itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Chống lạm dụng tình dục trẻ em

Chống lạm dụng tình dục trẻ em

Lạm dụng tình dục trẻ em là vấn đề

đáng lo ngại không chỉ ở Việt Nam

Tại Hà Nội đang diễn ra phiên hội thảo dài bốn ngày về phòng chống nạn bóc lột tình dục trẻ em.

Hội thảo do Đại sứ quán Anh, Microsoft, Trung tâm Phòng ngừa Bóc lột Trẻ em cùng phối hợp với Bộ Công An Việt Nam tổ chức, với sự tham gia của 70 đại diện từ các cơ quan chính phủ, các tổ chức phi chính phủ từ nhiều nơi tại Việt Nam, Lào, Thái Lan, Campuchia và Trung Quốc tham gia.

Ông Jim Gamble, Tổng Giám đốc Điều hành Trung tâm Phòng ngừa bóc lột trẻ em có trụ sở tại Anh cho biết thêm những gì tổ chức của ông mang tới hội thảo này:

Tổ chức của chúng tôi có kinh nghiệm đa dạng về đào tạo trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em khỏi nạn bóc lột và lạm dụng và chúng tôi tạo ra một môi trường để các bên liên quan chia sẻ thông tin nhằm bảo vệ trẻ em khỏi bị lạm dụng.

BBC: Chia sẻ thông tin có nghĩa là ở tầng vĩ mô người ta biết các tội phạm hoặc những nhân vật nhiều khả năng có hành vi tội phạm, thế nhưng trẻ em khi tiếp xúc với họ thì chúng đâu có biết gì?

Đúng vậy. Chính vì có khả năng trẻ em tiếp xúc với nhiều người nước ngoài đến những nước tại vùng Đông Nam Á nên các cơ quan thừa hành luật và các tổ chức phi chính phủ (NGO) cần phải phối hợp với nhau để có được thông tin và hiểu biết nhằm bảo vệ trẻ em. Chẳng hạn như khi chúng tôi biết một người đã từng phạm tội liên quan tới tình dục tại Scotland, Wales hay Anh chẳng hạn, đang tới Việt Nam thì chúng tôi cần phải chia sẻ thông tin chúng tôi có với nhà chức trách. Garry Glitter hiện đang ngồi tù ở VN về hành vi dâm ô với trẻ vị thành niên và đây là một ví dụ tích cực cho thấy một trong những nước trong vùng đã có hành động cương quyết và vụ này đã đưa ra tín hiệu mạnh mẽ đối với giới tội phạm tình dục rằng bất kể họ tới đâu mà làm bậy thì chúng tôi cũng sẽ chia sẻ thông tin và làm việc cùng nhau để bắt họ.

BBC: Ông vừa nói vụ Garry Glitter là một ví dụ tốt về sự phối hợp các bên, thế nhưng trước khi nhân vật này ngồi tù thì ông ta cũng đã có hành vi dâm ô với trẻ tại Việt Nam rồi? Vậy có quá muộn hay không?

Đúng là chuyện đã rồi. Thế nhưng ông ta không thoát được khi làm chuyện đó. Và chúng tôi đã rút ra khá nhiều bài học từ vụ này. Lý do mà Garry Glitter tới khu vực này là bởi ông ra nghĩ là ông ta có thể làm việc mình muốn mà không bị bắt. Hội thảo lần này là để rút ra các bài học từ những gì đã xảy ra trong quá khứ nhằm không để lặp lại lỗi đã có trước đây. Một trong những điểm then chốt là dân chúng, trong đó có phụ nữ và trẻ em và các hộ gia đình sống tại những nơi đã xảy ra những vụ như vậy hiểu và đề cao cảnh giác đối với những người mà họ nhận thấy có nhiều rủi ro với trẻ em và báo cho cảnh sát để họ có hành động kịp thời.

BBC: Chúng ta đang bàn về hành vi ấu dâm xảy ra do người nước ngoài tại một nước khác. Tuy nhiên hành vi này thậm chí xảy ra còn nhiều hơn trong cộng đồng dân chúng địa phương với nhau.

Đúng thế. Trong trường hợp như tại Anh chẳng hạn thì một số khá lớn tội phạm tình dục xảy ra là những người biết rõ về trẻ em họ tiếp xúc. Thậm chí là những người trong nhà với nhau hoặc có qua hệ thân thiết. Do vậy chia sẻ thông tin là điều quan trọng và làm được như vậy thì sẽ đạt được kết quả tốt hơn bởi làm việc đơn độc thì sẽ không có cơ hội cải thiện nhiều. Và điều đó cho chúng ta cơ hội đương đầu với tội phạm ấu dâm bất kể là tại địa phương hay từ nước ngoài tới nơi mà đáng ra chúng ta phải làm chủ môi trường sống của mình.

Theo BBC