itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Miền Trung với đợt lũ mới: Trên đổ xuống, dưới dâng lên

Miền Trung với đợt lũ mới: Trên đổ xuống, dưới dâng lên

Một điểm hư hỏng trên tuyến đường

Nguyễn Tất Thành, Đà Nẵng

Ảnh: Đ.Cường

Trong khi nước ở thượng nguồn tiếp tục đổ xuống thì nhiều nơi ở miền Trung nước dâng cao trở lại, báo hiệu một cơn lũ mới đang đến gần.

Các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lũ các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam và hạ lưu sông Kôn tiếp tục lên; các sông ở Quảng Ngãi và từ Phú Yên đến Khánh Hòa có khả năng lên lại. Hôm nay có khả năng mưa to đến rất to từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi.

Tính đến chiều tối 18-11, mực nước tại các sông trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn của tỉnh Quảng Nam đã dâng cao trở lại, đạt mức xấp xỉ báo động 3. Tại thị trấn Ái Nghĩa (Đại Lộc) đến chiều tối 18-11 mực nước đã lên 8,40m, dưới báo động 3 là 0,3m. “Nước tiếp tục lên tuy nhiên có phần chậm. Nhiều khả năng trong đêm 18-11 nước sẽ chạm đỉnh lũ trên mức báo động 3” - ông Phan Đức Tính, phó chủ tịch huyện Đại Lộc, cho biết. Trước tình hình diễn biến mỗi lúc mỗi xấu, ngay trong hôm qua chính quyền huyện Đại Lộc đã cho di dời khẩn cấp 1.000 hộ dân tại các vùng thấp lụt lên khu vực cao.

Trong khi đó hôm qua toàn thị xã Hội An nước đã dâng cao trở lại, lên mức xấp xỉ báo động 3. Ông Lê Văn Giảng - chủ tịch thị xã - cho biết: “Trong khi nước từ thượng nguồn đổ về mỗi lúc một nhiều thì phía biển triều cường lại dâng lên, do đó nước sông không thoát được dẫn đến nhiều khu vực bị ngập lụt trở lại mức độ khá nặng nề’’. Cũng trong ngày hôm qua mưa lớn trên diện rộng đã xảy ra tại nhiều huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam như Tây Giang, Đông Giang, Tiên Phước, Nam Trà My... Đường Hồ Chí Minh, tuyến độc đạo dẫn lên huyện Tây Giang, đã bị sạt lở nhiều điểm vào tối 17-11, do đó huyện Tây Giang lại tiếp tục bị cô lập.

Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cho biết: lo nhất là 37 xã của huyện Tây Giang, Nam Giang đã hơn bảy ngày qua bị cô lập. Lượng lương thực, thực phẩm dự trữ của chính quyền lẫn người dân gần như cạn kiệt. Thế nhưng để mang hàng hóa cứu trợ vào các xã này phải cắt rừng 4-5 ngày mới tiếp cận được. “Tỉnh đã làm việc với sư đoàn 372 để chuyển hàng cứu trợ đến bà con vùng bị cô lập này nhưng hiện thời tiết xấu nên chưa thể triển khai’’ - ông Thu nói.

* Tại TP Đà Nẵng, chiều 18-11, đoàn công tác của Chính phủ do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu đã đi thị sát nhiều tuyến đường bị sạt lở do trận lũ trước gây ra. Theo báo cáo của TP Đà Nẵng, đợt lũ gây thiệt hại ước tính trên 1.524 tỉ đồng, riêng các tuyến đường giao thông thiệt hại gần 700 tỉ đồng.

Sau đó, Phó thủ tướng đến kiểm tra tình hình phòng chống và khắc phục hậu quả lũ lụt tại Thừa Thiên - Huế. Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Hồ Xuân Mãn cho biết nhu cầu kinh phí phòng chống và khắc phục hậu quả lũ lụt của tỉnh ước lên đến 300 tỉ đồng. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận những kiến nghị của lãnh đạo tỉnh và nhắc nhở: “Nói là không để dân đói, nhưng phải xác định đấy là trách nhiệm nặng nề chúng ta cần quyết tâm thực hiện”.

* Tỉnh Quảng Nam vừa ký quyết định phân bổ số tiền 55 tỉ đồng từ nguồn do Thủ tướng giúp để các địa phương, đơn vị thực hiện hỗ trợ dân sinh, hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng, mua giống khôi phục sản xuất, sửa chữa, khắc phục các công trình hạ tầng... Theo đó, hai huyện Điện Bàn và Đại Lộc mỗi địa phương 5 tỉ đồng; Duy Xuyên, Quế Sơn, Hội An, mỗi địa phương 3 tỉ đồng; các huyện Tây Giang, Nam Trà My, Thăng Bình mỗi địa phương 1,5 tỉ đồng; chín huyện, TP còn lại mỗi địa phương 1 tỉ đồng. Quyết định của chủ tịch UBND tỉnh cũng phân bổ cho Sở NN&PTNT 4 tỉ đồng, Sở GD-ĐT và Sở Y tế mỗi đơn vị 2 tỉ đồng, Sở GTVT 1 tỉ đồng. Ngoài ra, tỉnh dành 13,5 tỉ đồng để hoàn trả việc mua gạo, mì ăn liền đã cấp cho các địa phương từ đợt lũ đầu.

* Chiều 18-11, giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An Nguyễn Chí Trung cho biết: nhiều di tích ở Hội An hiện trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng và có thể đổ sụp bất cứ khi nào do đã ngâm quá nhiều ngày trong nước. Nhiều di tích, nhà cổ bị lún tường vôi, ngói âm dương bị mục nát, nước ngấm vào các dầm gỗ đã quá nhiều tuổi. Chính quyền thị xã Hội An huy động hơn 200 thanh niên và công nhân của nhiều đơn vị xây dựng mang 20 khối gỗ khẩn trương chèn chống cho hơn 100 di tích có nguy cơ sụp đổ. Hiện nhà số 102 và 104 đường Bạch Đằng đã nghiêng ra sông Hoài gần 20 độ và có nguy cơ đổ xuống sông. Chính quyền thị xã Hội An cũng cho biết đã huy động lực lượng hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ các đơn vị giúp dân tại địa bàn và lực lượng thanh niên xung kích chuẩn bị sơ tán dân ngay trong đêm khi lũ dâng.

 

Kontum: 3 người chết

Theo Ban phòng chống lụt bão huyện Kon PLông (tỉnh Kontum) đến sáng 18-11, năm xã trong huyện gồm Đăk Tăng, Măng Bút, Đăk Ring, Đăk Nên và Ngọc Tem vẫn ngập trong nước lũ và đường giao thông bị sạt lở gây chia cắt hoàn toàn. Huyện Kon PLông đã thành lập đoàn cứu trợ khẩn cấp đến các xã này để hỗ trợ lương thực, mì tôm, thuốc men... Đến nay toàn huyện đã có ba người chết và mất tích tại hai xã Măng Cành và Măng Bút.

T.T.Nhi

Đường sắt Bắc - Nam đã thông trở lại

Vào lúc 16g ngày 18-11, tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua đèo Hải Vân đã thông trở lại (với tốc độ 5km/giờ) sau nhiều ngày bị gián đoạn do sạt lở núi. Ông Khuất Hữu Tứ, trưởng văn phòng đại diện Tổng công ty Đường sắt VN tại miền Trung, cho biết hiện còn ba điểm sạt lở, ngành đường sắt đang tập trung 350 công nhân tiếp tục thi công gia cố các điểm sạt lở này trong vòng một tuần nữa. Đoạn đường sắt qua đèo Hải Vân bị sạt lở đến 41 điểm vừa qua khiến các chuyến tàu lưu thông bị gián đoạn từ ngày 12 đến 18-11.

Q.Tám

Đ.Nam - V.Hùng - Đ.Toàn - V.Trường - D.Hoàng (Theo Tuổi Trẻ)