itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Lũ lịch sử vượt đỉnh 1999

Lũ lịch sử vượt đỉnh 1999

4 phường nội thành TP Huế chìm trong

biển nước - ảnh: Bùi Ngọc Long

* Quảng Nam: Khắp nơi vang tiếng kêu cứu...
* Đà Nẵng: 100.000 người bỏ nhà chạy lụt
* Thừa Thiên-Huế - Quảng Trị: Người dân kiệt sức vì lũ triền miên
* Ít nhất 25 người chết và mất tích
* Một nữ PV Thanh Niên tham gia đoàn cứu hộ thoát chết sau 4 tiếng đồng hồ thuyền bị trôi

Quảng Nam: Khắp nơi vang tiếng kêu cứu...

Ảnh: T.Đ.Thắng

Tính đến 17 giờ chiều qua, tỉnh Quảng Nam đã có 6 người chết và mất tích. Đó là các nạn nhân: Nguyễn Trần Nhật Triều (thị trấn Ái Nghĩa, H.Đại Lộc), Nguyễn Thanh Lạc (thôn 4, xã Tiên Lập, H.Tiên Phước), Nguyễn Mẫn (thôn 8, xã Đại Cường, H.Đại Lộc) đã tìm thấy xác; 3 người mất tích và chưa xác định danh tính, cùng ở H.Điện Bàn, trong đó tại xã Điện Tiến 2 người, xã Điện Phước 1 người. Tại huyện Quế Sơn, hơn 30 nghìn nhân khẩu của 5 xã vùng tây gồm Quế Lộc, Quế Phước, Quế Trung, Quế Ninh và Quế Lâm bị cô lập từ chiều 11.11 đang chới với giữa biển nước của lũ thượng nguồn sông Thu Bồn. Tại huyện Đại Lộc, trên 80% nhà dân bị ngập nước; trên 1.000 hộ dân vùng thấp trũng đã được sơ tán. Tại huyện Thăng Bình, các xã Bình Nam, Bình Giang, Bình Dương, Bình An, Bình Đào đã và đang tiến hành di dời khoảng 1.061 hộ với 3.705 khẩu đến các địa điểm tập trung và xen ghép.

Tại huyện Điện Bàn, Phó chủ tịch UBND huyện Trần Minh An nói: "Hàng trăm hộ dân ở các xã Điện An, Điện Phước,

Ảnh: T.Đ.Thắng

Điện Thọ leo lên nóc nhà kêu cứu rầm trời, nhưng huyện không đủ ca nô đi ứng cứu". Đến 15 giờ nước vẫn còn ngập sâu trên 1,5 mét ở Vĩnh Điện và đường DT 609 đi Đại Lộc. Tại thị xã Hội An, 550 du khách ở các khách sạn vùng thấp lụt đã được di dời an toàn đến các nơi cao hơn trong sáng 12.11. Đường giao thông đến Hội An chỉ còn một tuyến duy nhất là đường ven biển rẽ trái tại ngã ba An Bàng để vào, do đó mật độ xe cộ đi lại chiều qua rất đông.

Đà Nẵng: 100.000 người bỏ nhà chạy lụt

Ảnh: Bùi Ngọc Long

Từ đêm ngày 11 đến rạng sáng 12.11, nước lũ lên nhanh chóng mặt, khiến cho hàng nghìn hộ dân Đà Nẵng không kịp trở tay. Nhà của hơn 30.000 hộ dân chìm ngập trong biển nước. Hơn 100.000 nhân khẩu phải rời nhà để chạy lụt. Tuyến quốc lộ 1A đoạn từ xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang) trở ra đã bị ngập. CSGT đã phong tỏa mặt đường để tránh thất thoát về người và tài sản. Toàn bộ xe tải, ô tô khách chạy từ phía Bắc vào, đều được chỉ đạo sắp xếp dừng chân tại những vùng ven, khu công nghiệp của TP Đà Nẵng để đảm bảo an toàn.

Trong khi tuyến quốc lộ 1A tê liệt, thì nhà của hàng nghìn hộ dân của xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang đã chìm trong biển nước. Hầu hết đều ngập sâu từ 1-2m. Phương tiện vận chuyển duy nhất để chạy lũ lúc này chỉ là những chiếc ghe nhỏ đủ sức chở 3-4 người. Chiều qua, 1 người của thôn Quan Châu (xã Hòa Châu) đã chết khi đang lội nước cố cứu những tài sản ít ỏi của mình. 1 người bị mất tích là chị Trần Thị Đông (29 tuổi, công nhân Công ty Dệt may Hòa Thọ).

Thừa Thiên-Huế - Quảng Trị: Người dân kiệt sức vì lũ triền miên

Ảnh: V.P.T

Lúc 10 giờ trưa hôm qua, ông Trương Cảnh Tùng (60 tuổi, ở thôn Thủ Lễ, xã Quảng Phú, H.Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế) bị lật thuyền và tử nạn. Một người mất tích là anh Trần Quang, 33 tuổi. Chính quyền đã di dời 4.641 hộ với hơn 16.793 dân từ vùng trũng, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, vùng đầu nguồn ven sông, ven suối... đến nơi an toàn.

Hầu hết các tuyến đường trong TP Huế đều ngập sâu từ 0,5 đến 1,7m; đường sắt Bắc Nam bị ngập sâu hai đoạn làm hơn 2.000 hành khách bị mắc kẹt. Trong đó, tại ga Huế có tàu SE6 và VQ2, với lượng khách hơn 400 hành khách. Các tuyến từ phía Bắc vào có: TN3 kẹt tại ga Hiền Sĩ (địa phận H.Phong Điền) với 712 hành khách; SE1 kẹt ở ga Phò Trạch (H.Phong Điền) với 368 hành khách; SE3 kẹt tại Mỹ Chánh (địa phận H.Hải Lăng, Quảng Trị) với 259 hành khách; Tuyến phía Nam ra có tàu TN2 với 539 khách kẹt ở ga Truồi. Tại TP Huế, có hơn 3.000 khách du lịch (2.500 khách quốc tế) đang kẹt lại tại các khách sạn. Tất cả các tour đường bộ Huế - Hội An và ngược lại đều bị hủy.

Liên tiếp 4 đợt lũ lớn xảy ra đã khiến người dân nhiều vùng dân cư thấp trũng đang cạn kiệt nguồn dự trữ, đối mặt với nguy cơ thiếu đói. Ngay sau cuộc họp sáng qua, UBND tỉnh đã quyết định xuất hỗ trợ 60 tấn gạo và 12 tấn mì tôm cho các địa phương cứu đói.

Hàng chục tuyến đường giao thông trên địa bàn Quảng Trị đã bị ngập và sạt lở nghiêm trọng. Trong đó, tuyến đường Tà Rụt - La Lay (Đakrông) bị sạt lở hơn 30 điểm với hàng nghìn m3 đất, đá đổ ập xuống lòng đường; tuyến đường Tà Long - Ba Nang - Ba Tầng bị sạt lở nhiều điểm, người dân không thể đi lại được; tỉnh lộ 68 - Triệu Phong, tỉnh lộ 8 - Hải Lăng, tỉnh lộ 7 - Đakrông bị ngập sâu từ 1 - 1,5m, khiến giao thông bị tê liệt hoàn toàn. Tại xã Triệu Thuận (H.Triệu Phong), nước sông Thạch Hãn dâng cao cùng với lượng nước thượng nguồn đổ về mạnh đã làm vỡ một cây cầu phao và làm ngập nặng hàng trăm hộ dân buộc chính quyền địa phương phải huy động lực lượng di dời dân trong tình huống khẩn cấp. Có khoảng 7.000 hộ dân ở các vùng trũng, vùng ven sông bị ngập lũ, có nơi ngập sâu đến 1,2m.

4 giờ vật lộn với lũ

Ảnh: V.P.T

Sáng qua, PV Thanh Niên cùng đoàn cứu hộ đi ghe đến vùng lũ Hòa Khương (H.Hòa Vang), một trong những địa bàn bị thiệt hại nặng nhất tại Đà Nẵng. Nhà của gần 2.000 hộ dân (chiếm 2/3 số hộ dân của xã) bị ngập sâu trong nước lũ. Lũ lên rất nhanh và bất ngờ, nên người dân không kịp chuẩn bị lương thực. Từ đêm trước cho đến sáng 12.11, UBND xã đã huy động toàn bộ ghe thuyền có được để đưa 4 sản phụ đến các trung tâm y tế sinh. Đập Đồng Nghệ đã phải mở 2 cửa để xả lũ khiến nước càng lên nhanh. Tình hình ngày càng nguy cấp, từ các thôn báo về có rất nhiều người đang mắc kẹt tại nhà và cần ứng cứu, ghe máy từ đập Đồng Nghệ đã lập tức được huy động.

Sau khi tham gia vận chuyển, cứu nhiều người dân, đến khoảng hơn 12 giờ trưa, khi đến khu vực đồng Lò Rèn, trong lúc chiếc ghe cố gắng vào cứu hộ gia đình bà Cao Thị Lê (đang đứng trên nóc tủ kêu cứu) thì máy bị hỏng, ghe lại nhỏ nên bị dòng nước chảy xiết cuốn đi. Trên ghe lúc này có 14 người gồm Chủ tịch xã Hòa Khương Quách Thu, các cán bộ ủy ban cùng PV Thanh Niên, Sài Gòn Giải Phóng, Nông thôn Ngày nay. Khi ghe trôi chừng 300 mét, một số người trên ghe đã nhanh tay níu vào dây neo trụ điện cao thế gần đó nên không bị nước cuốn. Trước tình thế không thể thả trôi ghe do đoạn phía dưới nước chảy xiết, tạo thành vực, có thể sẽ làm ghe chìm nên 14 người bằng mọi cách đã cố bám trụ lại dây neo trụ điện để chờ lực lượng cứu hộ của huyện Hòa Vang ứng cứu. Vào lúc này, trời mưa to, ghe lại bị thủng, nước chảy tràn vào, mọi người đã cố gắng bằng tất cả sức mình để tát nước bằng mũ cối, mũ bảo hiểm để giữ cho ghe khỏi chìm. Tất cả đã chuẩn bị sẵn tinh thần, toàn bộ áo mưa, túi xách, quần dài, áo lạnh đã được tháo ra khỏi người, phải dầm trong mưa để đề phòng tình thế xấu nhất có thể xảy ra còn có thể bơi được.

Rất nhiều người dân khu vực gần đó chứng kiến sự cố này mà không thể có cách nào ra ứng cứu. Trong khi đó, công tác cứu hộ của các cơ quan chức năng diễn ra quá chậm chạp, lúng túng. Sau hàng chục cuộc điện thoại cầu cứu, chúng tôi mới được biết thuyền cứu hộ của huyện Hòa Vang tuy đã có mặt tại huyện nhưng phải chờ xe cẩu điều về từ Cầu Đỏ. Tất cả các máy điện thoại đều đã hoạt động hết công suất. Trước tình hình nguy cấp, nước chảy ngày một mạnh, lực lượng cứu hộ vẫn chưa thấy đâu, chúng tôi đã phải tiếp tục liên lạc cầu cứu với lực lượng cứu hộ Vùng C Hải quân. Ngay lập tức, đơn vị này đã điều bo bo chuyên dụng của Lữ đoàn 161 ở cảng Tiên Sa (cách vị trí ghe cứu hộ bị nạn gần 30km) để đến ứng cứu. Mãi hơn 3 tiếng đồng hồ sau, thuyền cứu hộ của huyện Hòa Vang mới có mặt tại xã Hòa Khương. Do nước chảy xiết, vị trí ghe tiếp cận rất khó, thuyền cứu hộ dài nên đành bất lực, không thể ứng cứu được. May thay, bo bo cứu hộ của hải quân đã có mặt kịp thời, và sau nhiều lần tiếp cận khó khăn đã lần lượt chuyển toàn bộ 14 người trên ghe sang bo bo. Lúc đó đã là hơn 4 tiếng đồng hồ kể từ khi ghe gặp nạn. Sau khi cứu hộ an toàn, bo bo cứu hộ cùng đoàn tiếp tục đi đến những nhà dân ở vùng xa để vận chuyển những người dân đang mắc kẹt trong các ngôi nhà. Tuy nhiên, tại khu vực thôn La Châu, dù cố gắng nhưng thuyền cứu hộ bị mắc cạn tại trên đường ĐT 614, đành phải quay về trong đêm tối...

Tường thuật của Vũ Phương Thảo, PV Thanh Niên tham gia đoàn cứu hộ gặp nạn

 

Tại Quảng Ngãi, tính đến 16 giờ chiều qua 12.11, lũ lớn đã làm 9 người chết và mất tích. Đó là em Đinh Văn Bim (14 tuổi, ở huyện Sơn Tây), chị Phạm Thị Oát (39 tuổi, ở huyện Ba Tơ), ông Hồ Thương (49 tuổi, ở xã Bình Long), em Nguyễn Thanh Hoàng (13 tuổi, ở xã Bình Chánh, cùng huyện Bình Sơn), cụ Huỳnh Thị Tòa (74 tuổi, ở xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa), em Hồ Thị Thảo Trang (17 tuổi, ở phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi), em Võ Văn Tuấn (8 tuổi, ở xã Đức Lân, huyện Mộ Đức), cụ Trương Thị Hoa (82 tuổi, ở thị trấn Đức Phổ, huyện Đức Phổ) và một bé gái 1 tuổi (đã tìm được xác nhưng chưa rõ tung tích). Toàn tỉnh có 68 xã bị lũ chia cắt, trên 60.500 căn nhà ngập chìm trong nước, trong đó có 36 nhà bị sập và hư hỏng nặng. Mưa lớn cũng đã làm sạt lở tuyến đường Trà Bồng-Tây Trà, khiến đoàn xe vận chuyển 120 tấn gạo cứu trợ phải nằm chờ. Huyện Tây Trà đã bị cô lập hoàn toàn trong khi việc khắc phục sạt lở dự kiến phải mất nhiều ngày nên hàng trăm hộ dân ở huyện này có nguy cơ thiếu đói.

Tại Bình Định, đến 17 giờ chiều qua có thêm 6 người chết, là chị Võ Thị Thúy (25 tuổi), em Nguyễn Thị Mỹ (14 tuổi, đều ở huyện Hoài Nhơn), ông Phạm Hoàng Thông (44 tuổi, ở huyện An Nhơn), chị Lê Thị Đẹt (36 tuổi), chị Phạm Thị Yến Trinh (32 tuổi, đều ở huyện Tuy Phước) và anh Võ Thành Đô (25 tuổi, ở xã Cát Minh, huyện Phù Cát). Một người mất tích ở huyện An Nhơn là em Đỗ Thị Cẩm Ngọc, 17 tuổi.

Tại Phú Yên, lúc 2 giờ ngày 12.11, lũ sông Trà Bương bất ngờ dâng cao, tràn vào nhà dân đã khiến chính quyền địa phương phải dùng kẻng báo động sơ tán khẩn cấp hơn 50 hộ ở thôn Phú Xuân A, Phú Xuân B (xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân) tránh lũ. Do lũ đổ về đột ngột, hầu hết người dân địa phương đều bất ngờ nên bị thiệt hại nặng nề. Trước đó, cụ bà Phạm Thị Thơ (80 tuổi, ở thôn Tân Quy, xã An Hải, huyện Tuy An) bị trượt chân té ngã ở đầm Ô Loan vừa tìm thấy xác hôm qua....

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn lúc 20 giờ tối qua cho biết, trong 48 giờ qua, do ảnh hưởng của lưỡi áp cao lục địa kết hợp với hoạt động mạnh đới gió đông trên cao nên ở các tỉnh từ nam Quảng Bình đến Bình Định đã có mưa to đến rất to. Lượng mưa đo được trong 48 giờ (từ 19 giờ ngày 10 đến 19 giờ ngày 12.11) phổ biến từ 200 - 300mm, riêng vùng từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi: 400 - 600mm, một số nơi mưa rất lớn, như tại Nam Đông (Thừa Thiên - Huế): 1.449mm, Thượng Nhật (Thừa Thiên - Huế): 1.032mm, A Lưới (Thừa Thiên - Huế): 679mm, Tà Lương (Thừa Thiên - Huế): 621mm, Tiên Sa (Đà Nẵng): 632mm, Trà My (Quảng Nam): 584mm, Hiệp Đức (Quảng Nam): 683mm. Hiện nay, lũ trên hầu hết các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định xuống chậm, nhưng còn ở mức rất cao, riêng trạm Cẩm Lệ trên sông Hàn lên chậm.

Trên sông Thu Bồn và Vu Gia, mực nước đã vượt trên đỉnh lũ lịch sử năm 1999 là 0,2 mét. Mực nước lúc 19 giờ tối qua trên các sông như sau: Sông Thạch Hãn tại Quảng Trị: 4,79m, dưới báo động (BĐ)3: 0,61m; Sông Bồ tại Phú Ốc (Thừa Thiên - Huế): 4,53m, ở mức BĐ3; Sông Hương tại Kim Long (Thừa Thiên - Huế): 4,24m, trên BĐ3: 1,24m; Sông Vu Gia tại Ái Nghĩa (Quảng Nam): 9,81m, trên BĐ3: 1,01m; Sông Thu Bồn tại Câu Lâu (Quảng Nam): 5,26m, trên BĐ3: 1,56m; tại Hội An: 3,24m, trên BĐ3: 1,54m; Sông Hàn tại Cẩm Lệ (Quảng Nam): 3,89m, trên BĐ3: 2,28m; Sông Trà Bồng tại Châu Ổ (Quảng Ngãi): 4,10m, ở mức BĐ3; Sông Trà Khúc tại trạm Trà Khúc (Quảng Ngãi): 4,99m, dưới BĐ3: 0,71m; Sông Vệ tại trạm Sông Vệ (Quảng Ngãi): 3,52m, dưới BĐ3: 0,42m; Sông Kôn tại Thạch Hòa (Bình Định): 7,69m, trên BĐ3: 0,09m; Sông Ba tại Củng Sơn (Phú Yên): 31,34m, dưới BĐ2: 0,16m, tại Phú Lâm: 2,47m, dưới BĐ2: 0,23m.

Dự báo trong 24 giờ tới, ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định mưa giảm hẳn so với 24 giờ qua. Lượng mưa trong 12 giờ tới phổ biến từ 30 - 50mm, có nơi trên 50mm. Đêm 12.11, lũ trên sông Hàn tại Cẩm Lệ sẽ đạt đỉnh và ở mức 4,1m. Ngày 13.11, lũ hạ lưu các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Nam tiếp tục xuống, nhưng còn trên mức BĐ3; các sông ở Quảng Trị, Quảng Ngãi xuống dưới mức BĐ2, riêng trên sông Kôn tại Thạch Hòa còn trên mức BĐ2. Dù lũ trên các sông thuộc các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Nam đang xuống, nhưng còn ở mức đặc biệt lớn, tình trạng ngập lụt xảy ra nghiêm trọng trên diện rộng.

Mai Vọng - Hứa Xuyên Huỳnh - Hồ Trọng - Trương Điện Thắng - Vũ Hoàng - Thái Anh - Hiển Cừ - Đình Phú - Đức Huy - Bùi Ngọc Long - Phan Thiên Sơn - Vũ Phương Thảo - Diệu Hiền - Hữu Trà - Vũ Phương Thảo (Theo Thanh Niên)