itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Lũ lớn ở Quảng Ngãi, Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế

Lũ lớn ở Quảng Ngãi, Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế

Nhiều vùng ở Huế chìm trong biển nước

7 người thiệt mạng
* Hàng nghìn hành khách đi tàu kẹt tại ga Huế
5 người chết ở Quảng Nam

Sáng qua 17.10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp chống lũ.

Chính quyền địa phương yêu cầu các ngành chức năng khẩn trương khai thông các tuyến đường ở miền núi, đảm bảo an toàn và sẵn sàng ứng phó sự cố vỡ hồ đập tại Duy Xuyên, Hiệp Đức, Thăng Bình..., trong đó sẵn sàng di dời 1.500 hộ dân xung quanh đập Trà Cân (H.Đại Lộc). Trước mắt, Quảng Nam chuyển 200 tấn lương thực dự trữ đến các địa phương.

Cũng trong hôm qua, thông tin từ huyện Bắc Trà My cho biết, vào lúc 12 giờ trưa ngày 16.10, bà Võ Thị Lẽ, 51 tuổi, trú tại thôn 10, xã Trà Đông trong khi băng qua khe suối đã bị lũ ống quét đột ngột, cuốn trôi mất tích. Bà con nhân dân trong thôn đã tập trung tìm kiếm đến 16 giờ cùng ngày mới vớt được thi thể.

Trước đó, tối ngày 15.10, sau khi ăn tối, 2 công nhân của công trình thủy điện Zà Hung, huyện Đông Giang được phân công chèo ghe qua bờ bên kia sông A Vương để giữ kho. Lúc này trời đang mưa lớn, nước sông thượng nguồn chảy mạnh. Ghe của 2 công nhân chèo đến giữa dòng thì bị lật, nước lũ cuốn mất cả 2 công nhân. Đến cuối giờ chiều qua, danh tính 2 người cũng được xác định: đó là Nguyễn Mạnh Tưởng (sinh năm 1983, quê Nghệ An) và Trần Văn Ngạn (sinh năm 1973, quê Hà Nam). Như Thanh Niên đã thông tin, chiều 16.10, một thầy giáo của trường Tiểu học Tây Giang (xã Trà Hy, huyện Tây Giang) trên đường đi dạy về đã bị lũ cuốn trôi, đến chiều qua vẫn chưa tìm thấy xác. Như vậy đến thời điểm này, Quảng Nam đã có 5 người bị chết do mưa lũ.

Ngoài ra, mưa lớn kéo dài cũng đã làm ngập 2.000 ha hoa màu, 150 ha lúa hè thu muộn và 250 ha lúa gieo tại các huyện miền núi. Mưa lớn còn gây sạt lở trên 1.000m3 đất đá và ngập lụt. Đặc biệt là trên tuyến đường DT616 tại ngầm Sông Trường thuộc địa phận tổ Mậu Long, thị trấn Trà My, nước đã băng qua ngầm và dâng cao hơn 2m, cắt đứt lưu thông về các xã vùng cao của huyện và lên huyện Nam Trà My. Ách tắc giao thông cũng đang diễn ra tại tuyến ĐT 611, 604 và đường Hồ Chí Minh (đoạn từ Đông Giang đi Tây Giang). Còn tại huyện Quế Sơn, tuyến đê chống lũ trên sông Ly Ly (thuộc xã Quế Phú) đang thi công dang dở thì bị nước lũ tràn qua.

90% xã, phường của Thừa Thiên - Huế chìm trong biển nước

Ban Phòng chống lụt bão tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, nước lũ đã làm ngập úng trên diện rộng với hơn 90% phường, xã trong toàn tỉnh, mức ngập bình quân từ 0,5-1,5m, trong đó đặc biệt có nơi đã ngập sâu đến 3 mét (như Phú Hậu, TP Huế và một số xã ở Quảng Điền). Nước lũ đã chia cắt huyện Phong Điền thành 3 vùng cô lập (vùng ven phá Tam Giang, vùng trung du và vùng núi). Các huyện Hương Thủy, Phú Vang có hơn 70% địa bàn dân cư ngập lụt cả vùng núi lẫn vùng hạ lưu và ven đầm phá...

Ngay trong đêm 16.10, thực hiện công điện khẩn của Chủ tịch UBND tỉnh, các địa phương đã di dời được hơn 4.200 hộ với hơn 17 ngàn dân ở các vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ lũ quét, lũ ống, vùng sạt lở bờ sông bờ suối và ven phá Tam Giang... đến nơi an toàn. Đến chiều qua, bằng ca nô của CSGT đường thủy TP Huế, PV Thanh Niên mới tiếp cận được vùng rốn lũ phường Phú Hậu (TP Huế) và xã Phú Mậu (H.Phú Vang). Đây là hai xã nằm cuối nguồn sông Hương và tiếp giáp với phá Tam Giang, nên thiệt hại của người dân rất lớn. Hầu hết mọi tài sản đều bị ngập và hư hỏng. Đa số người dân khi được sơ tán chỉ mang theo một số quần áo và nhu yếu phẩm, còn lại đều phó thác cho nước lũ.

Ông Mai Chí Minh, Chủ tịch UBND xã Phú Hậu, cho biết: "Toàn xã có hơn 97% hộ dân ngập lụt, trong đêm 16.10, lực lượng ứng trực của xã đã dùng biện pháp cưỡng chế di dời hơn 125 hộ dân đến ở tại các nhà kiên cố, trường học, trung tâm dạy nghề và các chung cư cao tầng trong khu vực. Do đa số là lao động nghèo nên việc dự trữ lương thực chỉ có thể chống chọi khoảng từ 1 đến 2 ngày. Nếu diễn biến lũ lụt kéo dài chắc chắn sẽ gặp khó khăn". Tương tự, xã Phú Mậu (H.Phú Vang) cũng có hơn 90% hộ dân ngập lũ. Hiện cả hai địa bàn này đều đang còn chia cắt, muốn tiếp cận phải đi bằng thuyền hoặc ca nô chuyên dụng.

Đường Hồ Chí Minh sạt lở nhiều vị trí với khối lượng trên 200m3; đường quốc lộ 1A qua địa phận Thừa Thiên - Huế bị hư hỏng nhiều đoạn nhưng vẫn lưu thông được; quốc lộ 49A và tỉnh lộ 14B sạt lở đã giải phóng nhưng vẫn có nguy cơ tắc đường trở lại do các điểm sạt lở vẫn còn tiếp tục. Các tuyến tỉnh lộ 8A, 8B, 8C, 8D, 10, 12... đều có nhiều đoạn ngập chìm trong nước, có nơi sâu đến hơn 1,5m.

Đường sắt qua địa bàn Thừa Thiên - Huế bị ngập làm các chuyến tàu đều phải kẹt lại. Trong đó, tàu VQ2 từ Quy Nhơn - Đồng Hới, bị kẹt hơn 9 tiếng đồng hồ tại ga Huế. Các tàu SE5, SE6, TN2, TN1, SE1, TN3 đều bị kẹt lại và chậm giờ bình quân từ 5 đến 7 tiếng, có tàu chậm tới hơn 10 tiếng đồng hồ mới lưu thông. Thế nhưng, đến 18 giờ hôm qua, nước sông Ô Lâu bất ngờ dâng cao và chảy xiết đã làm đoạn đường sắt qua Phò Trạch bị ngập, khiến hệ thống đường sắt tê liệt trở lại. Trong tối qua, hơn 700 hành khách trên các tàu SE2 và SE4 đã bị kẹt tại ga Huế.

Quảng Ngãi: Lũ và lốc xoáy khiến 2 người chết

Đến chiều 17.10, lượng mưa trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi bình quân trên 300 mm, cao nhất là huyện Minh Long 435 mm, Sơn Giang 319 mm. Nước trên sông Trà Khúc, sông Vệ, sông Trà Bồng đều trên mức báo động 3 từ 0,9 - 1m. Nước lũ đã làm chết 2 người: cháu Phạm Ngọc Viễn (2 tuổi) ở xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành và chị Phạm Thị Hạ ở xã Ba Trang, huyện Ba Tơ. Các cấp chính quyền ở huyện Sơn Hà, Trà Bồng, Tây Trà đã khẩn trương di dời 120 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở núi. Nhiều tuyến đường ở miền núi đã bị nước lũ phong tỏa, giao thông ách tắc, trong đó quốc lộ 24 đoạn qua huyện Ba Tơ đã bị cắt đứt do nước sông Liên dâng cao.

Lúc 4 giờ sáng ngày 17.10, một cơn lốc xoáy quét qua địa bàn xã Nghĩa Thương và xã Nghĩa Phương (huyện Tư Nghĩa) làm 2 người bị thương nặng là ông Võ Đình Đức (55 tuổi), Hồ Thế Anh (21 tuổi) đều trú ở xã Nghĩa Thương. Cơn lốc cũng đã làm 53 ngôi nhà bị tốc mái và 4 ngôi nhà bị sập hoàn toàn. Mưa to kèm theo sấm sét đã làm hư hỏng nặng các thiết bị sản xuất chương trình và truyền dẫn, phát sóng của Đài PT-TH Quảng Ngãi, thiệt hại trên 1,2 tỉ đồng.

Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các địa phương huy động mọi lực lượng phương tiện sẵn sàng sơ tán, di dời dân ở các vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, cấm các bến đò ngang hoạt động và người đi vớt củi trên sông. Dự trữ lương thực thực phẩm thiết yếu và thuốc men chữa bệnh bảo đảm sử dụng trong 10 ngày đối với những vùng bị lũ chia cắt, nhất là huyện đảo Lý Sơn.

Tin từ đài khí tượng thủy văn 

Chiều tối qua 17.10, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, trong 2 ngày qua (16 - 17.10), ở các tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định đã có mưa to đến rất to, lượng mưa đo được phổ biến từ 150-200 mm, một số nơi có lượng mưa trên 250 mm khiến lũ các sông ở hai tỉnh này đang lên nhanh. Trong khi đó, lũ các sông ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng đang xuống chậm và còn ở mức cao. Dự báo, lũ các sông từ Quảng Ngãi đến Phú Yên và khu vực Bắc Tây Nguyên tiếp tục lên.

Đêm qua vàâ sáng sớm nay 18.10, mực nước sông Trà Khúc tại Trà Khúc lên mức 7,0m (trên trên báo động III: 1,3m), sông Vệ tại trạm Sông Vệ lên mức 5,6m (trên báo động III: 1,5m), các sông ở Bình Định, Phú Yên và khu vực Bắc Tây Nguyên lên mức từ báo động II đến báo đông III. Lũ các sông ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng tiếp tục xuống chậm, cần đề phòng lên trở lại. Các tỉnh kể trên cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất tại vùng núi và ngập lụt sâu ở vùng trũng, đồng bằng.

* Cũng theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, trong 4-5 ngày tới, khu vực miền Trung từ Đà Nẵng đến Bình Thuận sẽ có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to đến rất to. Nguyên nhân do khu vực này chịu ảnh hưởng của rìa tây nam lưỡi cao lạnh, đồng thời còn chịu ảnh hưởng kết hợp của đới gió đông trên cao hoạt động mạnh. Ngoài ra, khoảng ngày 19 - 20.10 có khả năng chịu ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường. Trong khi đó, rãnh áp thấp có trục đi qua Nam Bộ (gây mưa lớn ở TP.HCM, các tỉnh Nam Bộ và Tây Nguyên trong những ngày qua) vẫn còn tồn tại trong 2-3 ngày tới, sau đó sẽ mờ dần. Do vậy, Nam Bộ và Tây Nguyên vẫn tiếp tục có mưa.

Quang Duẩn - M.Vọng

Hồ Trọng - H.X.H - Bùi Ngọc Long - Thái Anh - Hiền Cừ