itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Miền Trung: Lũ xuống càng thấy tang thương

Miền Trung: Lũ xuống càng thấy tang thương

Chính quyền huyện Quế Sơn đưa mì

tôm về đến tay dân - ảnh: Hồ Trọng

* Quảng Nam: Đói trong cảnh trắng tay !
* Đà Nẵng: Thiếu nước uống
* Thừa Thiên - Huế: Cứu đói !
* Quảng Ngãi: 6 tỉ đồng và 2.000 tấn gạo hỗ trợ khẩn cấp

Quảng Nam: Đói trong cảnh trắng tay !

* 11 người chết và mất tích, 53 tàu thuyền bị chìm

Mực nước các sông trong tỉnh sau khi vượt mức đỉnh lũ lịch sử năm 1999 đã bắt đầu xuống chậm nhưng vẫn ở mức trên báo động III. Lũ lớn đã làm 9 người chết, 2 người mất tích và 2 người bị thương; 75 xã, phường, thị trấn với gần 57 nghìn ngôi nhà của người dân ngập sâu trong nước từ 1 đến 4 mét, nhiều nơi tại khu vực miền núi có nguy cơ thiếu lương thực do mưa lũ dài ngày, nhiều tuyến đường giao thông bị tắc nghẽn, tuyến quốc lộ 1A bị ngập nhiều đoạn, gây ách tắc giao thông từ rạng sáng ngày 12.11.

53 tàu cá của ngư dân neo đậu tại âu thuyền Hồng Triều (xã Duy Nghĩa - huyện Duy Xuyên) đã bị sóng đánh chìm, trong đó riêng huyện Thăng Bình là 39 chiếc. Mất tàu, cả 800 lao động với hàng nghìn nhân khẩu của các xã ven biển Quảng Nam không biết sẽ phải xoay xở ra sao. Tại huyện Quế Sơn, ông Võ Thuật - Chủ tịch UBND huyện cho biết, hơn 30 nghìn nhân khẩu của 5 xã vùng tây, gồm Quế Lộc, Quế Phước, Quế Trung, Quế Ninh và Quế Lâm bị cô lập từ trưa 11.11. Toàn vùng có trên 50% nhà bị nước lũ ngập sâu đến nóc. Theo ông Thuật, từ khoảng 1 giờ sáng 12.11, qua thông tin vô tuyến, rất nhiều nhóm hộ khu vực vùng tây đã gọi về huyện cầu cứu nhưng vẫn không có cách gì xoay xở vì lũ vùng này quá lớn và lưu lượng nước chảy cực mạnh nên đành phải bó tay. Toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc, điện thắp sáng của vùng tây đều bị tê liệt, phương tiện giao thông cũng không thể lên đến nơi nên đến 11 giờ ngày 13.11, huyện vẫn chưa biết được tình hình người dân vùng này ra sao. Từ sáng ngày 12.12, ông Trần Minh Cả - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã đến huyện Quế Sơn, tìm cách để đi đến vùng đặc biệt nguy hiểm này, song vẫn vô hiệu vì không có ca nô mà lũ cuốn quá dữ. Cái đói bây giờ là nỗi lo lớn nhất của người dân vùng tây Quế Sơn.

Ngày 13.11, UBND tỉnh Quảng Nam phân bổ 30 tấn mì tôm do Chính phủ hỗ trợ và đưa khẩn cấp về các vùng bị cô lập; trong đó ưu tiên cho người dân 4 địa phương đang bị thiếu đói ở cánh bắc của tỉnh, bị lũ lớn vây hãm gần 3 ngày qua. Đại tá Ngô Quý Đức - Phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam cho biết, lúc 11 giờ ngày 13.11, Sư đoàn không quân 372 (Bộ Quốc phòng) đã điều động 1 máy bay, thả 1,6 tấn mì tôm tại nhiều vùng ở huyện Đại Lộc và thị xã Hội An để cứu trợ khẩn cấp cho nhân dân đang thiếu đói tại các điểm vẫn còn nguy cơ bị cô lập trong nhiều ngày tới. Tỉnh cũng đã trình Chính phủ xin hỗ trợ khẩn cấp 1.700 tấn gạo và 50 tấn mì ăn liền.

Đà Nẵng: Thiếu nước uống

Ảnh: T.Đ.T

Đến chiều ngày 13.11, mưa đã bắt đầu dứt, nhưng nước trong TP Đà Nẵng vẫn xuống chậm. Tại khu vực phường Hòa Xuân (Q.Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), nơi 100% hộ bị ngập trong nước lũ và được coi là địa phương bị thiệt hại nặng nhất tại Đà Nẵng trong đợt lũ này, hơn 300 người dân của P.Hòa Xuân vẫn còn phải trú tại trụ sở UBND phường và giáo xứ Cồn Dầu vì nhà cửa đều bị ngập lút đầu. Điều mà người dân đang trốn lũ tại đây lo lắng nhất là nước uống thiếu nghiêm trọng. Cụ bà Lê Thị Tảnh đã 78 tuổi, cùng hàng chục cụ bà khác ngồi run rẩy vì lạnh. Từ đêm 11.11 đến chiều 13.11 chỗ ngủ của các cụ là nền đất ẩm ướt nước mưa, không có chăn để đắp. Cụ Tảnh cũng cho biết, đây là lần thứ 2 cụ chạy lụt, lần đầu là năm 1999. "Nhưng lần lụt năm 1999 nước rút nhanh lắm, ngày hôm sau trời đã quang, nắng ráo rồi, chớ có đâu như lụt năm ni, mấy ngày rồi mà nước vẫn còn mênh mông. Nước rút là còn đáng sợ nữa, nhà cửa chắc cũng có cái phải sập!", rồi cụ òa khóc. Thương nhất là em bé chưa được đặt tên vì chưa tròn 1 tháng tuổi con chị Nguyễn Thị Thạnh, nay sắp đón ngày đầy tháng của mình giữa nơi lạnh lẽo, gió lùa tứ phía, phải ngủ trên những chiếc ghế gỗ kê tạm. "Heo vàng sao phải đi tránh lụt thế này!", chị Thạnh nhìn con rơi nước mắt.

Tại trụ sở UBND xã Hòa Phong, nơi từ 2 hôm nay đã trở thành chỗ lưu trú cho những người già, phụ nữ, trẻ em của hơn 70 hộ dân vùng ngập sâu, chị Trần Thị Thanh Xuân (37 tuổi, thôn Dương Lâm 1) cho biết: tuy nước đã rút dần nhưng vì an toàn, mọi người vẫn chưa dám về nhà. Chị và đứa con trai chưa đầy 3 tháng tuổi phải ở lại đây, để chồng về dọn lụt. Trong những cơn lụt trước, đã có nhiều trường hợp bị thương vong do người dân bị tai nạn trượt té trong quá trình dọn nhà sau lụt. Vì thế, một số người dân đã nảy ra sáng kiến đội mũ bảo hiểm khi dọn nhà để đảm bảo an toàn.

Đến chiều qua, tại Đà Nẵng, hơn 27.000 nhà dân vẫn còn bị ngập trong nước lụt. Hàng trăm ngàn người vẫn đang phải trú tạm ở các nơi an toàn. Theo báo cáo đã có 2 người chết là anh Lê Văn Quý (35 tuổi, huyện Hòa Vang) và chị Trần Thị Đông (Q.Cẩm Lệ). Tất cả các đơn vị quân sự đóng trên địa bàn đều đến các địa phương để phối hợp tác chiến với ban, ngành; gần 9.000 chiến sĩ, lực lượng cứu hộ, 25 ca nô, 6 thuyền cứu hộ, hàng trăm thuyền thúng nhỏ... thường xuyên đi vào vùng lụt để hỗ trợ cho bà con khi cần thiết. 15.000 thùng mì cùng 20 tấn gạo đã được xuất để cứu trợ cho bà con vùng lũ. Hàng trăm trường học vẫn còn ngập sâu trong nước lũ, và dự báo hàng nghìn học sinh trong vùng lũ sẽ phải còn nghỉ học dài ngày, bởi sau khi nước rút, thời gian khắc phục sẽ rất lâu.

Chiều tối 13.11, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã đi thị sát tình hình lũ lụt tại Đà Nẵng và cứu trợ lương thực cho người dân phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ.

Thừa Thiên - Huế: Cứu đói !

Ảnh: V.P.T

Trong ngày 13.11, lượng mưa đã giảm, nhưng mực nước trên các sông tại Thừa Thiên - Huế vẫn ở mức cao và xuống rất chậm. Toàn tỉnh vẫn còn hơn 83.378 hộ thuộc các huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Hương Thủy, Nam Đông và thành phố Huế bị ngập bình quân từ 0,5 - 2,2m. Ngoài hai người thiệt mạng trong ngày 12.11, Thừa Thiên - Huế cũng đã có 3 người bị thương, trong đó có 2 người do bị sạt núi ở đèo La Hy trên tỉnh lộ 14B (Nam Đông - La Sơn), 1 người ở xã Lộc Hòa đi tránh lũ bị ngã gây chấn thương đang điều trị tại bệnh viện. Ở xã Xuân Lộc có 5 người đi đánh cá trên sông Hai Nhánh (thượng nguồn sông Hương) từ ngày 10.11, đến 14 giờ, ngày 11.11 có điện về gia đình thông báo bị lật thuyền và đã lên được bờ nhưng từ thời gian đó cho đến 15 giờ ngày 13.11 vẫn chưa liên lạc về gia đình.

Trên địa bàn thôn 1, xã Vinh Mỹ, vào lúc 5 giờ ngày 12.11, xuất hiện một cơn lốc xoáy làm tốc mái 16 nhà. Khu vực bờ biển thôn Hải Tiến - thị trấn Thuận An bị xâm thực 300m, sâu vào đất liền từ 15 - 20m. Đường sắt Bắc Nam bị ách tắc do bị ngập sâu hai đoạn (Mỹ Chánh - Phò Trạch và Văn Xá - Huế), hiện chưa thông tàu. Một số khu vực dân cư và hầu hết các tuyến đường của 4 phường nội thành Huế đến chiều qua vẫn còn ngập sâu gần 1m và mất điện.

Ngoài số lượng gạo và mì tôm đã xuất hỗ trợ cho các địa phương, ngày 13.11, UBND tỉnh đã quyết định cấp hỗ trợ tiếp cho các địa phương 100 tấn mì tôm. Cũng trong ngày 13.11, UBND tỉnh đã phân bổ 30 tấn mì tôm từ nguồn hỗ trợ của Chính phủ cho các đơn vị: Phong Điền, Quảng Điền và Phú Vang; đồng thời kiến nghị Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp cho Thừa Thiên - Huế 500 tấn mì ăn liền và lương khô để cứu đói cho đồng bào các vùng bị ngập lụt; hỗ trợ 10 ca nô cao tốc loại trên 85CV để tăng cường công tác cứu hộ, cứu nạn.

Quảng Ngãi: 6 tỉ đồng và 2.000 tấn gạo hỗ trợ khẩn cấp

Ảnh: Hiển Cừ

Ngày 13.11, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh đã chi trên 6 tỉ đồng và phân bổ 2.000 tấn gạo hỗ trợ khẩn cấp cho người dân vùng lũ, trong đó ưu tiên chuyển nhanh tiền và gạo đến đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng bị lũ cô lập dài ngày. Tại Dốc Sỏi thuộc tuyến quốc lộ 1A qua xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, trong đêm 12 và ngày 13.11, trên 1.000 xe ô tô các loại với hơn 5.000 hành khách đã bị mắc kẹt do nước lũ chia cắt quốc lộ tại tỉnh Quảng Nam.

Công an tỉnh Quảng Ngãi, ngành giao thông vận tải đã huy động hết khả năng của mình để bảo vệ an ninh trật tự và tài sản của hành khách. Sáng 13.11, ông Trương Ngọc Nhi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đến tận nơi thăm hỏi và hỗ trợ trên 3.500 suất quà (gồm: bánh ngọt, mì tôm, nước uống) cho những hành khách bị kẹt xe do lũ. Lực lượng thanh niên tình nguyện của tỉnh đã được điều động đến hiện trường để chuyển số quà này đến từng hành khách. Sở Y tế Quảng Ngãi cũng đã cử các y bác sĩ cùng hai xe cấp cứu và một số cơ số thuốc đến tại hiện trường khám chữa bệnh và cấp thuốc điều trị miễn phí cho những hành khách bị bệnh.

Hồ Trọng - H.X.H - T.Đ.T - Diệu Hiền - Vũ Phương Thảo - Bùi Ngọc Long - Thái Anh

(Theo Thanh Niên)