itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Ngày họp đầu tiên HĐND TPHCM lần 12, khóa VII: Đừng vì tăng trưởng nóng mà phải trả giá đắt

Ngày họp đầu tiên HĐND TPHCM lần 12, khóa VII: Đừng vì tăng trưởng nóng mà phải trả giá đắt

Phiên khai mạc kỳ họp thứ 12 HĐND

TPHCM khóa VII. Ảnh: T. Thạnh

Chiều 4-12, các đại biểu (ĐB) HĐND TPHCM đã thảo luận sôi nổi về các báo cáo và tờ trình của UBND TPHCM. Nhận định chung của hầu hết ĐB là “đáng mừng vì sự tăng trưởng mạnh về kinh tế của TP”. Tuy vậy, bên cạnh đó, hàng loạt lo ngại về dân sinh được các ĐB đặt ra như ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm...

Phải thống kê thiệt hại về môi trường

Với con số “bắt mắt”: GDP của TP năm 2007 tăng 12,6%, ĐB Đặng Văn Khoa lo ngại: “TP không nên chọn con đường tăng trưởng “nóng” mà bỏ qua những di hại về sau cho chính chúng ta và con cháu. Đặc biệt là một bộ phận người dân không có khả năng tự vệ như bà con nông dân ở ngoại thành, do nguồn nước ô nhiễm trầm trọng”. Cùng quan điểm tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với tăng chất lượng sống, ĐB Ngô Minh Hồng lên tiếng: “Tôi đề nghị UBND TP phải thống kê cả những thiệt hại do ô nhiễm môi trường, ngập nước gây ra chứ không chỉ vui mừng vì đồng tiền kiếm được!”. Không chỉ ô nhiễm môi trường, thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay bị thả nổi nên theo ĐB Nguyễn Đăng Nghĩa cũng rất là nguy cơ. ĐB Nghĩa dẫn chứng: “TP có 10.000 ha trồng rau nhưng có đến 1.000 ha rau được cho là không an toàn. Chưa kể, sản phẩm nào cũng có phẩm màu, hóa chất, chất phụ gia...”. Đây là cái giá quá đắt phải trả do TP không chú trọng chăm lo đến cuộc sống người dân, nhiều ĐB bức xúc.

Nên dừng xây dựng cao ốc ở trung tâm

Để giải quyết bài toán giao thông đô thị, ĐB Nguyễn Ngọc Hòa phân vân: “Làm sao để TP có 8 tỉ USD để thực hiện dự án theo kế hoạch từ nay đến năm 2010 trong khi năm 2008 TP loay hoay để kiếm 13.500 tỉ đồng đã rất khó (chiếm 2%-3% của 8 tỉ USD- PV)?”. Cũng theo tờ trình của UBND TP, dự kiến năm 2008, TP cần 15.000 tỉ đồng để đầu tư dự án hạ tầng nhưng ngân sách TP chỉ có thể đáp ứng được 3.000 tỉ đồng. ĐB Đặng Văn Khoa lắc đầu: “Việc đầu tư phát triển là cần thiết nhưng nếu toàn bộ dùng vốn vay là rất rủi ro. Chưa kể, việc quản lý vốn vay ODA của ta quá dễ dãi, vì đi giám sát cho thấy mỗi sở-ngành “phán” một con số khác nhau. Nếu chỉ toàn đi vay để đầu tư dự án, không khéo TP sẽ trở thành doanh nghiệp mất. Vì vậy, tôi đề nghị TP nên cân nhắc vấn đề này”. Theo ĐB Khoa: “Muốn giảm kẹt xe thì quy hoạch khu vực trung tâm cần phải xem xét lại chứ TP cho xây quá nhiều cao ốc ở trung tâm là có vấn đề! Theo tôi, việc xây dựng cao ốc ở khu trung tâm nên dừng lại là vừa”.

“Làm ngơ” nghị quyết HĐND?

Điểm qua hàng loạt con số như hơn 300 trạm y tế phường-xã không có hệ thống xử lý nước thải, 10/13 xã ở huyện Bình Chánh bị ô nhiễm nguồn nước..., ĐB Võ Văn Sen bức xúc: “Chưa có nơi đâu mà mỗi năm tình hình ô nhiễm lại tăng lên như TPHCM. Theo tôi, kỳ này HĐND TP phải ra nghị quyết giải quyết dứt điểm vấn đề này!”. Còn ĐB Nguyễn Văn Hiệp bày tỏ: “Ô nhiễm môi trường không chỉ bức xúc với người dân mà hơn nữa nó là nỗi đau của ĐB chúng tôi. Tôi có cảm giác mỗi nhiệm kỳ, ĐB lên tiếng rồi bị TP cho qua. Tại sao nghị quyết HĐND TP quy định đến giữa năm 2006, TP sẽ di dời hết cơ sở gây ô nhiễm ra ngoại thành mà đến nay chỉ thực hiện được 90% (còn 141 cơ sở chưa di dời- PV)? Phải chăng các đơn vị và sở-ngành TP làm ngơ nghị quyết của HĐND?”. Trước tình trạng này, ĐB Phạm Văn Hải đề nghị TP nên xem xét trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc giải quyết các vấn đề ô nhiễm. Trong đó, đến nay hàng loạt bệnh viện không có hệ thống xử lý nước thải là điều không thể chấp nhận được.

Cải cách hành chính: Đừng nghe suông !

ĐB Trần Thị Thu Vân dẫn chứng: “UBND cấp quận là nơi bị người dân than phiền về thủ tục đất đai nhiều nhất, nhưng mỗi lần thay đổi chính sách là phải chờ TP chỉ đạo mà chờ hoài không thấy hướng dẫn! Nếu không thay đổi thể chế bộ máy thì có cải cách tới mấy cũng bằng thua!”. ĐB Nguyễn Thế Dũng đề nghị HĐND TP nên tổ chức sớm một chuyên đề về cải cách hành chính, đánh giá lại 2 năm qua TP đã làm được gì để rút kinh nghiệm và... cải cách tiếp. “Thay vì chỉ nghe các giám đốc sở nói sẽ làm đề án này, dự án nọ thì HĐND phải truy các giám đốc cho được là bao giờ làm, chừng nào xong. Phải chốt như vậy mới quy được trách nhiệm của từng sở!”, ông Dũng nói tiếp. Ông Châu Minh Tỷ, Giám đốc Sở Nội vụ, nhìn nhận: Người dân còn kêu khổ nhiều về thủ tục nhà đất và qua thanh tra công vụ gần như chưa có quận- huyện nào giải quyết đúng hạn cho dân quá 50%. Theo ông Tỷ, nguyên nhân chính là trong 6 tháng đầu năm, do thay đổi chính sách từ Trung ương nên hầu như việc giải quyết thủ tục nhà đất cho dân bị đứng yên!

Ngoài ra, những chỉ tiêu, giải pháp về kinh tế- xã hội mà UBND TP đặt ra trong năm 2008 theo nhiều ĐB là chưa hợp lý và rất chung chung. Chưa kể, nhiều chỉ tiêu không có tính khả thi và có vẻ chạy theo thành tích!

Hôm nay (5-12), ngày họp thứ hai HĐND TP lần 12, khóa VII sẽ là phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. Theo Thường trực HĐND TP, 3 sở tham gia trả lời chất vấn là GTCC, Tài nguyên và Môi trường, NN-PTNT.

Chưa có thời gian đọc, làm sao biểu quyết?  

Cầm một xấp báo cáo và tờ trình của UBND TP về thu chi ngân sách trên tay, ĐB Đặng Văn Khoa nói thẳng: “Dù thời gian qua UBND TP có tiến bộ hơn trong xây dựng kế hoạch thu chi ngân sách, nhưng với số liệu “ngồn ngộn” thế này và mới nhận được vào chiều thứ sáu thì chúng tôi khó mà giơ tay biểu quyết, vì không thể nghiên cứu kỹ được”. Theo ĐB Khoa, để biết được “bộ mặt thật” của ngân sách thì vấn đề thu chi ngân sách TP cần được kiểm toán rõ ràng.

Theo Q.Hiền - N.Triều - T.Hồng (NLĐ)