ quỹ".

ĐB Dao Nhiễu Linh (TP.HCM) hỏi tiếp: "Xin cho biết thời gian cụ thể nào sẽ hoàn thành lời hứa này?". Bộ trưởng Triệu: "Cái này là thông tư liên tịch nên cũng phải mất vài tuần để trao đổi. Tôi tin là cái này cũng hợp với đạo lý nên Bộ Tài chính cũng sẽ ủng hộ thôi".

ĐB Lê Thị Dung (An Giang) vẫn chưa thôi: "Cử tri sẽ rất vui mừng nhưng xin Bộ trưởng cho biết là sửa theo hướng nào, có bỏ không?". Bộ trưởng Triệu kiên nhẫn: "Tôi đã nói đi nói lại rồi. Tất nhiên việc bỏ quy định về được mua bảo hiểm theo tỷ lệ người mua sẽ gay go, gây khó khăn về quỹ. Nhưng đối tượng mua BHYT là người nghèo, khó khăn thì Nhà nước phải tìm nguồn khác. Chứ cứ sòng phẳng đồng tiền lạnh tanh thì không phải chế độ chúng ta".

Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn : Đề nghị "dẫn chứng" chạy chức, chạy quyền!

Ảnh:N.Đ.Toán

ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) nói: "Nạn chạy chức chạy quyền, học giả bằng thật hiện phổ biến nếu không kịp thời ngăn chặn sẽ gây hậu quả khôn lường. Trách nhiệm của Bộ trưởng trước tình hình này và giải pháp thế nào ?". Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn: "Chúng ta đang đề bạt sắp xếp, bố trí cán bộ theo quy trình chặt chẽ. Có những bộ ngành, các tỉnh, địa phương thực hiện tốt. Tuy nhiên, cũng có ý kiến nêu có tình trạng chạy chức, chạy quyền. Quan điểm của tôi là thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về quy trình sắp xếp, tổ chức cán bộ, lấy ý kiến cơ sở, và công khai, dân chủ, trách nhiệm..." .

ĐB Cuông chưa bằng lòng: "Không ai chạy chức chạy quyền đến báo cáo bộ trưởng cả, đó là hoạt động ngầm. Chỉ đi sâu, đi sát, đi vào thực tiễn mới thấy và có biện pháp ngăn chặn. Bộ trưởng chưa nắm được thì phải sâu sát hơn xem họ chạy ở đâu, cách chạy thế nào để có cơ chế ngăn chặn kịp thời. Đây tôi nói ví dụ như vừa rồi tại Bệnh viện Bắc Ninh, người tuyển mấy trăm người vào, nhận tiền đã bị truy tố. Ở Tây Ninh, Bí thư thị xã bị cách chức, chưa xử lý xong đã lại được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Xây dựng". Bộ trưởng Trần Văn Tuấn: "Tôi nghĩ là không chỉ có các trường hợp trên mà còn nhiều trường hợp khác. Tôi không phải không thừa nhận trong quá trình sắp xếp, đề bạt có nhiều trường hợp không đúng. Ý tôi muốn nói là nếu ĐB biết trường hợp nào thì thông báo. Còn ý kiến ĐB góp ý, chúng tôi rất đồng tình".

Một số ĐB chất vấn về việc nhiều chức danh cán bộ ở cấp xã, phường không được xếp lương và không được mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Trần Văn Tuấn nói, ông tiếp thu ý kiến này để sắp tới soạn thảo lại các văn bản chính sửa Nghị định 121/NĐ-CP hiện hành trình Chính phủ phê duyệt về chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp cho cán bộ cơ sở.

Tuyết Nhung - Mạnh Quân (Theo Thanh Niên)